Làm con nuôi đồn biên phòng, 3 chị em mồ côi được thắp sáng ước mơ đi học

11/01/2023 06:33
Mộc Quế Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bố mất, mẹ bỏ đi biệt tăm, 3 chị em người Mông may mắn được các bố nuôi mang quân hàm xanh chở che, nuôi dưỡng, thắp lên ước mơ về một tương lai tươi sáng.

Gia đình mới cho những đứa trẻ mồ côi

Bố mất chẳng được bao lâu, mẹ bỏ đi làm xa xứ rồi lấy chồng, khiến 3 chị em đang tuổi ăn, tuổi học đứng trước nguy cơ phải gắn cuộc đời với mấy nương ngô, len lỏi giữa những núi đá tai mèo.

Đó là câu chuyện của những đứa trẻ kém may mắn người dân tộc Mông: Thò Thị Dí (sinh năm 2005), Thò Mí Và (sinh năm 2008) và Thò Thị Súa (sinh năm 2011), tại thôn Má Lủng Kha, xã Má Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Vì biến cố xảy ra từ lúc các em còn quá nhỏ, nên đến nay, khuôn mặt, hình dáng của người mẹ ra sao, mấy đứa trẻ cũng không còn hình dung được rõ nét.

Chỉ có Thò Thị Dí - người chị cả là còn mang máng nhớ được: “Bố bị bệnh rồi mất đi. Chỉ ít ngày ngắn ngủi sau đó, mẹ bảo, mẹ đi xay ngô và dặn em ở nhà trông các em, tối đến thì nấu cơm cho nội và các em cùng ăn.

Hai chị em Thò Thị Dí, Thò Mí Và hiện đang học tập tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Đồng Văn. Ảnh: Mộc Quế Anh.

Hai chị em Thò Thị Dí, Thò Mí Và hiện đang học tập tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Đồng Văn. Ảnh: Mộc Quế Anh.

Độ hơn một tuần sau đó, mẹ quay về cùng một người chồng mới, bỗng trở nên xa lạ với cả 3 chị em. Em nhớ, hôm đó cũng vào đúng ngày chợ họp, mẹ về dắt nốt con bò còn lại duy nhất của nhà mang đi bán. Thế rồi, từ đó, mẹ không về nữa...”.

Sau khi mẹ bỏ đi, 3 chị em về ở với gia đình người chú ruột cùng ông bà nội. Nhưng nghịch cảnh trớ trêu dường như lại muốn đeo bám những đứa trẻ mồ côi ấy mãi không thôi, thêm một biến cố nữa xảy đến, người chú ruột chẳng may qua đời. Thế là lại một lần nữa, cánh cửa tương lai như đóng sầm trước mắt 3 chị em, bởi ông bà nội tuổi đều đã cao, không đủ sức để lo cho các cháu ăn học đủ đầy.

Trong quá trình phụ trách địa bàn, chứng kiến hoàn cảnh bất hạnh ấy, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) đã đề xuất với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đưa 3 chị em mồ côi về đồn nuôi dạy, chăm sóc, chính thức từ năm 2016.

Và cũng từ đó, các cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi biên viễn đã trở thành những người bố nuôi đầy ân cần, tỉ mỉ, nâng bước 3 đứa trẻ tiến gần hơn đến một tương lai rộng mở.

Khi lên kế hoạch đón 3 em về làm con nuôi của đồn, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Lũng Cú ngay lập tức đã thành lập tổ chăm sóc, đảm trách nuôi dạy 3 chị em.

Các con nuôi được chăm sóc tỉ mỉ từng bữa ăn, giấc ngủ. Ảnh: Mộc Quế Anh.

Các con nuôi được chăm sóc tỉ mỉ từng bữa ăn, giấc ngủ. Ảnh: Mộc Quế Anh.

Nhắc đến ấn tượng của những ngày đầu khi 3 đứa trẻ được đón về đồn, bắt đầu cuộc sống mới, Thiếu tá Vừ Mí Sình - Đội trưởng Kiểm soát hành chính (một trong những người bố nuôi của các em) nhớ lại: “Dù chuẩn bị trước tâm lý rằng các con chưa quen môi trường mới, song chúng tôi cũng không thể ngờ được là các con khóc nhiều vì nhớ nhà và nhất mực đòi về như vậy.

Lúc đó, anh em cán bộ, chiến sĩ chỉ biết kiên nhẫn dùng tình cảm yêu thương để động viên, coi các em như chính con mình. Đặc biệt, trong những ngày đầu, các cán bộ, chiến sĩ còn phải cử người gác đêm, ai cũng lo các con sẽ tìm cách trốn, băng rừng về nhà với những nguy hiểm luôn thường trực...”.

Để 3 con nuôi bớt nhớ nhà, yên tâm ở đồn sinh hoạt và học tập, những ngày cuối tuần, các cán bộ chiến sĩ dù bận công việc đến mấy cũng cắt cử nhau dành thời gian đưa các em về thăm ông bà. Được bà nội dặn dò và động viên mỗi dịp về thăm, các cháu cũng dần bắt nhịp với cuộc sống ở môi trường mới.

Chỉ sau một thời gian ngắn, với chế độ sinh hoạt điều độ, cả 3 chị em từ suy dinh dưỡng đã dần cải thiện thể trạng. Bên cạnh đó, sau những giờ học, cả 3 đứa trẻ đều hào hứng xuống vườn rau, cùng tăng gia sản xuất với các bố nuôi.

Trong ký ức vời vợi xa xăm của những đứa trẻ mồ côi, khái niệm gia đình hạnh phúc thật mờ nhạt, nhưng lại may mắn có những người bố nuôi mang quân hàm xanh luôn tận tâm chăm sóc. Ảnh: Mộc Quế Anh.

Trong ký ức vời vợi xa xăm của những đứa trẻ mồ côi, khái niệm gia đình hạnh phúc thật mờ nhạt, nhưng lại may mắn có những người bố nuôi mang quân hàm xanh luôn tận tâm chăm sóc. Ảnh: Mộc Quế Anh.

Niềm vui khi những con nuôi dần khôn lớn, trưởng thành

Theo Trung úy Vù Xuân Hùng - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Lũng Cú), đơn vị chính thức duy trì mô hình con nuôi của đồn từ năm 2016 đến nay, sau khi chứng kiến cảnh ngộ của 3 chị em Thò Thị Dí.

“Chúng tôi luôn coi các con như con ruột của mình vậy, ngoài giờ học trên lớp, tối về, chúng tôi lại thay nhau dạy các con học chữ, hướng dẫn các con làm bài tập” - Trung úy Hùng cho biết.

Trung úy Vù Xuân Hùng trực tiếp kèm bài cho con nuôi Thò Thị Súa. Ảnh: Mộc Quế Anh.

Trung úy Vù Xuân Hùng trực tiếp kèm bài cho con nuôi Thò Thị Súa. Ảnh: Mộc Quế Anh.

Từ những đứa trẻ quen sống tự do như những nhành cỏ dại ngoài thiên nhiên, khi đột ngột thay đổi môi trường sống, cũng có không ít lần, con nuôi khiến các bố nuôi được phen "tá hỏa".

“Trẻ con thường ham chơi, lại vốn quen sống ở môi trường tự do bên ngoài, nên khi mới được đón về đồn, các con chưa quen nền nếp, thậm chí, có lúc còn trốn đi chơi. Nhất là với đứa út - Thò Thị Súa. Có những hôm đi học được nghỉ sớm, Súa muốn sang chơi ở nhà bạn, nhưng lại không nói không rằng, không xin phép mà tự ý đến nhà bạn chơi luôn, khiến các cán bộ, chiến sĩ phải đi tìm về. Có lần, Súa cũng vì mải chơi, định ngủ luôn lại nhà bạn nhưng chưa xin phép các cán bộ, chiến sĩ trong đồn. Gần đến đêm mà các bố nuôi của đồn còn phải nháo nhác đi tìm, hỏi thăm từng nhà. Mãi gần 10 rưỡi đêm mới tìm được Súa...

Hôm ấy, đón con về đồn, chúng tôi chỉ dặn con ngủ sớm, để đảm bảo sức khỏe hôm sau còn đi học. Nhưng đến hôm sau, khi con đi học về, tôi đã gọi Súa đến, nghiêm mặt nhắc nhở, và đưa ra mấy chiếc roi, để trước mặt. Tôi nói: ‘Đây có mấy chiếc roi: dây rừng, roi gỗ và mắc áo... con chọn đi’. Súa im lặng hồi lâu rồi bẽn lẽn đưa tay chọn một chiếc roi. Tôi bèn bảo: ‘Chuyện hôm qua, hôm nay bố sẽ không phạt con nữa. Nhưng kể từ nay, con muốn đi đâu, đều phải xin phép các bố trước, rồi hãy đi!’.

Kể từ hôm ấy, Súa không còn trốn đi chơi như vậy nữa. Cán bộ chiến sĩ cũng không còn phải đi tìm con nuôi giữa đêm tối, có lẽ bởi Súa cũng đã dần nhận thức được việc mình bỏ đi chơi mà không xin phép đã khiến các bố phải lo lắng, vất vả như thế nào...” - Trung úy Vù Xuân Hùng chia sẻ.

Hiện tại, Thò Thị Dí, Thò Mí Và đang học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Đồng Văn (Hà Giang). Như thường lệ, cứ cuối tuần các bố nuôi ở đồn biên phòng lại xuống đón hai chị em về đồn, còn đầu tuần thì các em được các bố đưa xuống trường học. Thiếu quần áo, đồ dùng sinh hoạt, các bố đều lo cả, nên với các con nuôi, Đồn Biên phòng Lũng Cú giống như một gia đình ấm áp.

Nhắc đến các bố nuôi, cô chị cả Thò Thị Dí không giấu được nụ cười rạng rỡ: “Từ lâu, chúng em đã coi đồn biên phòng như gia đình thứ hai, coi các bố nuôi ở đồn giống như những người bố thực sự, là chỗ dựa vững chắc của chúng em. Tết năm nào, 3 chị em cũng tranh thủ về thăm ông bà trước, rồi lại quây quần đón Tết ở đồn cùng các bố. Ăn Tết ở đồn vui lắm, có hội xuân, có cả nhiều trò chơi dân gian, và thật nhiều các bạn ở các thôn bản đến chơi, mà chúng em còn được nhận lì xì nữa.

Mỗi dịp được nghỉ, cả 3 chị em lại cùng nhau quây quần bên các bố nuôi. Ảnh: Đồn Biên phòng cung cấp.

Mỗi dịp được nghỉ, cả 3 chị em lại cùng nhau quây quần bên các bố nuôi. Ảnh: Đồn Biên phòng cung cấp.

Nhờ có các bố nuôi, chúng em mới được ăn cơm no, mặc áo ấm, được đi học đầy đủ, nếu cứ ở nhà với ông bà, cũng không biết chúng em có còn được đi học không, hay phải nghỉ từ lâu để phụ giúp ông bà vì bữa đói, bữa no...

Cũng nhờ vậy, cả 3 chị em đều đã có những ước mơ riêng trong tương lai, em nghĩ mình sẽ theo đuổi nghề đầu bếp để có thể nấu ăn và sáng tạo nên những món ngon cho mọi người”.

Năm nào cũng vậy, 3 chị em Thò Thị Dí, Thò Mí Và, Thò Thị Súa cũng thích được đón Tết ở đồn biên phòng cùng các bố nuôi. Ảnh: Đồn Biên phòng cung cấp.

Năm nào cũng vậy, 3 chị em Thò Thị Dí, Thò Mí Và, Thò Thị Súa cũng thích được đón Tết ở đồn biên phòng cùng các bố nuôi. Ảnh: Đồn Biên phòng cung cấp.

Nhờ có những chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi biên viễn, tương lai của những đứa trẻ mồ côi vốn tưởng sẽ ngày một xa vời với con đường học tập đã được giúp đỡ, được thắp sáng ước mơ đến trường, được nuôi dưỡng để trở thành những công dân có ích, sau này lại tiếp tục đóng góp, xây dựng vùng phên dậu của Tổ quốc.

Trung úy Vù Xuân Hùng hồ hởi: “Nhìn các con nuôi dần ngoan ngoãn, nền nếp, kết quả học tập ngày một khá lên, các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú ai nấy đều vui mừng. Chúng tôi vẫn thường nói đùa với nhau, cuối cùng thì những cô bé, cậu bé nhỏ xíu ngày nào đã dần trở thành những chàng trai, cô gái miền sơn cước trưởng thành hơn và biết suy nghĩ chín chắn hơn rồi... Đó là là niềm vui của cả tập thể những ông bố ở đồn...”.

Bên cạnh mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, những năm qua, Đồn Biên phòng Lũng Cú còn thực hiện “Nâng bước em đến trường”, nhận hỗ trợ cho 9 học sinh khác trên địa bàn.

Chiều ngày 22/12/2022, Đồn Biên phòng Lũng Cú tổ chức Lễ ký kết triển khai thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, trong giai đoạn I (2021-2025), Đồn Biên phòng Lũng Cú đã phối hợp với 2 xã Lũng Cú và xã Má Lé rà soát, lựa chọn hỗ trợ 12 học sinh là người dân tộc thiểu số, con của người có uy tín, người tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng trong bảo vệ biên giới; con cháu trong gia đình gặp nhiều khó khăn, các cháu mồ côi bố/mẹ và các em học sinh có kết quả học tập xuất sắc, giỏi, khá, tích cực trong học tập.

Như vậy, đến nay, Đồn Biên phòng Lũng Cú đã nhận nuôi 3 con nuôi và hỗ trợ 21 học sinh khác thông qua chương trình “Nâng bước em đến trường”.

Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thông qua chương trình, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn biên giới có thêm điều kiện đến trường học tập, trở thành công dân có ích cho đất nước, tạo nguồn phát triển cán bộ cho địa phương sau này.

Mộc Quế Anh