Làm sao để giữ chân và giúp thầy cô yên tâm với công việc của mình?

21/03/2023 09:05
Phúc Hồ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đánh giá chương trình giáo dục phổ thông mới có tính mở, cập nhật, kế thừa. 

Ngày 20/3, Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chương trình mới có tính cập nhật, kế thừa

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Thanh Phi – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước khẳng định, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu của giáo dục phổ thông là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa cả về đức, trí, thể, mỹ.

Theo ông Nguyễn Thanh Phi, chương trình mới có tính cập nhật, kế thừa và tính mở, giúp cho các trường vừa phát huy kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình hiện hành, vừa phát huy khả năng sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với cán bộ quản lý, giáo viên.

Đội ngũ giáo viên phổ thông của huyện cơ bản đủ về số lượng, cơ cấu theo môn học, hầu hết đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nhà giáo, luôn học hỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với giá sách giáo khoa của chương trình mới, ông Nguyễn Thanh Phi nói rằng, sách giáo khoa tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, mức sống của người dân.

Thế nhưng, với những người dân có hoàn cảnh khó khăn, có nhiều con em cùng đi học ở địa phương, thì sách giáo khoa có giá tương đối cao, nhất là đối với sách tiếng Anh.

Ông Nguyễn Thanh Phi - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (ảnh: Phúc Hồ)

Ông Nguyễn Thanh Phi - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (ảnh: Phúc Hồ)

Dù vậy, trong quá trình thực hiện tại địa phương, ông Nguyễn Thanh Phi nhìn nhận vẫn còn gặp một số khó khăn, chủ yếu do giáo viên quen với việc khuôn mẫu. Tại một số trường, ban giám hiệu chưa có kinh nghiệm, còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Do nguồn kinh phí còn hạn chế, nên việc đầu tư kinh phí cho việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng dạy học tại huyện chưa đủ đáp ứng với nhu cầu thực tế ở các đơn vị.

Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, số ứng viên đến đăng ký thi tuyển giáo viên vẫn không đủ so với nhu cầu.

Môn Khoa học Tự nhiên ở bậc trung học cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, do giáo viên chỉ được đào tạo một hay hai phân môn được đào tạo theo chuyên ngành trước đây.

“Trước mắt, chưa thể có giáo viên đủ trình độ để dạy được cả 3 phân môn của môn học này…” – ông Nguyễn Thanh Phi chia sẻ.

Thay đổi chương trình, sách giáo khoa là thay đổi lớn

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, dù đã có các hướng dẫn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, nhưng khi thực hiện chương trình mới vẫn phải trao quyền chủ động cho các trường, giáo viên.

Khi làm việc tại Trường tiểu học Lộc Quang, trung học cơ sở Lộc Tấn, các thành viên của đoàn giám sát đã ghi nhận thầy cô giáo, cán bộ quản lý đã thể hiện ý chí quyết tâm triển khai, thực hiện chương trình mới.

Thầy cô đã thể hiện rõ bản lĩnh, trách nhiệm của mình, có nhiều cách làm và giải pháp khắc phục khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ảnh: Phúc Hồ)

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (ảnh: Phúc Hồ)

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định, thay đổi chương trình và sách giáo khoa là một sự thay đổi lớn, không thể tránh khỏi sự lúng túng, bỡ ngỡ.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, trong cùng một lúc, giáo viên không chỉ phải hoàn thành nhiệm vụ dạy, mà còn phải tiếp cận với phương pháp dạy mới, học nâng chuẩn để đạt được yêu cầu của Luật Giáo dục 2019.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh: “Để giữ chân và giúp các thầy cô yên tâm với công việc của mình, Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang kiên trì trong việc làm sao xác định được cơ chế, chính sách hợp lý cho giáo viên. Tuy nhiên cũng mong muốn huyện Lộc Ninh có những phương cách, phương thức nào đó để động viên kịp thời, giúp các thầy cô có động lực thực hiện nhiệm vụ”.

Phúc Hồ