Vượt định kiến con gái học gì nhiều, vợ chồng người Mường quyết nuôi 3 con ĐH

04/03/2022 06:50
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng gia đình bà Anh đã quyết tâm lo cho ba cô con gái ăn học đại học đến nơi đến chốn.

Ngày 2/3/2022, nhớ đến ngày sinh nhật của mẹ là bà Nguyễn Thị Anh, gia đình ba cô con gái lại quây quần chúc mừng mẹ. Người phụ nữ 56 tuổi có mái tóc bạc trắng vì sương gió, vất vả đã không giấu được niềm vui.

"Mẹ ơi, khi nào mẹ tròn 60 tuổi thì chúng con tổ chức sinh nhật hoành tráng hơn nữa cho mẹ nhé", các cô con gái động viên bà Anh.

Ba cô con gái của ông bà Bận Anh đều đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Để có được thành quả như ngày hôm nay, gia đình bà Anh đã phải vượt qua định kiến con gái thì không cần học nhiều.

Tư tưởng tiến bộ của gia đình bà Anh là tấm gương để người dân xã Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) có cái nhìn thực tế, khách quan hơn và dám đầu tư cho con cái học tập.

Ông Hoàng Văn Bận và vợ - bà Nguyễn Thị Anh. (Ảnh: NVCC)

Ông Hoàng Văn Bận và vợ - bà Nguyễn Thị Anh. (Ảnh: NVCC)

Vượt lên cái khó

Vợ chồng bà Anh là người dân tộc Mường, bà Anh kém may mắn hơn chồng khi không được học hết cấp tiểu học do hoàn cảnh gia đình. Vì vậy, ông bà đều mong các con sau này sẽ được học hành đầy đủ.

Gia đình bà Anh khi xưa rất nghèo, căn nhà ở được lợp mái lá, trát đất. Để nuôi 5 miệng ăn, hàng ngày hai vợ chồng lên rừng kiếm nứa đem bán hoặc ai thuê gì làm đấy. Bữa ăn của gia đình thường là củ bớ được nạo sợi, mang ra suối ngâm cho bớt chát, độn với cơm và lá sung. Hoàng Thị Trâm (sinh năm 1990, con gái thứ hai của bà Anh) nhăn mặt không ăn nổi món ăn này.

Bữa ăn nào ngon miệng hơn chút có tóp mỡ rim mặn ăn với cơm, còn nếu có khách thì mới có thịt. Quần áo của ba đứa thì được người quen cho, dù cũ hay rách nhưng chúng đều vui vì hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình.

Ba cô con gái của ông bà Bận Anh nay đã trưởng thành. (Ảnh: NVCC)

Ba cô con gái của ông bà Bận Anh nay đã trưởng thành. (Ảnh: NVCC)

"Đêm hôm nhìn ba đứa ngồi dưới nền đất học bài với ánh sáng đèn dầu, tối tăm như đời chị Dậu mà tôi thương chúng quá", bà Anh nhớ lại.

Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, các con bà Anh đều cố gắng nỗ lực trong học tập nhưng chúng chỉ mong học hết cấp 3 rồi đi làm. Tuy nhiên, thấy bạn bè đua nhau ôn thi vào đại học lại khiến chúng chạnh lòng và muốn được bằng bạn bằng bè.

Thấy vậy, ông Bận, bà Anh động viên tinh thần các con: "Các con cứ cố gắng học, kể cả đại học, phải đi vay mượn cho các con thì bố mẹ cũng sẵn sàng".

Kỉ niệm khó quên

Hoàng Thị Thanh Trâm (con gái thứ hai của bà Anh) hiện đang là cán bộ tư pháp tại xã Tiên Phương (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn không thể quên được kỉ niệm đi ôn thi đại học của chị em cô.

Đứng trước ngưỡng cửa đại học, Thanh Trâm muốn học tại Học viện Hành chính quốc gia, để sau này làm một cán bộ nhà nước giúp ích cho người dân, đất nước.

Trong khi các bạn được bố mẹ cho lên thành phố Hà Nội ôn thi đại học, thì Trâm lên thư viện của huyện để mượn sách về ôn. Cùng thi đại học năm đó với Trâm là chị gái, chị đã thi trượt đại học hai năm nhưng vẫn quyết tâm thi Đại học sư phạm Thái Nguyên.

Hoàng Thị Trâm con gái thứ hai của bà Anh hiện đang là cán bộ tư pháp. (Ảnh: NVCC)

Hoàng Thị Trâm con gái thứ hai của bà Anh hiện đang là cán bộ tư pháp. (Ảnh: NVCC)

Ngày chuẩn bị cho kì thi đại học, bố mẹ Trâm bàn đi tính lại, rồi để cho hai chị em tự đi thi sẽ đỡ tốn một khoản tiền. Vậy là Trâm cùng chị bắt xe khách để đến nơi trọ gần điểm thi.

Lần đầu xa nhà đến Hà Nội, Trâm thấy thủ đô thật ồn áo náo nhiệt, nhưng bỏ lại sau đó là cảm giác cô đơn.

"Khi đó các bạn đi ôn thi cùng em đều được bố mẹ đi cùng, còn em thì một mình. Bữa ăn của các bạn được bố mẹ mua phở, bún để tẩm bổ sức khỏe, em thì chỉ ăn xôi", Trâm nhớ lại.

Vượt qua định kiến con gái thì không cần học nhiều

Trâm và chị gái đỗ đại học, bố mẹ nhận được giấy thông báo trúng tuyển cùng khoản tiền nhập học phải đóng khiến họ lo nhiều hơn vui. Họ liền đi vay tiền của người thân quen, có người thì khuyên nhủ không nên cho 2 con đi học.

"Đứa út còn chưa học xong, mà giờ hai đứa lại vào đại học thì với hoàn cảnh gia đình mình có lo liệu được không. Nếu không lo được 4 năm học cho chúng thì lại làm lỡ sự nghiệp chúng ra. Con gái thì đâu cần học nhiều, cho nó đi làm và lấy chồng là xong", người quen khuyên nhủ vợ chồng bà Anh.

Các con và cháu quây quần bên bà Anh. (Ảnh: NVCC)

Các con và cháu quây quần bên bà Anh. (Ảnh: NVCC)

Bỏ mặc lời khuyên ngoài tai, hai vợ chồng nghèo vẫn quyết tâm nuôi các con ăn học đàng hoàng, họ thậm chí còn vay "nóng" từ bên ngoài. Đáp lại sự quan tâm của cha mẹ, hai cô con gái khi học xa nhà luôn biết cách tiết kiệm chi tiêu, rồi đi làm thêm để đỡ kinh tế gia đình. Khi hai cô chị học năm 3 đại học, thì cô em út cũng đỗ đại học, gánh nặng đè lên thêm đôi vai của hai vợ chồng ở quê nhưng họ vẫn cố gắng lo cho các con.

Đến nay, ở cái tuổi gần lục tuần, ông Hoàng Văn Bận và bà Nguyễn Thị Anh đã cất được căn nhà khang trang hơn xưa, các con ra trường đều có công việc ổn định. Dù lấy chồng xa hay gần nhưng mỗi khi các con về đến nhà là lại ấm áp tiếng cười nói, khiến hai ông bà hạnh phúc lúc tuổi già.

Chia sẻ thêm về hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Anh, bà Nguyễn Thị Phương (cựu Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Lâm Sơn) cho hay, gia đình bà Anh là người dân tộc Mường, trước đây có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng họ có tư tưởng rất tiến bộ, khi cho cả ba con gái học đại học.

"Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vợ chồng bà Anh vẫn sẵn sàng đi vay tiền để cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Đây là tấm gương tiêu biểu, điển hình khiến nhiều người nể phục", bà Phương chia sẻ.

Mạnh Đoàn