Làm gì để cuộc họp phụ huynh đầu năm không còn ám ảnh buổi họp "tiền đâu"?

06/09/2022 06:36
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để buổi họp phụ huynh đầu năm có không khí vui vẻ, tránh nặng nề chuyện tiền đóng góp phụ thuộc lớn vào cái tài của mỗi giáo viên chủ nhiệm.

Mỗi năm học có ít nhất 3 lần nhà trường tổ chức buổi họp phụ huynh. Khác với 2 lần họp vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học thì buổi họp phụ huynh đầu năm học từ trước đến nay gần như được nhiều phụ huynh mặc định đó là buổi họp “tiền đâu?”.

Họp phụ huynh đầu năm, nhiều phụ huynh ít mặn mà vì ngợp nhiều khoản đóng góp (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Họp phụ huynh đầu năm, nhiều phụ huynh ít mặn mà vì ngợp nhiều khoản đóng góp (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Nội dung họp phụ huynh là những điều “muôn năm cũ”

Kịch bản họp phụ huynh bao năm vẫn luôn được áp dụng vào đầu mỗi năm học là việc giáo viên báo cáo tình hình hoạt động và thành tích đạt được của nhà trường trong năm học trước, phương hướng phấn đấu trong năm học này.

Tiếp đến là thông báo các khoản thu chi quỹ hội của nhà trường trong năm học vừa qua với con số tồn quỹ của năm trước.

Cuối cùng (điều này mới là quan trọng nhất của buổi họp) sẽ là thông báo các khoản đóng góp theo quy định như học phí, các khoản văn phòng phẩm, tiền bảo hiểm, tiền chăm sóc bán trú, tiền cơ sở vật chất đầu năm, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền hội phí…

Sau đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra vận động phụ huynh nộp các khoản tiền thêm ngoài quy định như tiền quỹ hội, quỹ lớp, xây dựng cơ sở vật chất nhà trường…

Với học sinh bậc trung học còn có mục bàn về việc học thêm, dạy thêm trong nhà trường. Sau phần trình bày của giáo viên, của Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ đến phần phụ huynh nêu ý kiến, nhưng hầu hết mọi người đều im lặng, và biên bản gần như sẽ có dòng chữ đại ý là: Tất cả phụ huynh đã thống nhất với triển khai của giáo viên, của nhà trường.

Cuối buổi họp bao giờ cũng là màn phụ huynh nộp tiền, ký và nhận biên lai còn giáo viên thì bận rộn với việc thu tiền.

Bởi thế, có những phụ huynh nói thẳng mình không cần đi họp phụ huynh đầu năm cũng biết thầy cô triển khai nội dung gì, và cứ nộp tiền đầy đủ, đồng ý tất cả những yêu cầu của nhà trường đưa ra là chẳng sao.

Thế là, có người nhờ ai đó đi họp hộ (chủ yếu ngồi cho có mặt), gửi giấy xin vắng mặt hoặc gọi điện nói rằng mọi người sao mình sẽ vậy…

Cả giáo viên và phụ huynh đều không thoải mái

Vì được mặc định là buổi họp phụ huynh “tiền đâu” nên phụ huynh nhận thông tin đi họp cũng thờ ơ, buổi họp cũng diễn ra khá đơn điệu và nặng nề cho cả người triển khai và người dự họp.

Thầy cô luôn có cảm giác như đang đi đòi tiền mà con nợ là phụ huynh hoặc như đang đi xin mà phụ huynh lại chính là những Mạnh Thường Quân bất đắc dĩ.

Những thầy cô vì trách nhiệm mà làm trong sự miễn cưỡng còn phụ huynh cũng đi họp trong tâm thế bắt buộc vì sợ con "bị để ý" trong những tháng ngày học tại đây.

Họp phụ huynh cần một luồng gió mới

Làm gì để buổi họp đầu năm thu hút được đông đảo cha mẹ học sinh tham gia trong một tâm thế vui vẻ?

Điều này phụ thuộc lớn vào cái tài của mỗi giáo viên chủ nhiệm. Là nhà giáo có nhiều năm công tác, tôi xin chia sẻ cùng đồng nghiệp những kinh nghiệm sau tổ chức buổi họp phụ huynh tránh nhàm chán sau khi đã tham khảo ý kiến của một số đồng nghiệp.

Những thành tích của lớp, của trường, những khoản chi trong năm thực ra đã được công bố từ cuộc họp phụ huynh cuối năm học nên không cần thiết phải nhắc lại trong buổi họp đầu năm.

Những khoản thu đúng quy định nhà trường cũng đã dán lên bảng thông báo một cách công khai tại cổng trường.

Nếu không có những khoản tiền vận động phụ huynh đóng thêm ngoài quy định thì không nhất thiết phải mang chuyện tiền nong ra bàn bạc.

Trong thực tế, buổi họp phụ huynh đầu năm của mỗi lớp rất quan trọng. Bởi, giáo viên lần đầu sẽ gặp cha mẹ học sinh của mình và phía gia đình học sinh cũng lần đầu được gặp thầy cô giáo chủ nhiệm của con.

Chúng tôi đã biết tận dụng điều này để tạo mối liên hệ thân mật giữa thầy cô và cha mẹ các em. Ví như việc phổ biến cho phụ huynh hiểu về việc đánh giá xếp loại học sinh theo tinh thần mới, những biểu hiện của từng em khi học tập, sinh hoạt ở trường mà thầy cô đã nắm thông qua giáo viên chủ nhiệm cũ.

Những biện pháp phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường để mang lại kết quả tốt nhất cho các em.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, việc học sinh có thể nghỉ học bất cứ lúc nào là điều khó tránh khỏi.

Dù nghỉ học ở trường nhưng không ngừng học ở nhà lại rất cần sự hợp tác chặt chẽ từ thầy cô và cha mẹ học sinh.

Đồng thời, giáo viên cũng tạo thời gian cho phụ huynh chia sẻ về những khó khăn từ phía gia đình trong việc kèm cặp và hỗ trợ con nếu phải nghỉ học để thầy cô nắm được và có phương án thích hợp nhất giúp các em nắm vững kiến thức như việc học ở trường.

Muốn thu hút sự quan tâm, muốn có được sự hợp tác từ phụ huynh và buổi họp đầu năm có chất lượng, hãy đừng đem chuyện tiền bạc ra làm đề tài chính như cách nhiều trường học đang áp dụng hiện nay.

Tuy thế, để những buổi họp phụ huynh không nhuốm màu vật chất, ngoài sự làm mới buổi họp từ giáo viên thì cũng rất cần sự hợp tác từ cha mẹ của các em.

Những khoản tiền nào phải đóng theo quy định, gia đình cần cố gắng đóng đúng thời gian để nhà trường không thể làm khó giáo viên.

Từ đó, các thầy cô giáo cũng không phải nhọc lòng biến những buổi gặp gỡ cha mẹ các em thành nơi để nói về tiền.

Thuận Phương