Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen, phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần.
Làm tốt chương trình mới sẽ giúp các em trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.
Để đạt được mục đích đề ra của chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò của giáo viên chủ nhiệm vô cùng quan trọng. Người giáo viên chủ nhiệm đòi hỏi có tài năng, năng lực mới đảm nhận được vai trò của mình.
Giáo viên chủ nhiệm không thể áp dụng lề lối quản lý “quyền uy”, theo kế hoạch, theo mệnh lệnh mà phải biết hội tụ, lan tỏa và truyền lửa cho học sinh.
Giáo viên chủ nhiệm, đôi vai nặng trĩu |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5 Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thịnh (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) đã có những trao đổi hết sức thú vị về công tác chủ nhiệm cũng như cách truyền cảm hứng, động lực cho học sinh, đặc biệt những học sinh cá tính, ham chơi lười học.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm giáo viên chủ nhiệm, khi nói về công tác chủ nhiệm cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt chỉ có thể gói gọn trong hai từ “vất vả”. Nhưng làm giáo viên chủ nhiệm có nhiều điều thú vị bởi bản thân mình cũng phải thay đổi, cập nhật thường xuyên những cái mới để làm công tác chủ nhiệm được tốt hơn.
Giáo viên chủ nhiệm biết dùng mạng xã hội một cách thành thạo, kết bạn với từng học trò để biết các em đang nghĩ gì, làm gì, tâm trạng ra sao sau những status chia sẻ trên trang cá nhân. Ngoài giờ lên lớp, vào ngày nghỉ cuối tuần việc cập nhật tình hình các thành viên trong lớp cũng rất quan trọng trước khi bước vào tuần mới.
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt luôn được học trò quý mến và xem như người mẹ hiền rất chiều các con nhưng cũng rất nghiêm khắc. Ảnh: NVCC. |
Nói rõ hơn về công việc của giáo viên chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết: “Mỗi giáo viên chủ nhiệm có phương pháp và cách làm riêng. Đặc biệt đối với lớp có nhiều học sinh cá tính.
Dù bằng phương pháp nào đi nữa, điều quan trọng nhất là giúp học sinh hạnh phúc, vui vẻ đến trường, truyền cảm hứng để các em cố gắng phấn đấu trong học tập và cuộc sống. Công việc của giáo viên chủ nhiệm thật sự bận không khác gì con mọn”.
“Mỗi em một tính cách, như lớp tôi chủ nhiệm có hơn 40 học sinh, tức bấy nhiêu tính cách khác nhau. Bởi vậy, thời gian đầu tôi mất khá nhiều thời gian để dần tìm hiểu các em. Khi có thời gian rảnh tôi tìm hiểu từng hoàn cảnh, gia đình các em ra sao, điều kiện như thế nào…
Khi hiểu các em một phần tính cách và hoàn cảnh gia đình các em mình sẽ có cách xử lý vấn đề được thấu đáo. Đối với học sinh trung học phổ thông giáo viên chủ nhiệm như người mẹ thứ hai, tuổi các em rất dễ nổi loạn, ương bướng.
Bởi vậy giáo viên chủ nhiệm phải thật kiên nhẫn, mềm mỏng, nhưng khi cần cũng phải cứng rắn, nghiêm khắc. Điều quan trọng hơn hết đó là tận tâm với học trò của mình, em nào cá tính mình phải dành nhiều thời gian để giúp đỡ, chia sẻ”, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt nói.
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt tham gia hoạt động trải nghiệm, vui chơi cùng học trò lớp mình chủ nhiệm. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ với phóng viên cô Nguyệt cũng cho hay, với phương pháp giảng dạy mới như trường cô đang áp dụng bắt đầu từ khi có kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, giáo viên chủ nhiệm sẽ làm chủ nhiệm mỗi năm một lớp.
Với giáo viên chủ nhiệm ngoài truyền đạt kiến thức chuyên môn, việc chỉ bảo, tiếp sức, truyền lửa cho học sinh hướng đến những điều tốt đẹp cũng vô cùng quan trọng. Cô Nguyệt chia sẻ: “Hơn 40 học sinh có hoàn cảnh khác nhau, có tính cách khác nhau việc quản lý sẽ không đơn giản nếu không sát sao, tận tâm.
Đặc biệt, lớp tôi là lớp tập hợp của những học sinh có học lực nằm tốp dưới từ lớp khác chuyển đến. Mỗi năm trường sẽ tổ chức thi sát hạch một lần theo tổ hợp, nếu học sinh nào không đủ điều kiện để học tại lớp đang theo sẽ được chuyển về lớp tôi làm chủ nhiệm.
Tôi vẫn nói vui với các thầy cô và học sinh, lớp tôi làm chủ nhiệm là những học sinh học tốt từ dưới lên của các lớp chuyển về. Điều đó có nghĩa công việc của giáo viên lớp mà học sinh chưa chăm chỉ học hành, cá tính thì công việc của giáo viên chủ nhiệm còn vất vả hơn nhiều. Nhưng sẽ rất vui và hạnh phúc nếu đóng góp của mình giúp học trò tiến bộ.
Có em sau khi được tôi định hướng, trò chuyện, tâm sự để giải quyết vấn đề các em vướng đã học tốt hơn rất nhiều. Cũng có em biết sức học của mình khó có thể vào những trường đại học tốp đầu, tôi cũng khuyên các em nên theo đuổi đam mê, công việc phù hợp với sức mình.
Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trò chuyện với học sinh khi các em gặp rắc rối là điều rất quan trọng. Như lớp tôi từng chủ nhiệm, có một học sinh bố mẹ chia tay, em ở với bố và mẹ kế, dù mẹ kế hết mực yêu thương nhưng em rất ngang bướng không nghe lời gia đình, chểnh mảng học hành.
Qua tìm hiểu tôi biết được hoàn cảnh của em và dành thời gian riêng ngồi trò chuyện, tâm sự với học trò để phân tích, chia sẻ giúp em thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực, cố gắng hơn trong học tập và cách ứng xử trong gia đình.
Tôi rất mừng sau đó em đã thay đổi tích cực, mẹ kế của em rất hài lòng”.
Làm giáo viên chủ nhiệm, tôi cam kết không một em nào bị “bỏ quên” trong lớp |
Một câu chuyện khác cô Nguyệt chia sẻ: “Có năm tôi làm chủ nhiệm có học sinh thường xuyên bỏ học đi chơi điện tử. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để gặp riêng học sinh đó, đồng thời thường xuyên đến nhà để gặp gỡ trò chuyện với phụ huynh cùng tìm cách tháo gỡ. Rất mừng sau đó em đã quyết tâm không chơi điện tử, tập trung học tập.
Hay ở lứa tuổi các em đã biết rung động chuyện tình cảm nam nữ, yêu đương cũng khiến giáo viên chủ nhiệm rất đau đầu. Nếu yêu đương các em cùng bảo nhau học tập thì không sao, nhưng trường hợp học sinh của tôi lại bỏ bê việc học, kết quả sa sút. Gia đình rất lo lắng, chỉ biết nhờ giáo viên chủ nhiệm can thiệp giúp vì đã dùng đủ các cách.
Với trường hợp đó tôi đã tìm hiểu qua bạn bè của các em đó và biểu hiện bằng chứng cụ thể về sự học sa sút đó rồi tâm sự phân tích về cái được và cái mất của việc yêu đương đó với từng em. Sau nhiều lần quan tâm, động viên và nói chuyện, hai em đã quyết định giành thời gian cho việc học và kết quả học đã tốt lên rất nhiều”.
Theo cô Nguyệt để học sinh của mình có thể chia sẻ những câu chuyện thầm kín, khó nói đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm trước tiên phải được các em tin tưởng, tâm lý, tận tâm và đưa ra được những lời khuyên đúng đắn, chân thành.
“Để học sinh có thể thoải mái, vui vẻ chia sẻ với mình những vấn đề đang vướng mắc, tôi cho các em trao đổi hết sức thẳng thắn, được bày tỏ quan điểm một cách cởi mở.
Còn khi các em mắc lỗi như đi học muộn, vi phạm nội quy nhà trường, tôi luôn tôn trọng các em, không nhắc trước lớp mà sẽ gặp riêng để nhắc nhở, hỏi lý do.
Nếu nhắc nhở một hai lần vẫn tái phạm tôi sẽ xử phạt bằng cách yêu cầu học sinh đó mang dụng cụ để vệ sinh lớp học khi hết giờ. Lúc đó các em sẽ vui vẻ chấp hành vì đã được nhắc nhở. Như thế các em mới tâm phục khẩu phục”, cô Nguyệt nói.
Cũng theo cô Nguyệt, việc quan trọng hơn nữa đối với giáo viên chủ nhiệm là hướng nghiệp cho các em. Học đại học không phải con đường duy nhất đến thành công, học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn những công việc theo sở thích, đam mê.
Bên cạnh sự nghiêm khắc với học trò, nhưng có sự kiện vui của lớp hay liên hoan, tham quan, cô Nguyệt cũng “cháy” hết mình cùng học sinh. Sự vui vẻ, hòa đồng của giáo viên chủ nhiệm với học trò cũng là sợi dây gắn kết tình thầy trò gần nhau hơn.
“Còn gì tuyệt vời hơn những học trò của mình ra trường thành công, hạnh phúc. Thành tích học tập nếu nói không quan trọng thì không đúng, nhưng một lớp học hạnh phúc là điều tôi hướng đến”, cô Nguyệt nói.