Theo giới thiệu trên trang website của Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (tên tiếng Anh: Hanoi Polytechnic College, tên viết tắt: HPC), nhà trường được thành lập theo Quyết định số 5654/QĐ – UB, ngày 26/9/2001 của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Tiền thân nhà trường là trường Trung cấp Công nghệ Bách khoa Hà Nội.
Năm 2018, Trường chính thức trở thành Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội theo Quyết định số 189/QĐ – LĐTBXH, ngày 2/3/2018 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Nhà trường có các cơ sở gồm: Cơ sở ở Hà Nội: 18- 20, Đường Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội (đối diện Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình);
Cơ sở Hải Phòng: Số 176, đường Quán Trữ, Quận Kiến An, Thành phố Hải Phòng.
Trên trang website của nhà trường: "https://bachkhoahanoi.edu.vn/" ở phần giới thiệu không có nội dung thông tin về hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường. Được biết, thầy Ngô Văn Sự là Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường.
Trên website "https://sinhvien.bachkhoahanoi.edu.vn/" của Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội, giới thiệu về chương trình đào tạo của các ngành về lĩnh vực công nghệ thông tin, ngôn ngữ, du lịch khách sạn...
Điểm chung trong chương trình đào tạo của nhà trường là, sinh viên bậc cao đẳng có học phần "trải nghiệm doanh nghiệp" với 8 tín chỉ, tương đương 360 tiết học.
Với 8 tín chỉ học phần "trải nghiệm doanh nghiệp", đây là chương trình đào tạo có thời gian dài nhất với sinh viên.
Với chương trình đào tạo ngành Quản trị khách sạn, học phần "Trải nghiệm doan nghiệp" 8 tín chỉ, tương đương 360 tiết) bằng số tiết của học phần thực tập tốt nghiệp. Thời gian đào tạo học phần "trải nghiệm doanh nghiệp" còn nhiều hơn học phần "Thực tập tốt nghiệp" 6 tín chỉ (với 270 tiết) trong chương trình đào tạo của ngành Ngôn ngữ và Văn hoá Nhật Bản ...
Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội cho hay, khi các em đi "Trải nghiệm doanh nghiệp" tại Công ty TNHH Compal Việt Nam đã phải làm công nhân ca kíp 12 tiếng/ngày, thay vì được lựa chọn làm 8 tiếng hành chính.
Nhiều sinh viên cho biết, thời gian làm việc quá dài, mức hỗ trợ thấp và quan trọng hơn cả là thực tế của học phần này không liên quan gì đến chuyên môn ngành học nên sinh viên không trau dồi được gì!
Sinh viên ngành Ngôn ngữ đi làm 12 tiếng/ngày tại công ty sản xuất laptop, điện thoại
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về học phần trải nghiệm doanh nghiệp kéo dài 3 tháng, K. (tên nhân vật đã được thay đổi), sinh viên năm 2 (khóa K22, học một ngành Ngôn ngữ) tỏ ra thất vọng về quãng thời gian đi làm công nhân tại Công ty TNHH Compal Việt Nam (Vĩnh Phúc).
K. nhớ lại, đến học phần trải nghiệm doanh nghiệp, nếu sinh viên không tìm được đơn vị để đến làm việc, có thể lựa chọn danh sách 5 công ty có liên kết với nhà trường. Thầy cô có nói với sinh viên về thời gian làm việc là 8 tiếng/ngày, và có thể làm tăng ca hoặc không. Sinh viên không được xem cụ thể văn bản về cơ chế làm việc, đãi ngộ của thực tập sinh tại công ty.
"Do em không tìm được nơi để đến trải nghiệm, nên em đi theo danh sách công ty liên kết với nhà trường. Em biết mình sẽ phải làm việc như công nhân, làm không liên quan đến ngành đang học...", K. nói.
Từ ngày 15/12/2023 đến ngày 15/3/2024, K. đi "trải nghiệm doanh nghiệp" tại Công ty TNHH Compal Việt Nam tại Khu công nghiệp Bá Thiện 1, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đợt này, có khoảng 90 sinh viên trong Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội tham gia.
Đến công ty, K. tham gia làm công đoạn sản xuất linh kiện điện thoại và em được nhận 4 triệu đồng/tháng. Thời gian làm việc hành chính tại công ty là từ 8h sáng đến 5h chiều, nếu tăng ca làm đến 8h tối, công nhân được nghỉ Chủ Nhật. K. và các bạn không ký hợp đồng lao động nào cả.
"Về thời gian làm việc, chúng em chỉ làm hành chính, không làm tăng ca đến 8h tối. Vì thế, đã bị họp lại và bị nói. Điều này không giống như nhà trường nói là chúng em có thể lựa chọn tăng ca hoặc không.
Sau đó, em đi làm tăng ca... Công việc quá vất vả nên nhiều bạn đã bỏ về.
Về mức hỗ trợ của chúng em, công nhân tại công ty cho biết, thực tập sinh có mức nhận thấp hơn của công nhân thời vụ.
Nếu đủ 26 ngày công làm tăng ca, em có thể nhận được mức lương khoảng 7 triệu đồng", K. cho hay.
Do công việc không phù hợp với bản thân, và vất vả nên K. cũng như nhiều bạn sinh viên khác không đi làm đầy đủ 26 ngày công/tháng. Ngoài 4 triệu đồng lương cơ bản, có tháng K. được tổ trưởng cho 400 nghìn đồng phụ cấp.
K. cho biết, về việc ăn uống, em và các bạn được ăn miễn phí tại căng tin của công ty. Còn chỗ ở, mọi người được nhà trường thuê trọ, sinh viên chỉ phải trả tiền điện, nước.
Sau khi kết thúc kỳ trải nghiệm doanh nghiệp, K. và các bạn về làm báo cáo. Nội dung của báo cáo là về nội dung công ty đó hoạt động ra sao, công việc của bản thân như nào.
Tuy nhiên, điều mà K. và các bạn đều nhận thấy rõ ràng, sự "vô ích" của việc đi làm trong 3 tháng tại công ty là: "Em đi làm tại Công ty của Đài Loan, trong khi đó em học ngành ngôn ngữ nhưng không phải là Tiếng Trung. Kỳ trải nghiệm doanh nghiệp không giúp em bổ sung được kiến thức, kỹ năng nào".
K. chia sẻ thêm, có bạn cùng lớp đi "trải nghiệm doanh nghiệp" tại một công ty điện tử ở Thái Nguyên. Tuy nhiên bạn này không làm đủ 3 tháng vì phải đứng suốt 12 tiếng/ngày làm việc.
"Bên công ty của em, em được ngồi làm việc dây chuyền nên cũng đỡ vất vả hơn", K. nói.
Là sinh viên đang học tập tại Cơ sở 2 (Thanh Trì, Hà Nội), nữ sinh H. (sinh viên năm hai ngành Công nghệ thông tin) cho hay, lớp em đã đi "trải nghiệm doanh nghiệp" tại Công ty TNHH Compal Việt Nam.
"Nhà trường có một danh sách những công ty, cho sinh viên lựa chọn", nữ sinh ngành Công nghệ thông tin cho hay.
Nữ sinh chia sẻ, em làm ở công đoạn lắp ráp linh kiện điện thoại và mức lương cơ bản của em nhận được là 4 triệu đồng/tháng. Nếu sinh viên làm tăng ca (12 tiếng) đầy đủ trong ba tháng, và làm cả Chủ Nhật, họ có thể nhận được khoảng 20 triệu đồng.
Dù kiếm được tiền khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nhưng H. cũng như các bạn nhận thấy nó không giúp ích gì cho chuyên môn.
"Nếu như dùng ba tháng này để sinh viên đi thực tập đúng chuyên ngành, sẽ giúp cho sinh viên bổ trợ được nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên môn", H. nhận định.
V. sinh viên ngành Công nghệ Ô tô cho hay, từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, em đi "trải nghiệm doanh nghiệp" tại một công ty điện tử ở Thái Nguyên, làm ở bộ phận lắp ráp camera.
"Nhà trường cho chúng em tự lựa chọn đơn vị sẽ đi trải nghiệm", V. kể.
Khi đến làm việc tại công ty này, V. làm ca kíp xoay vòng, làm hai tuần được nghỉ một ngày. Mức thu nhập được nhận của em khoảng trên 10 triệu đồng/tháng.
Cũng giống như những bạn khác, V. nhận thấy, việc đi làm không đúng chuyên ngành đang học cũng khiến em nhiều lúc chạnh lòng vì thấy 3 tháng đi trải nghiệm doanh nghiệp nhưng "không ăn nhập" gì với chuyên môn đang theo học.
Công nhân thời vụ Công ty TNHH Compal Việt Nam được 4,3 triệu đồng lương cơ bản và 800 nghìn đồng phụ cấp cố định/tháng
Để hiểu rõ hơn về cơ chế làm việc tại Công ty TNHH Compal Việt Nam, phóng viên đã tìm hiểu trên mạng xã hội về bài viết tuyển dụng của công ty này.
Phóng viên liên hệ số điện thoại của 0328212XXX, người nghe là chị T., công tác trong bộ phận nhà thầu phụ trách tuyển công nhân thời vụ cho Công ty TNHH Compal Việt Nam.
Theo chị T., chủ đầu tư Công ty TNHH Compal Việt Nam là người Đài Loan, đơn vị có 2 cơ sở tại Khu công nghiệp Bá Thiện 1 và Khu công nghiệp Bình Xuyên 1 (đều thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Công ty chủ yếu tuyển công nhân làm thời vụ.
Chị T. nói, bản thân chị làm cho đơn vị tuyển dụng công nhân thời vụ cho công ty. Khi công nhân vào làm thời vụ sẽ được ký hợp đồng lao động 3 tháng, không có bảo hiểm. Sau thời gian làm việc trên, nếu muốn làm công nhân chính thức, họ có thể đề xuất.
Trước khi vào làm việc, công nhân sẽ được làm thẻ, nhận diện khuôn mặt, vân tay, để chấm công lúc đến và về.
Thời gian làm việc tại công ty là nếu không tăng ca sẽ từ 8h sáng đến 5h chiều, còn nếu tăng ca là đến 8h tối.
Cụ thể thời gian, công nhân vào làm việc từ 8h sáng, tới 9h sẽ được giải lao 10 phút theo quy định. Từ 10h30 đến 11h30 sẽ tùy từng bộ phận sẽ đi ăn cơm, nghỉ ngơi trong 1 tiếng rồi vào làm việc. Đến 5h chiều, công nhân được nghỉ đi ăn cơm 30 phút rồi lại tăng ca.
"Nếu công nhân có việc bận, có thể xin tổ trưởng ra về khi hết giờ làm hành chính đến 5h chiều. Công nhân sẽ không bị trừ lương khi không làm thêm tăng ca, còn giờ làm chính vẫn là tăng ca đến 8h tối.
Nếu công nhân chỉ làm giờ hành chính từ 8h tối đến 5h chiều và đủ 26 ngày công, chỉ được nhận 5,1 triệu đồng/tháng, gồm mức lương cơ bản là 4,3 triệu đồng cùng 800 nghìn đồng phụ cấp.
Còn làm thêm giờ sẽ được tính 26 nghìn đồng/tiếng. Công nhân đi làm đều và làm tăng ca, mức lương có thể khoảng 9-10 triệu đồng/tháng", chị T. nói và cho hay, nếu công nhân làm vào ngày lễ, tết thì một ngày lương cơ bản sẽ nhân với 300%.
Chia sẻ thêm về khoản phụ cấp, chị T. cho biết, công nhân còn được phụ cấp từ 300-500 nghìn đồng tùy vị trí công việc làm công đoạn "ngoại quan" hoặc "trọng điểm".
Cụ thể, vị trí công việc "ngoại quan" là ngồi quan sát sản phẩm có bị lỗi gì hay không, còn công việc "trọng điểm" là quan sát như màn hình có bị vết xước, nứt hay không...
Về tính chất công việc, công nhân làm công đoạn khác nhau như ngồi lắp bàn phím, lắp vít ốc... và chỉ ép màn hình là phải đứng máy.
Theo chị T., sau khi công nhân thời vụ làm được 3 tháng, có thể đề xuất lên Tổ trưởng nếu muốn làm công nhân chính thức để có chế độ như được đóng bảo hiểm xã hội, thưởng ngày lễ, tết. Tiếp đó, sau khi có giấy xác nhận của Tổ trưởng, công nhân sẽ mang giấy đến gặp chị T. để đóng dấu xác nhận.
Qua những thông tin nêu trên, có thể nhận thấy, thực tập sinh Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội đang nhận mức lương cơ bản là 4 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với đơn vị tuyển dụng của công ty chia sẻ với phóng viên.
Sinh viên bức xúc vì "Trải nghiệm doanh nghiệp" với công việc không liên quan gì đến ngành học
Liên quan đến phản ánh về học phần trải nghiệm doanh nghiệp, tại buổi làm việc với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 27/6, có ông Nguyễn Trung Hiếu (Trưởng phòng Truyền thông Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội) và một số thầy cô trong nhà trường.
Theo ông Hiếu, nhà trường cho sinh viên tự lựa chọn công ty, doanh nghiệp để đến trải nghiệm doanh nghiệp, nếu sinh viên không có doanh nghiệp, nhà trường sẽ giới thiệu cho các em 5 công ty để chọn.
Khi sinh viên đáp ứng đủ thời gian trải nghiệm doanh nghiệp, các em sẽ làm báo cáo trong khoảng 1 đến 2 tuần. Bên cạnh đó, các em cũng được doanh nghiệp đánh giá.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc, sinh viên ngành ngôn ngữ đi "trải nghiệm doanh nghiệp" nhưng không làm việc liên quan đến chuyên ngành đang học, liệu có phù hợp? Một giảng viên nhà trường cho hay, môn trải nghiệm doanh nghiệp chưa phải là môn chuyên ngành của các em. Những gì các bạn tiếp thu được là từ quy trình sản xuất, làm việc.
“Môn trải nghiệm doanh nghiệp chưa phải là chuyên ngành của các bạn sinh viên. Và môn này không phải hướng đến chuyên ngành các bạn đang học. Bởi vì, sinh viên học năm thứ hai không thể làm phiên dịch được…”, giảng viên này nói.
Theo thông tin của ông Nguyễn Trung Hiếu cung cấp cho phóng viên về "Thông báo tuyển thực tập sinh" của Công ty Compal Việt Nam, có nêu đối tượng tuyển dụng của công ty là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp...
Thời gian làm việc là 8h/ca và tăng ca thường xuyên 3h/ngày (thường làm 12h/ngày) và có thể tăng ca ngày cuối tuần theo yêu cầu sản xuất.
Theo đó, ca ngày từ 8h-17h và tăng ca sẽ làm thêm 3 tiếng đến 20h. Đối với ca đêm bắt đầu từ 20h đến 5h sáng hôm sau, tăng ca là đến 8h.
"Sinh viên sẽ làm xoay ca 2 tuần ngày, 2 tuần đêm hoặc 4 tuần ngày, 4 tuần đêm", trích thông báo.
Thực tập sinh được "hỗ trợ cơ bản" là 4 triệu đồng/26 ngày công và các khoản trợ cấp khác như 300 nghìn đồng/tháng tiền chuyên cần; 300 nghìn đồng/tháng tiền thái độ làm việc (làm đủ tối thiểu 24 ngày công/tháng)... Tổng mức lương của sinh viên nếu đi làm đầy đủ là 6-7 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng gửi thông tin về cơ chế làm việc tại công ty điện tử tại Thái Nguyên.
Theo đó, về mức lương và các chế độ đều cao hơn so với cơ chế làm việc tại Công ty TNHH Compal Việt Nam.
Có nhu cầu tìm hiểu về việc học ngành Ngôn ngữ Anh, ngày 24/6, phóng viên cũng đã liên hệ với bộ phận tư vấn tuyển sinh qua số điện thoại 096203xxxx, và được thầy Huy Cường trả lời những câu hỏi về học phần "trải nghiệm doanh nghiệp".
Theo thầy Huy Cường, với sinh viên học khối ngành ngôn ngữ, các bạn sẽ có học phần "trải nghiệm doanh nghiệp" và được đi đến các doanh nghiệp để làm quen môi trường làm việc.
"Nhà trường hiện đang liên kết với các công ty như L, S (tên công ty được phóng viên viết tắt do chưa xác minh được từ phía công ty này)...", thầy Huy Cường nói.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc, vậy khi đi "trải nghiệm doanh nghiệp", liệu có phù hợp với chuyên ngành của sinh viên đang học hay không?
Thầy Huy Cường trả lời: "Phòng Đào tạo sẽ liên hệ với các doanh nghiệp phù hợp với ngôn ngữ của sinh viên đang học, chứ không phải sinh viên đi sang công ty L (tên công ty được phóng viên viết tắt)...".
Qua cuộc hội thoại nói trên, có thể nhận thấy, thông tin bộ phận tư vấn tuyển sinh đang nói khác với thực tế mà nhiều sinh viên đã phản ánh cho phóng viên. Đó là, nhiều sinh viên ngành ngôn ngữ vẫn đi "trải nghiệm doanh nghiệp" tại vị trí việc làm không đúng với chuyên ngành các em đang học.
Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội có nêu sứ mệnh: "Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội có sứ mệnh đào tạo đa ngành nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực ASEAN và quốc tế; đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, kết hợp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước".
Về tầm nhìn, nhà trường thông tin: "Đến năm 2030, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội trở thành Trường cao đẳng đào tạo đa ngành chất lượng cao đạt chất lượng kiểm định quốc tế. Phấn đấu đủ điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng sau năm 2030. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm việc trong môi trường toàn cầu hóa".
Tôn chỉ của nhà trường có nêu: "THỰC HỌC – THỰC HÀNH – THỰC NGHIỆP; TRUNG THỰC – THƯƠNG YÊU – TRÁCH NHIỆM".
Trong đó, trung thực là thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức.
Thương yêu là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hết lòng vì học sinh – sinh viên.
Trách nhiệm là trang bị cho người học kiến thức, tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả và có tinh thần trách nhiệm cao.