Kỳ thi tốt nghiệp sau 2025 nhiều mục đích sẽ giúp giảm áp lực, tiết kiệm chi phí

25/03/2023 06:42
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-“Thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ không tăng áp lực nếu đề thi đảm bảo mức độ phân hóa, câu hỏi gắn với thực tiễn (giảm bớt tính hàn lâm), đánh giá đúng năng lực HS”.

Thi Lịch sử bắt buộc là động lực nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành bản dự thảo xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với lộ trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lộ trình tự chủ giáo dục đại học; phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu thế chung về phát triển giáo dục và đào tạo trên thế giới.

Theo dự thảo, nội dung thi sẽ nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông.

Theo đó, thí sinh sẽ tham gia thi các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); thi Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Theo đó, thí sinh học chương trình trung học phổ thông sẽ dự thi 4 môn học bắt buộc và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học; thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông dự thi 3 môn học bắt buộc và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Trao đổi về nội dung này, thầy giáo Lê Văn Cường - giáo viên Lịch sử (Trường Trung học phổ thông Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho rằng: “Theo tôi, đây là một tin tốt lành với đông đảo người yêu lịch sử và quê hương đất nước. Việc Lịch sử trở thành một trong những môn thi bắt buộc cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm ngày càng cao của xã hội với việc giữ gìn những giá trị nguồn gốc, truyền thống của cha ông, dân tộc.

Theo thầy giáo Lê Văn Cường, Lịch sử đã là môn bắt buộc thì cũng yêu cầu người dạy phải tìm mọi phương pháp để cho học sinh không “chán Sử, ngán Sử, sợ Sử”. Ảnh: NVCC.

Theo thầy giáo Lê Văn Cường, Lịch sử đã là môn bắt buộc thì cũng yêu cầu người dạy phải tìm mọi phương pháp để cho học sinh không “chán Sử, ngán Sử, sợ Sử”. Ảnh: NVCC.

Do vậy nó có tác dụng kích thích sự say mê chuyên môn hơn của các giáo viên dạy Lịch sử. Đồng thời, đây cũng là động lực lớn hơn cho các em học sinh yêu Sử, học Sử và thi Sử”.

“Tuy nhiên, điều này cũng mang lại áp lực không nhỏ đối với đội ngũ giáo viên, khi yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học lịch sử nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng bộ môn là rất rõ ràng.

Lịch sử đã là môn bắt buộc thì cũng yêu cầu người dạy phải tìm mọi phương pháp để cho học sinh không “chán Sử, ngán Sử, sợ Sử” như trước đây có người vẫn hay nói nữa. Nếu không làm được hoặc làm không tốt việc truyền thụ thì lại dẫn tới tâm lý miễn cưỡng, căng thẳng trong việc tiếp nhận các giờ học Lịch sử của học sinh toàn quốc.

Theo dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp từ 2025, tất cả học sinh sẽ cùng ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử. Do vậy, ý thức nghiêm túc của học sinh với bộ môn này là điều quan trọng nhất dẫn tới thành công của việc cải thiện chất lượng điểm thi môn học này” - thầy giáo Lê Văn Cường chia sẻ thêm.

Cô giáo Tạ Thị Chung - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết: “Theo định hướng mới, từ năm 2025, có môn thi bắt buộc là môn Lịch sử, theo tôi là hợp lý.

Thông thường, các em học sinh tại nhà trường cũng đã chọn thi môn Lịch sử, một trong những môn thuộc khối xã hội. Như năm nay, đối với các môn thuộc khối tự nhiên, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn có rất ít học sinh lựa chọn, hiện tại mới chỉ có 6/80 học sinh đăng ký.

Cô giáo Tạ Thị Chung - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Tạ Thị Chung - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn. Ảnh: NVCC.

Dù tỉ lệ môn Lịch sử so với môn Địa lý hay Giáo dục công dân cũng không cao bằng, nhưng vẫn cao hơn tỉ lệ các môn thuộc khoa học tự nhiên.

Các năm gần đây, kết quả trên trung bình với môn Lịch sử ở Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn đều đạt tỉ lệ tốt, gần đây nhất, năm 2022 là 85,11%”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn trong giờ Giáo dục địa phương. Ảnh: NVCC.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngân Sơn trong giờ Giáo dục địa phương. Ảnh: NVCC.

Sẽ không áp lực nếu đề thi giảm bớt tính hàn lâm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: “Về số lượng các môn thi cũng như 4 môn thi bắt buộc là phù hợp; bởi, học sinh được công nhận tốt nghiệp cần phải nắm được những kiến thức cơ bản, phổ thông, những kiến thức cần thiết trong thực tiễn cuộc sống”.

Vị Giám đốc Sở cũng nhấn mạnh: “Việc tổ chức nhiều môn thi không đồng nghĩa với việc tăng áp lực cho học sinh, nếu đề thi đảm bảo được mức độ phân hóa, các câu hỏi của đề thi gắn với thực tiễn cuộc sống (giảm bớt tính hàn lâm), đánh giá đúng năng lực học sinh, đảm bảo kết quả của kỳ thi được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Đây là một vấn đề quan trọng cần quan tâm để giảm bớt áp lực cho học sinh (học sinh không phải tham gia quá nhiều kỳ thi), giảm chi phí và đảm bảo công bằng cho các đối tượng học sinh khác nhau”.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. .Ảnh: Lại Cường.

Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. .Ảnh: Lại Cường.

Ông Nguyễn Huy Hoàng cũng chia sẻ: “Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền chủ động cho các địa phương trong công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức kỳ thi của các địa phương cần tiếp tục được Bộ quan tâm củng cố, tăng cường để đảm bảo kết quả của kỳ thi phải thực chất, tin cậy.

Qua đó, thúc đẩy trách nhiệm phải nâng cao chất lượng giáo dục của các địa phương. Đồng thời, tạo dựng niềm tin của xã hội đối với kỳ thi và kết quả của kỳ thi được sử dụng với nhiều mục đích khác, đặc biệt là một kênh thông tin tin cậy để phục vụ cho mục đích tuyển sinh vào các trường đại học, góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh khi phải tham gia nhiều kỳ thi tuyển sinh của các trường đại học khác nhau”.

Mong tạo điều kiện cho thí sinh khối giáo dục thường xuyên

Trao đổi với phóng viên về nội dung dự thảo, bà Cao Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Hiện tại, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với khối giáo dục thường xuyên vẫn được tổ chức theo chương trình cũ, các thí sinh chỉ phải làm bài thi 4 môn Toán, Ngữ văn và thêm 2 môn như Lịch sử, Địa lý...

Nếu tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông như theo dự thảo, đối với thí sinh khối giáo dục thường xuyên, thi 3 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn nên đề thi ở năm đầu tiên thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, chắc chắn sẽ khiến chúng ta bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn. Tôi hy vọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng đề thi vừa sức với các em để các em có nhiều cơ hội hơn.

Bởi thực tế, đối với các em học sinh ở khối giáo dục thường xuyên, tỉ lệ các em có nguyện vọng đi học lên đại học là rất ít, chủ yếu các em tốt nghiệp và đi theo định hướng nghề nghiệp của mình.

Giờ học văn hóa tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Ngân Chi.

Giờ học văn hóa tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Ảnh: Ngân Chi.

Các em cũng chỉ mong muốn có bằng tốt nghiệp để thuận lợi hơn trong quá trình theo đuổi nghề đã chọn”.

“Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc trung học phổ thông, biên chế của trung tâm hiện tại vẫn chưa đáp ứng được. Chưa kể, năm nay, việc hợp đồng với sinh viên mới tốt nghiệp nhưng chưa được tuyển dụng viên chức cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, do chế độ đãi ngộ, lương quá thấp nên cực kỳ thiếu nguồn tuyển.

Theo bà Cao Thị Thu Hiền, học sinh ở trung tâm thường chỉ mong muốn có bằng tốt nghiệp để thuận lợi hơn trong quá trình theo đuổi nghề đã chọn, nên mong đề thi vừa sức. Ảnh: Ngân Chi.

Theo bà Cao Thị Thu Hiền, học sinh ở trung tâm thường chỉ mong muốn có bằng tốt nghiệp để thuận lợi hơn trong quá trình theo đuổi nghề đã chọn, nên mong đề thi vừa sức. Ảnh: Ngân Chi.

Ngoài ra, trung tâm cũng phải “đi mượn” giáo viên ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện, nhưng công việc tại trường cũng đã căng thẳng nên phối hợp dạy cho học sinh ở trung tâm lại càng khó khăn hơn.

Chính vì như vậy, trong giai đoạn tới, nếu tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trung tâm cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn với đội ngũ giáo viên, nhất là với công tác ôn thi cho các em” - bà Cao Thị Thu Hiền phân tích thêm.

Ngân Chi