Làm hiệu trưởng chân chính khó lắm!

20/05/2020 06:27
HỒNG LAM SƠN
0:00 / 0:00
0:00
Với cơ chế hiện hành khi trao quyền chủ tài khoản cho hiệu trưởng, tôi thấy làm nhiệm vụ hiệu trưởng thật khó, không đơn giản như “hai cộng hai bằng bốn”.

Đọc bài “Làm hiệu trưởng bây giờ có khó không, sướng hay khổ?” của tác giả Kim Oanh đăng tải trên Giáo dục Việt Nam , ngày 17/5/2020, tôi thấy khá tâm đắc về vai trò của một hiệu trưởng trong nhà trường.

Qua thực tế của hơn 35 năm trong nghề dạy học (trong đó có 24 năm làm công tác quản lý gồm 12 năm làm chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo và có “thâm niên” 12 làm hiệu phó trường phổ thông); bản thân tôi thấy một điều luôn băn khoăn, trăn trở. Đó là làm một người hiệu trưởng chân chính không phải dễ dàng, mà là rất khó!

Trong thực tế, vẫn có những người hiệu trưởng có chuyên môn tốt, có năng lực quản lý hiệu quả; có đạo đức, tư cách tốt, hết lòng vì nhà trường, được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp luôn ủng hộ. Nhưng đó chỉ là con số rất ít ỏi, là “của hiếm” giữa thời buổi này!

Nhiệm vụ của hiệu trưởng thật không hề đơn giản. (Ảnh mang tính minh họa: TTXVN)

Nhiệm vụ của hiệu trưởng thật không hề đơn giản. (Ảnh mang tính minh họa: TTXVN)

Không phải tôi mất niềm tin vào những người hiệu trưởng, những vị đang đứng đầu nhà trường thực hiện nhiệm vụ năm học hàng năm của ngành giáo dục!

Nhưng với cơ chế hiện hành khi trao quyền chủ tài khoản cho hiệu trưởng, tôi thấy làm nhiệm vụ hiệu trưởng thật khó, không đơn giản như “hai cộng hai bằng bốn”!

Nếu không làm chủ được bản thân; không vững vàng, dứt khoát trước mọi cám dỗ của vật chất, đồng tiền thì người hiệu trưởng sẽ từng bước sa ngã từ lúc nào không hay!

Thực tế có rất nhiều hiệu trưởng bị kỷ luật, bị tù tội hoặc bị buộc thôi việc đều dính vào chuyện tiền bạc đã chứng minh điều đó.

Người hiệu trưởng, hơn ai hết phải xác định ngay từ đầu: đây chỉ là công việc được tập thể, cấp trên giao nên phải làm thế nào xứng đáng với niềm tin đó!

Ngoài những chuẩn mực do ngành quy định, người hiệu trưởng còn phải có những “chuẩn” trong mắt giáo viên; trong mắt học sinh, phụ huynh và cộng đồng xã hội.

Nhưng làm sao để quyền lợi của hiệu trưởng hài hòa với quyền lợi của giáo viên? Một câu hỏi không dễ dàng trả lời! Nếu hiệu trưởng nào (mà số này không ít) có chút tư tưởng vun vén cá nhân, tự đặt mình cao hơn tập thể thì rất khó cho việc hài hòa này…

Biết bao nhiêu “quyền lợi”, bao nhiêu “mối lợi” sẽ tự kéo đến khi ngồi vào chiếc ghế hiệu trưởng! Nào hợp đồng căn tin, dịch vụ giữ xe; nào suất ăn bán trú; nào hợp đồng may đồng phục hàng năm hoặc hợp đồng du lịch, trải nghiệm…

Có người nói vui rằng: hiệu trưởng không cần tham nhũng tiền nhà nước làm gì cho mang tiếng mà chỉ hưởng “hoa hồng” các hợp đồng trên cũng đủ “no” rồi!

Khó lắm, bởi có hiệu trưởng nào mạnh dạn công khai các khoản “hoa hồng” này và tự nguyện nộp vào quỹ đời sống của công đoàn?

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: làm hiệu trưởng phải lo đối nội, đối ngoại; ngành ngang ngành dọc với rất nhiều “công việc không tên”; tốn kém rất nhiều, kể cả việc “bôi trơn” để cho nhà trường hưởng những “quyền lợi” nào đó như việc cấp trang thiết bị dạy học; máy chiếu, phòng thí nghiệm - thực hành…

Đó là chưa nói đến chuyện thu, chi trong nhà trường; chưa nói đến việc sử dụng tài khoản mà chủ tài khoản, dù là hiệu trưởng, vẫn là con người có đủ “hỷ, nộ, ái, ố…”; nên nhiều khi có “cầm lòng” được trước cám dỗ; có được đồng tiền dễ như trở bàn tay hay không?

HỒNG LAM SƠN