Có dự thảo kỳ thi tốt nghiệp theo CT mới, việc dạy-học được điều chỉnh kịp thời

21/03/2023 06:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 trở đi theo chương trình GDPT mới nên được giảm độ khó so với đề thi tốt nghiệp hiện nay.

Ngày 18/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Theo đó, phương thức tổ chức thi và lộ trình thực hiện, dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở những địa phương có đủ điều kiện. Giai đoạn sau 2030, phấn đấu đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính, sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Tổ chức thi theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc Trung học Phổ thông gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Thí sinh học chương trình trung học phổ thông dự thi 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông dự thi 3 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Đánh về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, hiện nay, việc công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông đối với người học tương đối toàn diện, kết hợp giữa điểm trung bình của năm lớp 12 (30%) và điểm bài thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (70%) và điểm ưu tiên (nếu có).

Cô Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: NVCC).

Cô Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: NVCC).

"Trong thời gian tới, sự điều chỉnh nội dung, hình thức thi tốt nghiệp sẽ đẩy mạnh việc đánh giá năng lực thường xuyên của quá trình học tập để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý chất lượng giáo dục của các tỉnh, nhất là ở các cơ sở giáo dục.

Bậc trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Điều này đã được thể hiện từ việc lựa chọn tổ hợp các môn học trong trường trung học phổ thông. Tuy nhiên nó chưa phải là giai đoạn giáo dục nghề nghiệp, cho nên các bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông dừng ở mức độ đánh giá nội dung giáo dục cơ bản của cấp học này. Tiếp tục cải tiến bài thi, đổi mới hình thức tổ chức, cách thức tiếp cận của bài thi, tỷ lệ đánh giá năng lực trong quá trình học thì sẽ đảm bảo đánh giá toàn diện, cả quá trình, kiểm tra được kiến thức, năng lực, phẩm chất người học.

Do đó, dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 giúp việc dạy và học được điều chỉnh tương ứng, kịp thời", Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.

Liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tốt nghiệp, theo cô Vân, cùng với triển khai cơ sở dữ liệu kết nối liên thông dữ liệu, dạy học trực tuyến, quản lý điều hành điện tử, mô hình giáo dục thông minh thì kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần được tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để thích ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó cần tập trung hơn nữa vào đăng ký dự thi trực tuyến, quản lý quy trình coi thi, tổ chức thi, chấm thi và thông báo kết quả để đảm bảo kỳ thi an toàn, minh bạch và tiết kiệm nhất. Song, việc ứng dụng này cần có lộ trình, công tác chuẩn bị kĩ lưỡng để đảm bảo khả năng đáp ứng về hạ tầng công nghệ thông tin tại các địa phương khi tổ chức kỳ thi với quy mô lớn, trên diện rộng.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Thế Thụy – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, mục đích cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng/không sử dụng kết quả thi để tuyển sinh, tùy vào phương án tự chủ từng trường.

Nguyện vọng cao nhất của học sinh, phụ huynh có con học ở trung tâm giáo dục thường xuyên là các em hầu hết chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông để đi làm, nhập ngũ… nên đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 trở đi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thể giảm độ khó so với đề thi tốt nghiệp của chương trình hiện hành, tạo cơ hội cho học sinh.

"Với tính chất của trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trong quá trình dạy, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động thực tế để phát triển kỹ năng mềm học sinh. Do đó, rất mong đề thi tốt nghiệp từ 2025 sẽ có những câu hỏi tình huống, tăng tính thực hành, vận dụng thực tế để đánh giá năng lực học sinh”, thầy Thụy nói.

Một tiết học của học sinh ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: website nhà trường.

Một tiết học của học sinh ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: website nhà trường.

Cũng theo thầy Thụy, trong bối cảnh thực hiện mục tiêu quốc gia về chuyển đổi số và ngành giáo dục hiện đang triển khai thực hiện Quyết định 131/QĐ-TTg từng bước chuyển đổi số thành công, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là bước tiến hợp xu thế thời đại.

"Hiện nay, một số trường đại học đã tổ chức thi đánh giá năng lực trên máy tính để lựa chọn thí sinh ưu tú nên việc xem xét tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính là điều đương nhiên. Ưu điểm rõ nhất là tiết kiệm chi phí, quá trình thi sẽ tránh được lộ đề, chụp đề nhờ cộng đồng mạng "giải hộ"”, thầy Thụy chia sẻ.

Thông tin thêm về kết quả học tập lớp 10 khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đánh giá theo Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá học viên theo học Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, thầy Thụy cho biết, trong học kỳ I năm học 2022-2023, toàn trường không có học sinh khối 10 nào xếp loại học lực đạt 8.0 trở lên.

Cùng trao đổi về vấn đề này, thầy Lưu Quốc Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) cho rằng, cách ra đề thi cần phải đổi mới, câu hỏi phải mở, không đóng khung kiến thức.

"Ví dụ, đối với môn Ngữ Văn, tinh thần xây dựng đề sẽ là thay vì hỏi cụ thể: “Em hãy viết về việc làm thế nào để thực hiện được ước mơ của mình”, thì đổi sang: “Em hãy viết một bài luận với chủ đề ước mơ”. Khi đó, thí sinh tùy vào sức sáng tạo để bộc lộ cảm xúc, thể hiện năng lực.

Với môn Lịch sử, xây dựng câu hỏi dựa trên việc kiến thức ngày hôm qua phải liên hệ, tăng vận dụng vào xã hội, thực tế ngày hôm nay... ”, thầy Hương chia sẻ.

Về yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin đang được đẩy mạnh trong giáo dục, tổ chức các kỳ thi, thầy Hương ủng hộ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 tính toán đến việc tổ chức thi trên máy tính.

Hình thức thi và chấm bài thi trên hệ thống máy tính có nhiều ưu điểm, khách quan hơn. Hiện các trường phổ thông đều xây dựng nguồn mua sắm trang thiết bị máy tính nên tiến tới sẽ đáp ứng được yêu cầu hạ tầng kỹ thuật.

Cũng theo thầy Hương, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 có thể điều chỉnh tỷ lệ 30% nhận biết, 30% thông hiểu, 30% vận dụng thấp và 10% vận dụng cao (tăng tỷ lệ câu hỏi vận dụng) để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Ngọc Mai