Họp phụ huynh chỉ bàn đóng góp, các bậc cha mẹ phải làm sao

18/03/2022 06:28
Hà Duyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quỹ phụ huynh được Ban đại diện cha mẹ học sinh “áp” đóng với mức tối thiểu là sai quy định với Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học sinh đi học trực tiếp trở lại được 2, 3 tuần là các trường học ở nhiều địa phương “tranh thủ” họp cha mẹ học sinh để thu tiền quỹ phụ huynh.

Quỹ phụ huynh là nỗi lo lắng của cha mẹ học sinh đã từ rất lâu. Và trong năm học đại dịch Covid-19 này tưởng rằng phụ huynh được các nhà trường chia sẻ khó khăn song điệp khúc lạm thu quỹ hội vẫn vang lên khi cổng trường mở lại.

Chính một số phụ huynh tiếp tay cho lạm thu tiền quỹ hội

Có thể khẳng định chắc chắn là như vậy. Thực tế, Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay thu bao nhiêu, chi thế nào đều do hiệu trưởng nhà trường “dẫn đường chỉ lối” hết.

Hiệu trưởng họp Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và ấn định mức thu và không ai có thể bác ý kiến được.

Thường Ban đại diện cha mẹ học sinh được giáo viên đưa vào là những người có kinh tế khá giả, nhưng họ không bỏ tiền ra đóng quỹ hội hơn các phụ huynh khác trong lớp.

Và thế là Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp về họp với phụ huynh lớp thông báo thu quỹ phụ huynh trường rồi áp mức thu quỹ lớp.

(Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn)

(Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn)

Tôi mới dự họp phụ huynh trực tuyến cho con học lớp cuối cấp trung học cơ sở và thấy rằng chính phụ huynh đưa ra mức thu quá cao trong điều kiện kinh tế đang khó khăn.

Buổi họp thứ 2 trong vòng 1 tháng con tôi đi học trực tiếp tại trường chủ yếu là thu quỹ hội.

Sau vài nhận xét sơ qua về học tập của học sinh, cô chủ nhiệm thông báo mức thu tiền quỹ hội của trường tối thiểu là 130 ngàn đồng, quỹ quét dọn vệ sinh là 45 ngàn đồng.

Cô giáo chủ nhiệm nhắc đi nhắc lại là phụ huynh phải đóng thấp nhất là 130 ngàn đồng, rồi Phó ban đại diện cha mẹ học sinh lớp khẳng định: “Nhà trường báo là đóng từ 130 ngàn đồng trở lên”.

Ngay sau đó, cô giáo chủ nhiệm đề nghị phụ huynh cho biểu quyết thì 1 phụ huynh trong Ban đại diện nói nếu ai không đồng ý thì cho ý kiến. Đúng là biểu quyết kiểu này thì 100% phụ huynh đồng ý là cái chắc. Thế nhưng, sau ý kiến của 1 phụ huynh về việc phòng chống dịch Covid-19 cho học sinh thì chuyện đóng quỹ phụ huynh bị “quay xe” 360 độ.

Lúc này, 1 ủy viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp lại có ý kiến đóng quỹ trường 200 ngàn đồng, đóng quỹ lớp 100 ngàn đồng.

Chưa hết, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp lại đưa ra mức thu 200 ngàn đồng quỹ trường, 200 ngàn đồng quỹ lớp.

Không dừng lại ở đó, Phó ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đưa ra mức 200 ngàn quỹ trường, 300 ngàn quỹ lớp.

Cuối cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp người tung, kẻ hứng, “quyết tâm” áp đóng tất cả là 500 ngàn đồng và “bỏ lơ” không cho phụ huynh lớp biểu quyết.

Trong đầu tôi cứ nghĩ giáo viên chủ nhiệm sẽ không đồng ý cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp “ấn định” mức thu như thế, nhưng cô cũng “ngó lơ” luôn.

Trăm dâu đổ đầu phụ huynh với rất nhiều chi phí phải chi cho con đâu chỉ mỗi chuyện tiền học thêm, sách vở, đồ dùng học tập, quỹ phụ huynh trường lớp… Có thể nói, lạm thu tiền trường có sự tiếp tay của chính những phụ huynh đại diện cho lớp.

Không riêng gì con của người viết, trường tiểu học con của người bạn mới nhận được tin nhắn của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp cũng thu theo kiểu đưa ra mức tối thiểu phải đóng: “Nhà trường vận động ủng hộ quỹ khen thưởng và phong trào của trường trong năm học này mỗi học sinh: 150.000 đồng (mức tối thiểu) và phụ huynh nào có điều kiện có thể đóng hơn mức này để giúp đỡ cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn ạ”.

Trong đại dịch, kinh tế khó khăn, nhiều gia đình lao động nghèo đành phải bóp bụng đóng cho con nếu không muốn để giáo viên nhắc tới nhắc lui, nhắc đi nhắc lại tiền trường, rồi còn sợ bị con làm khó dễ.

Quỹ phụ huynh là tự nguyện và không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân

Cách đây 11 năm, vào năm 2011, tình trạng thu quỹ phụ huynh ở nhiều nơi làm khổ phụ huynh như thu cao, thu bổ đồng (học sinh đóng quỹ hội bằng nhau), thu tiền các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…

Chính vì vậy, để giải quyết những bất cập đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 về việc “Ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh” để chấn chỉnh.

Quỹ phụ huynh (hay quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh) phải là sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh. Theo đó, tại điểm a, khoản 1, điều 10 quy định:

a) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Bên cạnh đó, thông tư cũng đã nói rõ không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Khoản 3, điều 10 nêu rõ:

3. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Đã tự nguyện thì không được áp mức thấp nhất và không được thu mức kinh phí ủng hộ bình quân, chia đều học sinh.

Thông tư là vậy, nhiều hiệu trưởng cũng đã bị khởi tố, kỷ luật, mất chức vì lạm thu tiền trường, nhưng xem ra chưa được các trường học rút kinh nghiệm.

Điều này làm bức xúc trong phụ huynh, gây khó cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hiệu trưởng vẫn còn tư tưởng khi có phản ánh, thưa kiện là “phủi tay”, đổ hết trách nhiệm về phía Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Quỹ phụ huynh được Ban đại diện cha mẹ học sinh “áp” đóng với mức tối thiểu là sai quy định với Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có thời gian đã xuất hiện nhiều ý kiến của truyền thông, mạng xã hội cho rằng nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh vì ban này chỉ có mỗi hoạt động là thu tiền phụ huynh. Đó là bài toán khó, chưa có lời giải và làm đau đầu các cấp quản lý giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hà Duyên