Song bên cạnh những câu chuyện cảm động về lòng tốt, sức lan tỏa, tương thân tương ái vẫn có những hình ảnh đáng suy ngẫm.
Trước hết, từ thiện là gì? Đó là hành động giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người khác xuất phát từ tấm lòng nhân ái (thương người).
Từ thiện là một từ Hán Việt kết hợp giữa hai từ: “Từ” là nhân từ, từ tâm và Thiện là tốt lành. Vậy từ thiện có nghĩa là làm việc tốt từ lòng thương.
Những hành vi, việc làm tốt mà không xuất phát từ lòng thương thì không được gọi là “Từ Thiện”.
Vì từ thiện là một hành động tự nguyện, nên không có một nguyên tắc bắt buộc nào nhưng phải đi chung với việc không vụ lợi (vì lợi ích cá nhân) và tự nguyện làm những điều tốt (thiện nguyện). (1)
Nhiều nhà cửa bị ngập sau đợt lũ tại Miền Trung. Ảnh: Báo nhân dân. |
Năm 2019 – 2020, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, Việt Nam đã trải qua một năm nhiều sóng gió khi phải đối diện với dịch Covid-19 và gần nhất là đồng bào miền Trung đang trong những ngày gian khó với cơn lũ lịch sử.
Những đau thương của đồng bào miền Trung từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế trong cơn bão lũ kỷ lục vừa qua dường như được xoa dịu bớt khi những tấm lòng từ thiện của xã hội hướng đến bằng những chuyến hàng thiện nguyện.
Những chuyến hàng thiện nguyện ấy đã tiếp nối nét đẹp của truyền thống dân tộc, mỗi khi đất nước gặp khó khăn từ dịch bệnh, thiên tai thì truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.
Trong cơn lũ kỷ lục, nét đẹp ấy lại được phát huy thông qua những phong trào, hoạt động từ thiện diễn ra trên khắp đất nước, thu hút sự tham gia tích cực của rất nhiều nhà hảo tâm. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng, những đoàn xe cứu trợ nối đuôi nhau về vùng lũ, về những xóm làng những ngày này đỏ lửa nấu bánh chưng, bánh tét cho bà con…
Thế nhưng, trong cơn lũ ấy, đã có không ít hình ảnh xấu xí đến từ chính hoạt động thiện nguyện.
Đã xuất hiện những phản ánh về việc nhiều đoàn từ thiện phải bỏ ra cả triệu đồng để thuê xuồng đi cứu trợ với mong muốn đến tận nơi trao quà từ thiện.
Không ít xuồng cứu trợ đã bị lật. May mắn là chưa có thống kê thiệt hại về người trong các đoàn đi từ thiện.
Cũng có không ít đoàn từ thiện đến đặt ra nhiều yêu cầu này nọ để được cung cấp xuồng, phương tiện di chuyển để đưa đi…
Những yêu cầu kiểu như vậy đã gây ra tình trạng lộn xộn, hàng từ thiện ùn ứ… bánh chưng hàng nghìn chiếc phải vứt bỏ vì hỏng không thể sử dụng được…
Điển hình như Ở thôn Hoàng Viễn (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), cửa ngõ để vào vùng lũ các xã An Thủy, Xuân Thủy..., rất nhiều xe chở hàng mắc kẹt.(2)
Hàng cứu trợ miền Trung bị ùn ứ. Ảnh: Zing.vn |
Nhưng để đảm bảo an toàn ngày 17/10, huyện phải ngừng tiếp nhận hàng cứu trợ bởi điều kiện thiên tai khắc nghiệt, các đoàn cứu trợ lên sẽ gây nguy hiểm cho người cứu trợ. Người dân nghe hàng cứu trợ, háo hức đi nhận, có khi cũng nguy hiểm hơn.
Trước tình cảnh khó khăn, huyện phải thông báo tạm dừng, mong muốn các nhà tài trợ chia sẻ khó khăn của huyện. (3)
Vì sao lại có hiện tượng như vậy? Phải chăng cách làm từ thiện đang có vấn đề?
Theo nghiên cứu Đóng góp từ thiện tại Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương Hà Nội và Quỹ châu Á, dù nhiệt tình tham gia các hoạt động đóng góp từ thiện, vẫn có 14% người trả lời ở thành phố và 7% ở nông thôn không ủng hộ phương thức làm từ thiện, hay cách làm từ thiện như hiện nay.
Lý do chủ yếu là vì lo ngại về tính công khai, minh bạch, chưa trúng đối tượng cần đến và trong chừng mực nhất định công tác tuyên truyền còn hạn chế, nên chưa tạo được lòng tin cho người đóng góp.
Những hình ảnh xúc động trong cơn lũ miền trung. Ảnh: PLO |
Đó là sự thật cần phải thừa nhận, vì đã có một số “con sâu làm rầu nồi canh” khiến một số người hảo tâm thận trọng với hoạt động từ thiện.(4)
Bên cạnh đó, cần nhìn thẳng vào thực tế là phần lớn hình thức từ thiện ở Việt Nam vẫn còn bị giới hạn, thường chỉ mang ý nghĩa tức thời và ngắn hạn, ít có tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có tầm nhìn, hoạch định sinh kế lâu dài cho các nhóm yếu thế.
Hiện nay, đại đa số nhà hảo tâm mới chỉ dừng lại ở việc nâng cao tính minh bạch, hướng tới giá trị “từ thiện thật”, song chưa giải được các bài toán như “từ thiện thông minh”, “từ thiện sáng tạo”.
Sự lộn xộn và những ý kiến không hay về các hoạt động thiện nguyện những ngày qua cho thấy còn nhiều vấn đề cần sớm khắc phục để phát huy cao nhất hiệu quả của hành động ý nghĩa và cao đẹp này, để không làm tổn thương lòng tốt, tránh lãng phí nguồn lực của nhân dân hay nguy cơ bị lạm dụng, rơi vào tay những đối tượng không xứng đáng.
Từ trước đến nay, câu chuyện “của cho không bằng cách cho” vẫn là nỗi lo lắng, băn khoăn của nhiều nhà hảo tâm.
Có lẽ cần những tổ chức từ thiện chuyên nghiệp và có sự giám sát chặt trẽ đến từ người dân.
Vấn đề công khai minh bạch các hoạt động từ thiện cũng cần được thực hiện sao cho tốt để người cho đi không phải nghi ngờ về lòng tốt cho sai đối tượng.
Những người đem cho không có nghĩa là cứ phải trực tiếp đến đưa tận tay người mình cần giúp đỡ mà cần có những tổ chức chuyên nghiệp.
Tổ chức ấy họ biết người dân cần gì trong bão lũ, cần gì trong dịch bệnh.
Thiện nguyện tự phát có thể sẽ không giúp gì được người dân mà còn làm ảnh hưởng đến công tác cứu trợ.
Vì vậy, dù vui mừng khi tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc được phát huy khi đại dịch, thiên tai xảy ra, thì cũng đã đến lúc chúng ta cần nâng cao và thay đổi về nhận thức, hành động để tăng cường lợi ích, hiệu quả của hoạt động từ thiện.
Tài liệu tham khảo:
(1)https://phatgiao.org.vn/y-nghia-viec-thien-va-tu-thien-d41287.html
(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/cuu-tro-lam-sao-de-kip-thoi-1295346.html
(3) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/huyen-mien-nui-a-luoi-tam-ngung-nhan-hang-cuu-tro-de-bao-dam-an-toan-620825/
(4) https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/tang-cuong-hieu-qua-cua-hoat-dong-tu-thien-459597/