Messi vs Ronaldo hay Tsubasa vs Kojiro?

15/01/2013 13:32
Trần Công Hưng (Bóng đá +)
Những ai từng đọc Subasa - Bộ truyện tranh tạo cảm hứng cho những Zinedine Zidane, Del Piero, Fernando Torres hay Francesco Totti... trở thành cầu thủ chắc không thể quên được cuộc so tài giữa hai đối thủ truyền kiếp Subasa và Kojiro.
Subasa sinh ra trong một gia đình khá giả, bóng đá đơn giản là tình yêu và chơi bóng là để thỏa mãn đam mê, phong cách trên sân của cậu cũng chẳng khác tên của mình: Tsubasa (viết đúng theo từ gốc) – có nghĩa là đôi cánh, Subasa có đường rê dắt bóng lắt léo “như cánh chim tự do bay lượn trên bầu trời”, cú sút “Bẻ lái bóng” của cậu có thể vẽ một đường cong tuyệt đẹp làm cho thủ môn đối phương không biết đằng nào mà lần.

Kojiro thì khác, nhà nghèo nên chơi bóng để được nhận vào học miễn phí tại một trường có phong trào bóng đá mạnh và xa hơn nữa là giúp đỡ gia đình. Kojiro có sức khỏe kinh hồn, đường đi bóng thẳng của cậu có thể hất tung mọi thứ trên đường và cú sút “Cọp tát” mỗi khi tung ra là một lần mành lưới đối phương bị xé toạc. Cả 2 cân tài cân sức, nhưng người chiến thắng luôn là Subasa.

Có lẽ chính tác giả Yoichi Takahashi cũng không ngờ rằng sau này có một cặp cầu thủ ngoài đời lại có nhiều điểm tương đồng với hai nhân vật trong tác phẩm kinh điển của mình đến vậy. Messi là hiện thân của Subasa, hoàn hảo từ kỹ năng cho đến tính cách, thân thiện, hòa đồng, khiêm tốn và được tất cả mọi người yêu quý. Ronaldo cay cú ăn thua như Kojiro và cũng chẳng bao giờ thắng được đối thủ lớn nhất của mình. Đến đây có lẽ tất cả đều nghĩ rằng cuộc đời bất công, tại sao một người được trời phú cho tài năng siêu việt, luôn chiếm được cảm tình của số đông lại luôn giành hết vinh quang như vậy? Nhưng, chúng ta hãy thử nhìn lại hành trình của Messi xem anh có xứng đáng với những danh hiệu đã đạt được hay không?

Cuộc chiến giữa họ chưa có hồi kết.
Cuộc chiến giữa họ chưa có hồi kết.

Messi ngay từ nhỏ đã phải sống chung với căn bệnh quái ác: rối loạn hormone tăng trưởng, cậu bé sinh năm 87 không có được sức khỏe của một người bình thường (mà vận động viên thì phải có sức khỏe hơn người bình thường), các bác sĩ chẩn đoán cậu không thể cao quá 1m40. Tưởng chừng mọi chuyện đã ổn thỏa khi Barca nhận trả tiền chữa bệnh và gia đình Messi chuyển đến Nou Camp, nhưng chưa xong, trong quá trình chữa còi xương, anh lại bị gãy xương mác chân trái.

“Điều đó thật khủng khiếp” - Rexach nhớ lại - “Đó là tổn thương quá lớn đối với một đứa trẻ. Phải có nghị lực phi thường thì cậu bé mới có thể vượt qua được khó khăn”. Trong một năm rưỡi cậu nhóc 13 nhóc phải sống riêng với các bài tập phục hồi cơ thể một mình và không được rèn luyện kỹ năng bóng đá như các bạn trong lò La Masia. Những đứa trẻ khác chắc cũng sẽ không bỏ cuộc, nhưng sự tự tin có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế mới thấy, không gì tự dưng có cả và để thành công Messi đã phải vượt qua nhiều thách thức không nhỏ.

Nhưng nếu khả năng của Messi bây giờ là 10, thì trước đây anh đã có 8 trong mình rồi, còn Ronaldo để có điểm 9 như hiện tại thì chàng trai người Bồ phải xuất phát từ con số 5. Ronaldo cũng có tài thật, nhưng chưa đến mức để người ta gọi là thiên tài. Khi sang Anh, những trò múa may của Ronaldo cũng được vài người hưởng ứng, nhưng phần lớn là ghét – kể cả các đồng đội của mình. Gary Neville nhớ lại: “Cậu ta cứ loay hoay trên sân, đứng sai vị trí, di chuyển sang trái sang phải vào giữa một cách không nhất quán và có lần khiến chúng tôi trả giá. Với một người từng chơi bóng  với những cầu thủ đẳng cấp như Giggs hay Beckham thì đứng trên sân cùng Ronaldo quả là điều thất vọng. Cậu ta thường xuyên làm tôi phát điên lên vì cậu ấy quá phức tạp trong cách xử lý bóng. Cũng như các cầu thủ khác, sự kiên nhẫn của chúng tôi là có giới hạn, chúng tôi thắc mắc khi nào cậu ta sẽ học hỏi, khi nào mới chịu chơi thứ bóng đá của giải Ngoại hạng Anh?”.

Những ai theo dõi giải đấu số 1 nước Anh này chắc không quên ấn tượng về cái chân trái ma thuật của Arjen Robben khi tiền vệ trẻ Hà Lan vừa mới chuyển đến Chelsea năm 2004, lúc ấy những pha đảo chân của Ronaldo vẫn quê mùa và thô kệch dù đã rèn luyện ở đây một năm trời, anh chàng mảnh mai không ít khi khiến chính khán giả của MU phải bật cười vì “người đi mà bóng ở lại”. Có lẽ chẳng ai ở Manchester khi đó hy vọng có một ngày Ronaldo sẽ giỏi được giống như bản hợp đồng bị nẫng tay trên bởi Chelsea, thậm chí anh còn nằm trong danh sách những người nên bán ở Old Trafford (Real Madrid được nêu đích danh là điểm đến).

Ronaldo luôn muốn chứng minh giá trị bản thân.
Ronaldo luôn muốn chứng minh giá trị bản thân.

May cho tất cả! Cho Real: vì mua CR7 lúc đó về để rồi chắc cũng dự bị. May cho MU: khỏi nói! May cho chính Ronaldo: nếu không phải là Sir Alex Ferguson thì chẳng huấn luyện viên của đội bóng lớn nào lại kiên nhẫn chờ đợi một cầu thủ thi đấu vụng dại như anh trưởng thành lâu đến vậy. Quá lâu với một câu lạc bộ lớn, nhưng không lâu để một con vịt biến thành thiên nga, trong thời gian đó Ronaldo đã làm gì?

Mỗi ngày chống đẩy ít nhất 3000 lần, và không thể thiếu bài tập “đứng lên ngồi xuống” với một chiếc tạ trên vai, tập bất cứ lúc nào có thể, kể cả khi đang…nghỉ ngơi, người ta chỉ có thể tìm thấy Ronaldo trên sân hoặc trong phòng thể lực, và khi vẫn không tìm thấy, thì hóa ra Ronaldo đang ở trong phòng riêng, xem TV và…tập cơ bụng. Hãy nghe Gary Neville kể lại quá trình trưởng thành của Ronaldo: “Trở về từ World Cup 2006, tôi ngạc nhiên khi thấy cậu ấy trong phòng thay đồ. Khi đến với đội bóng, Ronaldo vẫn là một cậu bé gầy gò, mảnh mai; giờ thì vạm vỡ như một võ sĩ quyền anh hạng nhẹ. Có cảm tưởng rằng Ronaldo đã trưởng thành trong vài tuần, nhưng những gì xảy ra trong 2 năm tiếp đó còn đáng kinh ngạc hơn.

Nếu không vượt qua được hậu vệ cánh phải trong 15 phút đầu, cậu ấy sẽ chuyển sang cánh trái, nếu như không được nữa cậu ấy sẽ chuyển sang tấn công vào vị trí trung vệ. Cậu ấy sẽ tìm ra điểm yếu nơi hàng thủ, chơi một đối một và sử dụng cả tốc độ lẫn sức mạnh. Tất cả những gì tôi được học về bóng đá từ trước tới lúc bấy giờ đều vứt đi hết, vì chúng tôi có một cầu thủ có thể tự đặt ra quy tắc riêng cho mình và giúp định nghĩa lại một trận đấu”. Ở câu lạc bộ nào, Ronaldo vẫn luôn là người đến sân tập sớm nhất và về muộn nhất dù anh đã trở thành cầu thủ số 1 thế giới hay chưa. Ferguson trước đây đã nói Ronaldo là người duy nhất mà ông từng chứng kiến luôn nỗ lực để vượt qua chính bản thân thân mình.

Không chỉ vượt qua Robben trong danh sách những cầu thủ nhanh nhất hành tinh, mà còn vượt xa người từng được cho tài năng hơn mình rất nhiều trong Top những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, nhưng xa được đến đâu thì xa, vẫn cứ đứng sau Messi. Có gì bất công không? Không! chẳng có gì cả. Ai giỏi hơn: Messi giỏi hơn! El Pulga có thể ghi bàn sau khi đi bóng qua nửa đội hình đối phương, Ronaldo thì chịu; CR7 nhanh nhất, nhưng là khi không có bóng. Người ta chỉ ra rằng Ronaldo chỉ nhanh ở những mét đầu do không thể cầm bóng quá lâu với tốc độ cao. Messi bền tốc hơn, nhanh trong cả quãng đường vì bóng luôn dính sát vào chân.

Đây là yếu tố kỹ thuật quá quan trọng để quyết định trình độ cầu thủ và quyết định cả số phận của trận đấu, đặc biệt trong những trận cầu cân tài cân sức mà El Clasico là một ví dụ “Kinh điển”. Sút xa: Sút xa có bao giờ chính xác bằng sút gần, đó giải pháp được nhắc đến khi đội nhà bất lực, mà Messi thì không thiếu khả năng đưa bóng đến vị trí thuận lợi nhất trong vòng cấm và thỉnh thoảng những cú “Bẻ lái bóng” từ xa vừa mạnh vừa chính xác của M10 cũng cho thấy anh chả kém ai về khoản này! Sút phạt: Cũng gần giống sút xa và giờ chàng lùn cũng nhỉnh hơn rồi! Chiều cao và đánh đầu: Bàn thắng quyết định trận Chung kết Champions League 2008 với chính MU là cú đánh đau vào niềm tự hào cuối cùng của Ronaldo. Người ta thống kê rằng những cầu thủ đá thông minh, chơi “bằng cái đầu” thì lại ít khi đánh đầu, nguyên nhân chưa được làm rõ nhưng chắc chắn chơi đầu không phải là tiêu chí để so sánh giữa các cầu thủ vĩ đại trong môn thể thao dùng chân này.

Messi chơi bóng vì đam mê.
Messi chơi bóng vì đam mê.

Vậy là hết? Còn gì nữa? Tính cách: Messi hiếm có điểm gì để chê, Ronaldo siêu đáng ghét! Người ta nói Ronaldo không được sự ủng hộ của các đồng đội như Messi, nhưng cũng có nguyên nhân cả, ít ai yêu quý kẻ đi đến đâu cũng cho mình là nhất; rồi “đàn ông gì mà điệu đà quá thế”, và cả cách lấy đà sút phạt, cách ăn mừng bàn thắng cũng “ngứa mắt”…vân vân, nói chung chẳng có điểm gì khen được. Đúng thế thật, chẳng cái gì khen được, kể cách cư xử với bạn gái cũ (Lơ đi như không quen biết dù cô nàng chủ động bắt chuyện). Trong lịch sử bóng đá chẳng có cầu thủ xuất sắc bậc nhất nào lại đáng ghét như thế, tôi đã tự nhủ thế giới hỏng rồi, mọi trật tự, mọi giá trị đảo lộn mất rồi khi “để” một anh giai làng với điệu bộ rẻ tiền lên ngôi số một vào năm 2008. Nhưng, ngay năm sau Messi đã trở lại để đưa mọi việc về đúng quỹ đạo của nó. Và khi Messi đã ở khá xa, người ta mới nghĩ lại liệu Ronaldo có đáng bị căm thù như vậy hay không?

“Tôi không sống vì các mối quan hệ, tôi sống vì giá trị bản thân”

Chẳng ai dám nói câu này trừ người phải có niềm tin tuyệt đối vào khả năng của mình. Khi còn ở United anh này cũng đã bất chấp tất cả: tiếng cười chê trước mỗi động tác hỏng kèm theo cả sự thất vọng và sốt ruột của các đồng đội, thậm chí còn bị Gary Neville hét vào mặt: “Cậu làm cái quái gì vậy, ở đây chúng tôi không làm như vậy”. Mặc! Ai thích nói gì thì nói, không suy suyển. Làm gì có ai mặt dầy như thế! Nhưng nếu biết ngượng thì có lẽ anh ta đã chẳng dám tiếp tục thể hiện cái tôi của mình trên sân nữa và không bao giờ sửa được nhược điểm cũng như hoàn thiện khả năng rồi trở thành một kẻ tầm thường như anh ta vẫn vậy.

Trong quan hệ với người bạn thân Rooney, Ronaldo không ngần ngại thúc trọng tài rút thẻ đỏ khi tiền đạo người Anh phạm lỗi với Carvalho ở World cup 2006, nhưng khi quay trở lại câu lạc bộ, CR7 cũng sẵn sàng lao vào Carvalho như muốn ăn tươi nuốt sống hậu vệ Chelsea. Làm gì có ai vô tình thế! Nhưng cũng không ai chuyên nghiệp như vậy, đã vào sân là chỉ nghĩ tới thắng lợi cho đội nhà, và dù có bị khán giả Anh tẩy chay nhưng “nếu gặp phải tình huống như thế tôi vẫn sẽ làm như vậy” .

Quá tham vọng và tham lam

“Trong phòng thay đồ, trên sân tập, ở bất cứ đâu Ronaldo cũng không ngần ngại nói với các đồng đội rằng muốn trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, thậm chí vĩ đại nhất” - Rooney kể lại. Người ta đồn rằng trong hợp đồng của Ronaldo với Real có một điều khoản rằng anh luôn phải là cầu thủ nhận lương cao nhất thế giới, và khi không được như thế anh sẵn sàng đòi ra đi. Đã có người thắc mắc: “Anh ta có sức khỏe, đẹp trai, giàu có và nổi tiếng. Anh ta còn muốn gì nữa?”. Khi bạn sinh ra đã hơn người khác, bạn không phải làm gì nhiều, nhưng nếu kém hơn, thậm chí kém rất nhiều, không có khát khao bạn sẽ chẳng là gì cả. Ronaldo vẫn giàu có dù không trở thành cầu thủ số 1 thế giới và nếu yên phận là bản chất của CR7 thì giờ chẳng ai được chứng kiến cuộc ganh đua hiếm có trong lịch sử bóng đá giữa anh và Messi.

Tổng kết lại, những tính xấu của Ronaldo trong bóng đá không nhằm mục đích gì khác ngoài để hoàn thiện bản thân và để chiến thắng. Đó là những tính cách cần thiết để người ta đi đến thành công không chỉ trong bóng đá mà cả trong cuộc sống; đó như một lời chỉ dẫn cho những ai thua thiệt trong cuộc đời; như những phương pháp hiệu quả nhất để bù đắp lại sự thiếu hụt bẩm sinh dù có thể khiến ta trở nên đáng ghét. Khi yếu hơn, bạn không thể lấy kẻ sinh ra đã mạnh để làm gương, mà phải học theo người cũng yếu nhưng mạnh lên nhờ siêng năng rèn luyện. Ronaldo có thể vẫn kém Messi, nhưng anh đã vượt qua tất cả những cầu thủ trước đây tài năng hơn mình.

Cuộc đời là thế, không phải những ai tài năng nhất đều là những người giành chiến thắng. Barca mạnh nhất thế giới, nhưng sao ngay từ đầu người ta không trao luôn chức vô địch Champions League đi mà bắt chờ đợi lâu thế để mọi người cứ phải đoán già đoán non? Đấy là vì kẻ yếu vẫn luôn có cách vượt qua người mạnh hơn để giành vinh quang cuối cùng về cho mình, và đó cũng chính là vẻ đẹp của cuộc đời. Việt Nam chúng ta chẳng đã thắng Mỹ - cường quốc số 1 thế giới trước đây hay sao.

Người đoạt danh hiệu là người đã được giành chiến thắng chứ chưa chắc đã phải người tài nhất. Hãy nhớ nhé! Nhưng cũng đừng vì vậy mà căm ghét Messi, ghét vì anh quá giỏi ư? Giỏi nhưng khiêm tốn. Vì anh “lấy hết danh hiệu của người khác”? Anh có tự bỏ phiếu cho mình đâu; khiêm nhường, thân thiện không phải là tội và chỉ được lợi mà thôi. Còn những ai ngã lòng do nghĩ rằng Ronaldo đã hết cơ hội thì cũng đừng vội chán nản, vì con người này chẳng bao giờ biết đầu hàng, dù Messi có giành 10 Bóng Vàng đi chăng nữa…
Trần Công Hưng (Bóng đá +)