Được miễn quá ít so với tiền phải đóng
Nhiều phụ huynh (PH) ví tiền trường đầu năm như chuyện các trường “thả con săn sắt, bắt con cá sộp”. Khá nhiều trường đang lấy lý do thành phố không thu tiền cơ sở vật chất (25.000 - 45.000 đồng/học sinh) để kêu gọi sự đóng góp của PH học sinh (HS).
Một PH Trường mầm non Họa Mi 1 (Q.12) cho biết: “Khi họp PH, nhà trường thông báo mỗi HS đóng 250.000 đồng để mua ti vi trang bị cho các lớp, tạo điều kiện cho việc dạy và học của cô trò được tốt hơn, sinh động hơn…”. Hoặc để có kinh phí tổ chức các lễ hội trong năm và mua bảng thông minh phục vụ việc học tiếng Anh cho HS, Trường mầm non Sơn Ca 4 (Q.12) đưa ra mức thu để PH biểu quyết là 700.000 đồng/HS. Một số PH bức xúc: “Hình thức biểu quyết như vậy cho dân chủ công khai chứ chắc chắn các cô cũng thừa hiểu nếu đứng ở vị trí của chúng tôi, vì con mình, ai dám phản đối. Tuy nhiên, bất hợp lý ở chỗ, tất cả HS phải đóng nhưng chỉ trẻ 5 tuổi được học. Những trẻ 3 tuổi đóng, sau 2 năm nữa chẳng may bảng không còn, liệu có thiệt thòi không?”.
Phụ huynh học sinh băn khoăn trước các khoản thu đầu năm học. |
PH lớp lá 1 Trường mầm non Tân Phong (Q.7) cũng cho hay trong buổi họp PH, cô giáo thông báo các khoản tiền phải đóng bao gồm: “Tiền mua máy lạnh 500.000 đồng/HS, tiền điện sử dụng máy lạnh 500.000 đồng/năm/HS, tiền điện sử dụng hằng ngày 20.000 đồng/tháng/HS, tiền mua máy vi tính 300.000 đồng/HS”. PHHS Trường tiểu học Nguyễn Minh Quang (Q.9) cho biết: “Năm trước, HS đóng tiền quỹ công trình PH 25.000 đồng/tháng để xây dựng hòn non bộ, trang trí nhà trường. Đến năm nay, hòn non bộ chưa thấy đâu thì đầu năm cô giáo chủ nhiệm thông báo quỹ công trình PH năm nay là 100.000 đồng/ học kỳ”. Vị PH này bức xúc: “Cứ nói tiểu học được giảm học phí, không phải đóng tiền cơ sở vật chất nhưng mấy khoản tiền được miễn có khi chả bằng 1/10 số tiền phải đóng. Tiếng vậy mà cuối cùng chả thấy bớt khổ?”.
Đẩy “quả bóng” trách nhiệm về phụ huynh
Vì thực tế này mà khá nhiều PHHS nghi ngờ và cho rằng: “Việc UBND đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT cho phép các quận, huyện được tự quyết những khoản đóng góp như tổ chức phục vụ bán trú, tiền ăn, tiền nước uống, tiền học các môn năng khiếu… có thể sẽ là cái cớ giúp các trường “té nước theo mưa” để tăng mức thu đối với HS”. Một PHHS của Trường mầm non Nam Sài Gòn (Q.7) gửi đến Báo Thanh Niên phiếu báo thu tiền của con mình với số tiền cao hơn khá nhiều so với các trường khác: Học phí 400.000 đồng/tháng, phí quản lý phục vụ bán trú 300.000 đồng/tháng… “Đáng nói, tiền cơ sở vật chất đầu năm tăng 200.000 đồng/tháng so với năm trước và PH chúng tôi phải đóng 700.000 đồng/tháng (đối với lớp mẫu giáo) và 800.000 đồng/tháng (đối với lớp nhà trẻ). Tiền học phẩm, vật dụng phục vụ bán trú cũng tăng 50.000 đồng/HS. Trong khi đó, tôi biết năm nay thành phố có quy định không thu tiền cơ sở vật chất và khung tiền tổ chức quản lý phục vụ bán trú cao nhất của bậc mầm non là 250.000 đồng/tháng”, PH này nêu rõ.
Giải thích về những thắc mắc của PH, hiệu trưởng các trường đều quả quyết: “Đây là công trình của ban đại diện cha mẹ và công tác vận động cũng nhận được sự đồng tình của PH các lớp”. Hiệu trưởng Trường mầm non
Họa Mi 1 (Q.12) giải thích: “Do thấy nhà trường không thu tiền cơ sở vật chất nên Ban đại diện cha mẹ HS mới kêu gọi PH đóng góp để trang bị điều kiện học tập cho các cháu. Sau đó ban đại diện cho người mang ti vi đến lắp ráp tại các lớp chứ trường hoàn toàn không yêu cầu”. Khi chúng tôi đặt vấn đề vai trò hiệu trưởng ở đâu khi để ban đại diện vận động PH đóng góp một cách thoải mái thì vị hiệu trưởng này khẳng định: “Các lớp tổ chức họp ban đại diện theo quy trình và lấy biểu quyết, không ép buộc, PH nào có điều kiện thì đóng còn không thì thôi”.
Còn Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca 4 (Q.12) cho biết: “Việc mua bảng thông minh cho HS là chủ trương của thành phố, của quận khi thực hiện đề án phổ cập năng lực ngoại ngữ cho HS. Nhà nước cấp 50% kinh phí, còn lại các trường thuộc diện xã hội hóa. Nhà trường tính toán đưa ra mức đóng góp như vậy nhưng thật ra ai có điều kiện thì đóng nhiều, khó khăn thì đóng ít hơn”.
Về các khoản thu của Trường mầm non Nam Sài Gòn (Q.7), bà Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng, cho biết: “Dù là trường công nhưng trường hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính, tức là nhà trường tự hạch toán, tự thu tự chi chứ nhà nước không cấp kinh phí. Mức học phí 400.000 đồng/tháng đã được thu từ trước cho đến giờ theo văn bản hướng dẫn liên sở Tài chính và GD-ĐT”.
Ngày 25.9, Sở GD-ĐT mới ra văn bản hướng dẫn khung mức các khoản thu. Để có điều kiện hoạt động, các trường có thể tạm thu trước khi có quyết định chính thức nhưng đến khi có quy định cụ thể, các trường phải nghiêm túc chấp hành. Thế nhưng, phí quản lý phục vụ bán trú Trường mầm non Nam Sài Gòn vẫn thu vượt khung quy định của thành phố 50.000 đồng/tháng/HS. Bà Phương Hoa lý giải: “Lộ trình này thực hiện từ năm 2010 - 2011 theo sự thỏa thuận với HS và nghị quyết của ban đại diện cha mẹ HS, chứ nhà trường hoàn toàn không tự ý làm bất cứ việc gì”!
Cuối cùng thì những khoản thu mà PH cho là vô lý, theo lãnh đạo các trường đều do ban đại diện cha mẹ HS đề nghị. Thế nhưng thật sự có bao nhiêu PH được hỏi ý kiến rằng có đồng ý hay không về các khoản đóng góp trước khi ban đại diện cha mẹ HS quyết định? Trong trường hợp này, rõ ràng “quả bóng” trách nhiệm về việc lạm thu đã đẩy về phía PH. Về việc này, ngay chính hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1 cũng từng cho rằng: “Xã hội hóa giáo dục là cần thiết nhưng đừng vịn vào chủ trương này để vận động tràn lan, vô căn cứ... làm mất niềm tin của xã hội. Nếu những kế hoạch hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS được một cấp nào đó duyệt xem có phù hợp với khả năng đóng góp của PH không, công trình mà PH thực hiện có thật sự cần thiết cho HS không... thì có lẽ sẽ giảm được tình trạng lạm thu”.
"Hình thức biểu quyết như vậy cho dân chủ công khai chứ chắc chắn các cô cũng thừa hiểu nếu đứng ở vị trí của chúng tôi, vì con mình, ai dám phản đối".
Một PH Trường mầm non Sơn Ca 4 (Q.12)
"Các lớp tổ chức họp ban đại diện theo quy trình và lấy biểu quyết, không ép buộc, PH nào có điều kiện thì đóng còn không thì thôi".
Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 1 (Q.12)
Một PH Trường mầm non Sơn Ca 4 (Q.12)
"Các lớp tổ chức họp ban đại diện theo quy trình và lấy biểu quyết, không ép buộc, PH nào có điều kiện thì đóng còn không thì thôi".
Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 1 (Q.12)
ĐIỂM NÓNG |
|
Kinh phí trợ cấp thâm niên có thực sự là... thâm niên?
Kinh phí trợ cấp thâm niên có thực sự là... thâm niên?
Theo Thanh niên