Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2025: Hiệu trưởng góp ý gì?

19/03/2023 08:33
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiệu trưởng một số trường THPT ở Hải Phòng đóng góp ý kiến về dự thảo xây dựng Phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành bản dự thảo xây dựng Phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ với lộ trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lộ trình tự chủ giáo dục đại học; phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu thế chung về phát triển giáo dục và đào tạo trên thế giới.

Trong bản dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có một số điểm đối mới so với các kỳ thi giai đoạn 2015 đến 2022.

Cụ thể, nội dung thi sẽ nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông.

Phương thức tổ chức thi giai đoạn 2025 – 2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy đồng thời từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).

Đến giai đoạn sau 2030 tiến tới tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Môn thi cũng có sự thay đổi khi học sinh sẽ tham gia thi các môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); thi Ngữ văn, Toán, Lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn gồm: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Theo đó, thí sinh học chương trình trung học phổ thông sẽ dự thi 4 môn học bắt buộc và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học; thí sinh học chương trình chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông dự thi 3 môn học bắt buộc và 2 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học.

Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận còn các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Nên ấn định mức độ với câu hỏi vận dụng thực tiễn

Chia sẻ quan điểm cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về những điểm mới trong bản dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025, hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở Hải Phòng cho biết, về cơ bản phương án này trọng tâm về phía học sinh và phù hợp với tính định hướng, hướng nghiệp của các nhà trường ngay từ đầu vào lớp 10.

Hiệu trưởng một số trường trung học phổ thông ở Hải Phòng cho rằng một số nội dung trong phương án cần cụ thể hơn như nội dung thi có giới hạn phạm vi kiến thức rõ ràng để các nhà trường có kế hoạch, định hướng giáo dục (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Hiệu trưởng một số trường trung học phổ thông ở Hải Phòng cho rằng một số nội dung trong phương án cần cụ thể hơn như nội dung thi có giới hạn phạm vi kiến thức rõ ràng để các nhà trường có kế hoạch, định hướng giáo dục (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Tuy nhiên, một số nội dung trong phương án cần cụ thể hơn như nội dung thi có giới hạn phạm vi kiến thức rõ ràng để các nhà trường có kế hoạch, định hướng giáo dục: “Trong phương án có nêu nguyên tắc: “Bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học”. Đồng thời, ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Hiện nay, các nhà trường hướng tới xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực học sinh.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động thực hành, đưa câu hỏi vận dụng vào đề thi tuy nhiên vẫn đang ở mức yêu cầu học sinh tìm tòi thêm, liên hệ kiến thức thực tiễn.

Như vậy, nếu câu hỏi thi và đề thi tốt nghiệp cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực thì cần ấn định mức độ cụ thể. Theo tôi, nên dừng ở mức độ nhận biết để tránh gây áp lực cho học sinh.

Liên quan đến phương thức tổ chức thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm, hiệu trưởng này chia sẻ: “Việc thi trên máy tính có ưu điểm là hệ thống đánh giá rất nhanh nhưng có hạn chế lớn về cơ sở vật chất, khâu tổ chức.

Để triển khai với kỳ thi quốc gia, số lượng học sinh lớn thì sẽ rất khó khăn như chưa đồng bộ được trang thiết bị, đường truyền; công tác đảm bảo an ninh mạng. Khi tham gia thi mà có sự cố cũng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh.

Một số địa phương khó khăn hay vùng sâu, vùng xa thì dù đến năm 2030 để có hệ thống trang thiết bị đồng bộ, đáp ứng được tổ chức thi tốt nghiệp cũng là bài toán khó”.

Phạm vi kiến thức thi tốt nghiệp quá rộng so với giai đoạn 2015 - 2022

Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông khác ở Hải Phòng đóng góp ý kiến: “Phương án đưa ra nội dung thi “nằm trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông” như vậy có thể hiểu phạm vi sẽ bao gồm cả 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Mặc dù kiến thức của cấp học dưới sẽ tạo nền tảng cho cấp học trên nhưng khi ôn luyện thi tốt nghiệp mà phải nhắc lại cả những kiến thức cũ thì rất vất vả cho cả giáo viên và học sinh.

Phạm vi nội dung thi như vậy là quá rộng, đơn giản như khi rà soát riêng lớp 11 kiến thức đã rất rộng chứ chưa nói đến lớp 10 hay cấp trung học cơ sở.

Theo tôi nội dung thi nên giữ như giai đoạn trước là giới hạn trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12 sẽ phù hợp hơn.

Về phương thức thi trong bản dự thảo có sự thay đổi thành 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn trong đó có thêm môn Lịch sử là môn bắt buộc phần nào sẽ gây áp lực cho học sinh, nhất là các em định hướng học các môn tự nhiên.

Bên cạnh đó, khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 có thêm môn Nghệ thuật – Âm nhạc và Mỹ thuật. Nhiều trường hiện nay cũng xây dựng tổ hợp để học sinh lựa chọn có cả môn Nghệ thuật tuy nhiên trong danh sách môn lựa chọn thi tốt nghiệp lại không có bộ môn này”.

Một hiệu trưởng cho rằng nội dung thi nên giữ nguyên như các kỳ thi trước là giới hạn trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12 để không gây áp lực cho giáo viên và học sinh (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Một hiệu trưởng cho rằng nội dung thi nên giữ nguyên như các kỳ thi trước là giới hạn trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12 để không gây áp lực cho giáo viên và học sinh (Ảnh minh hoạ: Phạm Linh)

Hiệu trưởng này đóng góp thêm ý kiến: “Tôi thấy rằng trong phương án thi tốt nghiệp năm 2025 chưa có phần cách tính để xét công nhận tốt nghiệp. Nếu chưa có nội dung này thì không có cái nhìn tổng thể được!”.

Bên cạnh những ý kiến đóng góp cho dự thảo, hiệu trưởng một số trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 cũng như ma trận đề thi để nhà trường kịp thời định hướng, ôn tập cho học sinh.

“Chỉ khi có phương án thi tốt nghiệp các nhà trường mới có thể định hướng, đề ra chiến lược giáo dục cũng như việc phân luồng hướng nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó còn có công tác chuẩn bị đội ngũ như cần bao nhiêu giáo viên, môn nào cần bổ sung giáo viên.

Các nhà trường cũng mong sớm có ma trận đề thi bởi trong bản dự thảo cũng nêu rõ “Để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị ngân hàng câu hỏi thi rất lớn cho 17 môn trong đó có 3 môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ và Tin học lần đầu tiên được xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.

Bên cạnh đó, đến năm 2024 mới có sách giáo khoa lớp 12 và với nhiều bộ sách khác nhau nên công tác chuẩn bị ngân hàng câu hỏi sẽ gặp áp lực về thời gian”.

Theo đó, các nhà trường cũng cần có thời gian, có cở sở để kịp thời xây dựng kế hoạch giáo dục, ôn luyện cho học sinh phù hợp với chương trình mới” một hiệu trưởng chia sẻ.

Phạm Linh