LTS: Tiếp tục bàn về cơ chế tự chủ cho các trường đại học công lập, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học đã có những phân tích cũng như đề ra những giải pháp để các trường thực hiện tự chủ thành công.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Chưa tự chủ thì chỉ là "trường cấp 4"
Các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến luôn quan tâm đền việc tự chủ đại học và tự do học thuật.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (người ngồi giữa) đồng chủ trì hội thảo về tự chủ đại học thời kỳ hội nhập. Ảnh: TT |
Qua đó, tạo điều kiện cho người học thành người độc lập tự chủ về tư duy và trong công việc, đó là những con người tự do trong nhận thức và lựa chọn các khả năng.
Tự chủ là biểu hiện của sự trưởng thành. Đại học là đào tạo bước tiếp theo đối với những con người đã bắt đầu trưởng thành, đã biết “tự mình”.
Nhà trường không thể tạo ra những con người tự chủ khi bản thân nhà trường không được tự chủ trong công việc. Cơ sở đào tạo ở đây là một trung tâm trí thức bậc cao.
Bài học cấp bách từ câu chuyện Trường Đại học Tôn Đức Thắng |
Tại đó có một tập thể thầy giáo và các nhà khoa học. Lao động của họ là lao động sáng tạo, vừa là khoa học vừa là nghệ thuật.
Nếu họ không được tự chủ còn cơ quan áp đặt cho họ lại không có trình độ chuyên môn bằng họ thì làm hỏng việc và hạn chế năng lực sáng tạo của cơ sở.
Những người thầy ở đây tham gia trực tiếp tạo ra sản phẩm là con người, mà phải là con người tự chủ và sáng tạo, vậy mà người thầy lại không được chủ động và sáng tạo thì làm sao tạo được sản phẩm tốt.
Nếu không được tự chủ thì áp đặt cho cơ sở đào tạo sẽ là ai? Một cơ quan không phải sự nghiệp giáo dục mà là hành chánh.
Hành chánh tuy cũng rất quan trọng nhưng sẽ tạo ra thứ khác chứ không phải làm chức năng của giáo dục đào tạo.
Không tự chủ thì đó là hệ thống đại học chưa trưởng thành, là cấp 4, thực chất chưa phải là đại học và do vậy trong cộng đồng xã hội cũng sẽ không có sản phẩm ra trường xứng đáng trình độ đại học về thực chất.
Giao quyền tự chủ cho ai?
Nhà trường đương nhiên là chủ thể tự chủ. Nói nhà trường ở đây được hiểu là tập thể Hội đồng trường và cá nhân hiệu trưởng.
Cái gì Hội đồng trường quyết định còn cái gì hiệu trưởng quyết định là do Hội đồng trường quy định.
Hiệu phó quyết định công việc gì là theo ủy quyền của hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng và trước pháp luật.
Trường được giao cơ chế tự chủ nhưng Luật còn vướng như “mạng nhện” |
Còn hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm với hội đồng trường về các quyết định của mình và kể cả đối với các quyết định của hiệu phó.
Tự chủ ở trường công và trường tư có gì khác nhau? Hiện tại thì còn khác nhau nhiều. Nhưng tốt nhất là không nên khác nhau mà cần giống nhau để có một sân chơi bình đẳng.
Giống nhau trong tự chủ về chương trình và nhân sự thì có thể được nhưng làm sao để có thể giống nhau về cơ chế tài chính giữa hai loại trường này?
Hoàn toàn có thể có cách giải quyết để 2 loại trường này bình đẳng với nhau về cơ chế tài chính.
Đó là, ngân sách nhà nước tiến dần tới không cấp phát tiền chi thường xuyên cho các trường công lập nữa mà cấp phát tiền hỗ trợ cho người học để họ nộp học phí vào trường công hoặc trường tư là nơi họ đang học.
Tiền thuê đất và tiền đầu tư hạ tầng thì miễn giảm và cho các trường vay với lãi suất ưu đãi không phân biệt trường công hay trường tư.
Đối với các trường công trước đây đã được nhà nước đầu tư thì nay các trường ấy phải trích nộp khấu hao về cho quỹ đầu tư giáo dục của nhà nước.
Hiện nay ở khu vực đại học không ít trường công (nhất là các trường thuộc cấp tỉnh) gặp nhiều khó khăn, tuyển được quá ít sinh viên, chỉ đạt khoảng 20-30%, không đủ điều kiện để tồn tại.
Chủ yếu là do chất lượng đào tạo yếu, chưa có thương hiệu, thiếu quyền tự chủ của cơ sở đào tạo và trách nhiệm không thật rõ ràng giữa tỉnh và Bộ. Nếu tiếp tục như hiện nay thì rất khó vượt qua các khó khăn, không có lối ra.
Để tạo ra một mô hình mới và để khắc phục các khó khăn hiện tại, có đề xuất là trên nguyên tắc bảo vệ và duy trì sở hữu nhà nước về tài sản - cơ sở vật chất hạ tầng, chuyển các trường này sang cách quản trị phát triển theo mô hình trường tư không vì lợi nhuận.
Nói cách khác là sở hữu công về cơ sở vật chất và quản lý tư về hoạt động đào tạo theo nguyên tắc không vì lợi nhuận.
Xóa bỏ cơ chế chủ quản
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, để thực hiện thành công tự chủ đại học và tự do học thuật cần phải làm gì?
Đầu tiên là phải có tư duy mở từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở cấp vĩ mô, cao nhất. Từ đó cho mở khung pháp lý về vai trò tự chủ của các cơ sở đại học và cao đẳng.
Cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học là ai, để làm gì? |
Để quản lý chất lượng đầu ra, cần hình thành các tổ chức kiểm định do các hiệp hội đại học và hiệp hội chuyên ngành tạo ra.
Còn tổ chức quản lý nhà nước thì kiểm tra đánh giá và cấp phép (hoặc thu giấy phép) hoạt động cho (của) các tổ chức kiểm định ấy.
Nâng cao vai trò của Hội đồng trường, của tổ chức giám sát hoạt động trong từng trường, đổi mới công tác quản trị nhà trường theo tinh thần tự chủ đại học.
Xóa bỏ cơ quan chủ quản của các trường (trừ các trường chuyên ngành của công an và quân đội).
Tạo lập môi trường bình đẳng giữa các loại trường, không phân biệt công lập hay tư thục, cũng không phân biệt quốc tế hay nội địa (chỉ có sự khác nhau về chính sách thuế giữa trường tư không vì lợi nhuận và trường tư không phi lợi nhuận).
Tạo lập môi trường minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo và các cơ quan khác có liên quan trực tiếp đối với công việc của các trường.