Làm sao các trường đại học tự chủ mà không vướng Luật?

02/12/2019 10:33
Phó Giáo sư Phan Thị Bích Nguyệt (Tấn Tài lược ghi)
(GDVN) - Vấn đề tự chủ đại học đã được quy định trong các Nghị quyết, Nghị định và Luật giáo dục đại học nhưng rồi khi bắt tay thực hiện thì vẫn vướng Luật.

LTS: Tại cuộc hội thảo “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tổ chức ngày 15/11, tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (thành phố Hồ Chí Minh) đã đề cập đến những vẫn đề vướng mắc về Luật khi thực hiện cơ chế tự chủ đại học.

Trong đó, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã có ý kiến cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều điều Luật quan trọng để đảm bảo tính tự chủ được thực hiện triệt để.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả bài tham luận của Phó Giáo sư Phan Thị Bích Nguyệt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này.

Cho tự chủ nhưng Luật vẫn vướng như mạng nhện (*)

Trong thực tế, chính sách cho tự chủ đã được thể hiện qua một loạt các văn bản đã được ban hành.

Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng là một trong những trường đại học công lập đầu tiên được giao thí điểm cơ chế tự chủ đại học. Ảnh: AN
Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng là một trong những trường đại học công lập đầu tiên được giao thí điểm cơ chế tự chủ đại học. Ảnh: AN

Và đặc biệt là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học được Quốc hội ban hành năm 2018 quy định tại điều 32 khẳng định các cơ sở giáo dục được tự chủ khá toàn diện nhưng đều được ràng buộc bởi câu: “phù hợp với quy định của pháp luật”.

Trong khi đó, chúng ta đều biết lĩnh vực giáo dục đại học còn bị chi phối bởi rất nhiều Luật khác như: Luật Đầu tư công, Luật Thuế, Luật Ngân hàng, Luật Lao động, Luật Đấu thầu, Luật Viên chức…

Nên thực tế, các trường đại học tự chủ vẫn cho rằng, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường được giao tự chủ. Một số văn bản quy định còn thiếu tính thực tế, rõ ràng, dẫn đến khó khăn khi triển khai.

Giáo sư Trần Hồng Quân gửi 5 kiến nghị về tự chủ đại học

Một thực tế đang làm các trường luôn trăn trở là làm sao để tự chủ mà không vướng Luật?

Do chưa có cơ chế chính sách riêng về đầu tư, mua sắm cho các cơ sở giáo dục tự chủ, các trường tự chủ hiện tại vẫn phải tuân theo quy định đầu tư, mua sắm hiện hành.

Tính thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi trong hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học dẫn đến sự lúng túng của các trường đại học thí điểm tự chủ.

Tự chủ cho phép các trường được quyền quyết định việc đầu tư các dự án bằng nguồn thu hợp pháp.

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công thì các trường vẫn phải xin chủ trương đầu tư từ các cấp có thẩm quyền đúng quy trình và thủ tục đã quy định.

Việc phê duyệt chủ trương và các thủ tục đầu tư vẫn phải trình đơn vị chủ quản theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu. 

Mặc dù được quyền quyết định đầu tư các dự án bằng nguồn thu hợp pháp nhưng vẫn thực hiện theo đúng các quy định của nhà nước như giai đoạn trước khi tự chủ do quyết định thí điểm đều dưới Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu nên vẫn phải thực hiện theo quy định.

Và những vướng mắc này hoàn toàn nằm trong những ràng buộc và sự thiếu đồng nhất trong hệ thống hành lang pháp lý hiện hành.

Những kiến nghị sửa đổi, bổ sung về Luật

Vì vậy, để tự chủ đại học được thể hiện đúng thuộc tính của nó thì chúng tôi đề xuất một số vấn đề cơ bản như sau:

Nhanh chóng hình thành khung pháp lý hoàn chỉnh liên quan đến thực hiện tự chủ đại học trên nền tảng tự chủ là quyền của các cơ sở giáo dục đại học được tự quyết định các vấn đề phát triển của cơ sở giáo dục đại học.

Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập, nhà trường tự mình làm chủ mọi công việc

Cần đảm bảo tính đồng bộ của các Luật như: Luật Giáo dục, Luật Đầu tư công, Luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…

Và các luật có liên quan cần được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để hình thành khung pháp lý thực hiện tự chủ đại học đồng bộ, nhất quán và có tính khả thi.

Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về tự chủ đại học và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung các thông tư và văn bản quy phạm pháp luật thực hiện tự chủ đại học dựa trên khung pháp lý đã được hoàn chỉnh, phù hợp với các điều kiện của các trường đại học công lập Việt Nam hiện nay.

Trước mắt, sửa đổi và bổ sung các điều khoản có liên quan trong các bộ luật như: Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu liên quan đến các chính sách và thủ tục mua sắm và đầu tư trong các trường đại học tự chủ.

Các trường tự chủ động được trong quy hoạch, xây dựng quy hoặc của trường.

Bộ ủy quyền cho các trường tự chủ trong công tác phê duyệt quyết toán các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt các dự án tồn đọng nhiều năm trước, thanh lý tài sản như: nhà, ô tô…

Sửa đổi và bổ sung các điều luật trong Luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức liên quan đến chính sách nhân sự trong các trường đại học tự chủ.

Đặc biệt là chính sách thuê tuyển, thù lao người lao động trong các cơ sở giáo dục đại học tự chủ.

Có chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhà khoa học từ nguồn thu nhập do thực hiện đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ.

Miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư phục vụ giảng dạy, nghiên cứu trong trường đại học.

Cần có điều chỉnh hợp lý hoặc bãi bỏ các quy định một số tiêu chuẩn, định mức và mức chi phải thực hiện đối với trường được thí điểm tự chủ.

Cụ thể như: tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc, tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động, chế độ công tác phí nước ngoài…

(*) Tiêu đề chính và tiêu đề phụ trong bài do Tòa soạn đặt.

Phó Giáo sư Phan Thị Bích Nguyệt (Tấn Tài lược ghi)