Một trong những giải pháp mới được Chính phủ kiến nghị trong dự thảo mới nhất Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình Ủy ban Tư pháp Quốc hội sáng 5/3 đó là việc đánh thuế cao đối với tài sản bất minh.
Cụ thể, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, dự thảo luật lần này đã bổ sung điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.
Theo đó, qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.
Đây là một đề xuất mới nhưng liệu có thể ngăn chặn được tình trạng cố tình kê khai tài sản không đúng sự thật hay ngăn chặn được tài sản bất minh vẫn còn là dấu hỏi lớn?
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (ảnh nguồn giaoduc.net.vn). |
Xung quanh đề xuất trên, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông.
Theo ông Lê Văn Cuông, hiện việc kê khai tài sản chưa có sự giám sát và xác minh chặt chẽ.
Có hiện tượng đánh tráo tài sản cho nhiều người cho nên rất khó xác minh được kê khai đúng từng đối tượng một.
Nếu như có quy định này chưa chắc đã thu được bao nhiêu tiền vì người ta sẽ tìm mọi cách để lách luật.
Phân tích thêm, vị này cho rằng: “Nếu đánh thuế lên 45% thì người ta lại càng cố tình né luật, lách luật bằng cách cho người khác đứng tên hoặc mua kim loại quý về tích trữ.
Vì cái gốc vẫn là việc chúng ta chưa kiểm soát được thu nhập cá nhân chặt chẽ nên “của chìm” vẫn không thể biết để đâu. Hiện trong kê khai thu nhập mới chỉ thấy “của nổi”.
Nhưng bây giờ “của nổi” lại bị đánh thuế hay tìm cách này cách kia kiểm soát chặt thì họ lại tìm cách biến thành “của chìm” và phân tán đi. Do vậy, tính khả thi sẽ là dấu hỏi lớn?
Có 5 trường hợp bị phát hiện vi phạm kê khai tài sản, thu nhập Ngày 28/12, tại hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo: Năm 2017 số người đã kê khai tài sản, thu nhập và công khai đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. |
Ví như việc Thanh tra Chính phủ đưa ra câu chuyện quà biếu Tết. Có đường dây nóng để tố cáo, phát hiện. Đó cũng là chủ trương xem ra đúng đắn nhưng hiệu quả thực tế thì như thế nào?
Do đó, khi đề xuất phải cần nhìn xem thực tế hiệu quả đến đâu. Đề xuất nhiều thứ không khả thi thành ra rối rắm khi áp dụng thực tiễn.
Xung quanh ý kiến này tôi cho rằng, cần xem nội dung này có tính khả thi hay không? Đối tượng nào, mức độ nào cần cụ thể và xem có phù hợp hay không?”.
Cuối cùng ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh: “Cái gốc hiện nay là phải kiểm soát được thu nhập cá nhân. Lúc đó người có tài sản bất minh mới không thể trốn tránh được.
Như hiện nay những tài sản bất minh dễ dàng được biến thành tài sản cho nhiều người khác đứng tên hay mua vàng, đá quý để tích trữ.
Biện pháp này đưa ra có thể tốn rất nhiều giấy mực hoặc các hội thảo để có thể đưa vào Luật có hiệu lực nhưng tính hiệu quả như thế nào đang còn rất băn khoăn. Cái gốc vấn đề phải kiểm soát được thu nhập thì khi đó mới ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản bất minh”.