Trong 2 ngày (7, 8/9), Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng khối Sở Giáo dục và Đào tạo được tổ chức tại Bắc Ninh. Tại phiên thứ nhất diễn ra chiều 7/9, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Y tế và đại diện lãnh đạo 63 Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung đánh giá về công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.
Quang cảnh hội nghị. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Mong mỏi của xã hội là mỗi năm nhìn thấy kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có sự gia tăng về chất lượng, đổi mới về cách thức. Do đó, đòi hỏi với kỳ thi ngày càng cao". Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo ý thức rất rõ điều này, nên luôn coi công tác tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm là một trong những công việc quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Với một hội nghị mang tính chất chuyên môn như Hội nghị triển nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng, Bộ trưởng đề nghị, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành tham dự tập trung trao đổi khẳng định những việc đúng, việc đã làm tốt, những vấn đề cần làm để kỳ thi năm sau tốt hơn, đổi mới hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn.
“Mỗi kỳ thi đều có khó khăn, thách thức khác nhau. Đã làm tốt rồi cố gắng làm tốt hơn nữa, tinh thần là không chủ quan”, Bộ trưởng nói.
Khách quan, công bằng, đánh giá sát trình độ thí sinh và thực tế dạy học
Báo cáo tổng kết ghi nhận, kỳ thi năm 2022 cơ bản giữ ổn định về phương thức như năm 2021. Đáng chú ý, năm 2022 là năm đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến, có tới 93,12% thí sinh lựa chọn hình thức đăng ký này trong tổng hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra cơ bản thuận lợi, đảm bảo số liệu thi chính xác, tin cậy.
98,75% thí sinh đăng ký đã tham dự kỳ thi; 18 thí sinh trong tổng số 79 thí sinh thuộc diện F0 dự thi. Trên cả nước, 2.243 điểm thi với 42.293 phòng thi được đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp các em không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Kết quả thi và kết quả xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông nhìn chung đảm bảo khách quan, công bằng, đánh giá sát trình độ thí sinh và phản ánh sát đúng thực tế dạy học của các địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng Lê Mỹ Phong báo cáo tại hội nghị. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng mục đích, yêu cầu tổ chức thi.
Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực và cơ bản đáp ứng đúng kế hoạch đề ra. Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. Một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác coi thi được khắc phục kịp thời, đảm bảo tổ chức thi an toàn, nghiêm túc. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của quy chế bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.
Công tác chấm thi, phúc khảo bảo đảm thực hiện đúng tiến độ.
Tuy nhiên, một số địa phương thực hiện chưa thật chặt chẽ việc bố trí cách ly 3 vòng độc lập khu vực in sao đề thi, nhất là tại các đơn vị thuê các tầng của khách sạn làm địa điểm in sao đề thi. Một số giáo viên ở một số địa phương còn hạn chế về nghiệp vụ tổ chức thi, nhất là nghiệp vụ coi thi dẫn đến thiếu linh hoạt trong xử lý tình huống. Còn tình trạng thí sinh cố tình sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận trong các buổi thi chưa được phát hiện kịp thời.
Kỳ thi năm 2023 theo hướng giữ ổn định như năm 2022
Báo cáo nêu, trong năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp; xây dựng, hoàn thiện quy chế thi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022 và hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Chú trọng quán triệt ý thức trách nhiệm, yêu cầu trau dồi phẩm chất, năng lực và tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thi các cấp. Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức kỳ thi.
Mọi thay đổi đều phải có lộ trình và cân nhắc kỹ lưỡng
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 thành công một cách toàn diện, đạt được các mục tiêu, kỳ vọng đề ra. Kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, phù hợp thực tế công tác giáo dục phổ thông trong bối cảnh bị ảnh hưởng rất sâu sắc của dịch bệnh. Đây cũng là một kỳ thi được tổ chức mang tính nhân văn cao, mang tính giáo dục, tính khoa học và phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục đào tạo.
Kỳ thi có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, được sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, của Chính phủ; sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương và tất cả những người tham gia thực hiện.
Dịch bệnh được kiểm soát tốt cũng tạo cơ hội, điều kiện cho kỳ thi được tổ chức trong 1 đợt. Bộ trưởng đánh giá cao khâu chuẩn bị cũng như công tác phối hợp trong suốt quá trình triển khai, đồng thời gửi lời cảm ơn đến các Bộ, ngành, các địa phương, các cá nhân, đơn vị trong Bộ Giáo dục và Đào tạo, tất cả các cán bộ tham gia kỳ thi cùng các em thí sinh đã tham gia kỳ thi với tinh thần tự giác đáng ghi nhận.
Quy chế thi, thời gian thi, cách thức tổ chức kỳ thi cơ bản giữ như các năm trước. Tuy nhiên, kỳ thi đã từng bước hướng đến đổi mới, với mục tiêu định hướng cho người học phát triển năng lực, phẩm chất và sự sáng tạo. Đổi mới dễ nhận thấy nhất là ở phương diện công nghệ, kỹ thuật và chuyển đổi số, học sinh được đăng ký dự thi trực tuyến.
Với công tác ra đề ở một số môn có bước đổi mới, từ đội ngũ nhân lực làm đề thi, đến các yêu cầu của đề thi. Đặc biệt, ở hai môn Ngữ văn, Lịch sử có một số điều chỉnh theo hướng phát huy sự sáng tạo ở thí sinh hơn. Một định hướng nữa được đặt ra và cần có lộ trình, tránh gây “sốc” cho dạy và học, đó là đề thi chú ý đến những phương diện mà người học cần tăng cường sử dụng thiết bị và yếu tố trải nghiệm. Điều này sẽ dần dần khiến nhà trường phải tăng cường thiết bị dạy học, thầy và trò giảm dần yếu tố dạy chay và học chay.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Về kỳ thi sắp tới, năm 2023 và năm 2024, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hội nghị thống nhất giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức để phù hợp chương trình giáo dục phổ thông 2006 đang triển khai những năm cuối cùng. Song song, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, rà soát, xem xét nếu cần thiết sẽ ban hành quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.
Về những thay đổi của kỳ thi từ 2025, Bộ trưởng cho biết một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay, và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, nên kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện, do đó, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề cập đến hai phương diện cần đẩy mạnh hơn nữa, đó là tính phân cấp, trách nhiệm trong chủ động tuyển sinh của trường đại học và ứng dụng công nghệ.