LTS: Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc - một tác giả quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - một nhà giáo nhiều năm kinh nghiệm mới gửi đến toàn soạn một số góp ý của ông cho kỳ thi quốc gia.
Theo ông, các góp ý này nhằm làm cho kỳ thi thực sự hiệu quả, và tấ cả được đúc rút từ kinh nghiệm "làm thi" 20 năm của ông.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, với mục tiêu “ hai trong một” sắp diễn ra. Ngành giáo dục và dư luận xã hội luôn kỳ vọng kỳ thi này sẽ thành công tốt đẹp, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho Nhà nước, nhân dân và tạo ra bước chuyển biến tích cực trong việc giáo dục, thi cử những năm tiếp theo.
Bằng trải nghiệm của một người thầy có 20 năm làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra coi thi, chấm thi, thường trực hội đồng coi thi, chấm thi ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi có mấy đề xuất sau đây, với mong muốn kỳ thi quan trọng này được đảm bảo an toàn, nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế:
Đầu tiên, có nhiều ý kiến cho rằng, kết quả thi tốt nghiệp đậu cao hay thấp, công tác coi thi nghiêm túc hay buông lỏng, dễ dãi phụ thuộc nhiều vào ý chí, nhận thức và cách tổ chức thực hiện của lãnh đạo ngành, đặc biệt là lãnh đạo thường trực các hội đồng coi thi. Thực tế, quả đúng như vậy. Cán bộ luôn là cái gốc, cái lõi của vấn đề.
Do đó, trong công tác tổ chức coi thi năm nay, thành phần lãnh đạo hội đồng coi thi phải được dành cho những con người cứng cỏi, bản lĩnh, trung thực, thấm đẫm tinh thần đổi mới, có quyết tâm học thật, thi thật, nói không với bệnh thành tích, tiêu cực, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định của Bộ về quy chế thi.
Với chức trách, nhiệm vụ của mình, trong quá trình tổ chức coi thi, lãnh đạo hội đồng coi thi phân công, luân phiên nhau đi kiểm tra, quán xuyến thường xuyên các phòng thi, nhắc nhở và xử lý kịp thời, đúng quy chế những trường hợp sai phạm của giám thị, thí sinh…Làm được như vậy thì chắc chắn, những giám thị và thí sinh, nếu có ý định tiêu cực rất khó thực hiện được, góp phần đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, đồng bộ, đúng quy chế của kỳ thi.
Thứ hai, công tác tập huấn quy chế thi dành cho cán bộ, giáo viên các trường phổ thông, các trường ĐH, CĐ do các trường và hội đồng coi thi được thực hiện trước khi coi thi, tôi thấy, bao nhiêu năm qua, nhiều nơi chỉ nghiêng hẳn về kỹ thuật, thao tác, quy trình coi thi, thu bài mà chưa thật sự quan tâm, tác động về mặt nhận thức, tư tưởng, thái độ, trách nhiệm của người coi thi đối với hội đồng coi thi và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có tính chất bước ngoặt, tạo tiền đề cho những năm tới, thì các mặt quan trọng mà còn thiếu hụt ấy, các trường, hội đồng coi thi cần dành nhiều thời gian để nhấn mạnh, quán triệt kỹ lưỡng. Vì có tư tưởng, nhận thức đầy đủ, đúng đắn thì mới hành động, thực hiện tốt Quy chế thi.
Thứ ba, biện pháp cho phép thí sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Đây là cách thức tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các hành vi tiêu cực trong công tác coi thi, siết chặt hơn nữa kỷ luật phòng thi.
Thi quốc gia: Khó khăn ban tổ chức phải chịu, thuận lợi dành cho thí sinh
(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 04/CT-TTg yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan tăng cường chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.
Cần được triển khai, phổ biến rộng rãi, hướng dẫn chi tiết hơn để cán bộ coi thi dễ phân biệt, xác định rõ những thiết bị điện tử mà thí sinh có được sử dụng hay không và để từng học sinh dùng đúng mục đích khi cần thiết trong phòng thi.
Cứ công khai, dân chủ, chỉ dẫn cụ thể, không giấu diếm, úp mở điều gì, thì ắt hẳn mọi cái sẽ chuyển biến, tốt lên. Thi cử cần lắm cách làm ấy.
Thứ tư, các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây, những trường hợp vi phạm, bị xử lý kỷ luật, thường ít được thông tin, phản ánh kịp thời, cập nhật trên các phương tiện báo chí, đợi đến thi xong, mấy ngày mới có công bố, kết quả từ địa phương, Bộ GD&ĐT. Thông tin chậm… tác dụng răn đe cũng bị giảm sút đi ít nhiều.
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới, các trường hợp vi phạm, mức độ kỷ luật cần được thông tin cập nhật, liên tục, rộng rãi trên thông tin đại chúng để mọi người đều biết, để răn đe, để làm gương, chấn chỉnh bớt những sai sót hoặc tiêu cực nếu xảy ra tại ngay các buổi, ca thi.
Thứ năm, công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng không kém phần cực nhọc, vất vả, vì cùng một lúc số lượng bài thi các môn tự luận nhiều, gần 1,5 triệu bài mỗi môn: văn, toán, ngoại ngữ. Vấn đề quan trọng hơn cả là làm sao thẩm định, đánh giá đúng chất lượng làm bài các môn tự luận của thí sinh, nhất là môn văn- có tính đặc thù riêng về ngôn ngữ, diễn đạt, về nhiều cách hiểu khác nhau.
Theo tôi, trước tiên, các hội đồng chấm thi cần cân nhắc, chọn lựa những thầy, cô giáo ở các trường phổ thông và các trường ĐH, CĐ có đủ năng lực, phẩm chất, sâu sát chương trình, đối với giám khảo trường phổ thông nên chọn giáo viên đã, đang dạy toàn cấp ( lớp 10,11 và 12). Số lượng, tỉ lệ giám khảo ở trường phổ thông nên nhiều hơn số lượng giám khảo các trường ĐH, CĐ (khoảng 60/40%).
Thực tiễn cho thấy, các thầy, cô giáo ở phổ thông sát thực, kinh qua chương trình học tập của thí sinh hơn hẳn các giảng viên ĐH, CĐ nên việc chấm bài, đánh giá bài thi sẽ nhanh hơn, cho ra độ tin cậy cao hơn.
Tiếp đến, khâu thảo luận chấm, hướng dẫn chấm thi ở các hội đồng chấm thi cần thực hiện triệt để theo quy chế thi, có sự đồng bộ, thống nhất cao trong từng môn, từng hội đồng và tất cả các hội đồng chấm để đảm bảo sự đồng bộ, công bằng, chính xác cho mọi thí sinh.
Hướng dẫn quy trình chấm đầy đủ, chi tiết và có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên của thường trực lãnh đạo; tổ, nhóm chấm và các giám khảo chấm thanh tra là những yếu tố góp phần hạn chế, giảm thiểu những sai sót, nhầm lẫn, thiếu chuẩn trong quá trình chấm thi có thể nảy ra.