Để làm rõ thực hư, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi.
- Thưa TS Nguyễn Tiến Luận, vừa qua có thông tin rằng Trường ĐH Nguyễn Trãi đã đặt ra nội quy mới, trong đó nói nhà trường cho phép các sinh viên được đề nghị với Ban giám hiệu buộc giảng viên ngừng dạy. Vậy thực hư chuyện này thế nào?
Đúng là có việc ấy. Tôi đã chỉ đạo thiết lập lại nội quy nhà trường. Các em vào trường là để học, đấy là nhiệm vụ duy nhất ở độ tuổi này, cho nên các em phải tuyệt đối nghiêm khắc với chính bản thân mình. Đối với giảng viên, chúng tôi quan niệm, thày dạy tốt hay không là do các em tự đánh giá. Do vậy, nhà trường đưa vào quy chế mới trong đó nói rất rõ “Giảng viên, Ban cán sự lớp và sinh viên được quyền đề nghị với Khoa, Ban giám hiệu, Hội đồng quản trị nhà trường khen thưởng về thành tích học tập xuất sắc, ngừng việc giảng dạy, ngừng học đối với giảng viên và sinh viên vi phạm ở mức độ cao nhất”.
TS Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch HĐQT Đại học Nguyễn Trãi. |
- Vậy "mức vi phạm cao nhất" có được quy định rõ ràng không thưa ông, bởi lẽ ranh giới để đánh giá một vấn đề có sai hay không đôi khi cũng mong manh?
Quốc thì có quốc pháp, nhà thì có gia phong, ở trường cũng phải có quy định. Ở quy định đã nói rất rõ là giảng viên phải đến trước 5 phút và về sau khi kết thúc giờ học 5 phút. Ở Trường ĐH Nguyễn Trãi, chúng tôi mời các thầy cô đến giảng dạy chỉ là bước khởi đầu, còn về lâu dài, các thầy cô có phù hợp với môi trường này hay không hoàn toàn do sinh viên đánh giá.
Kết thúc một học kỳ, chúng tôi đều có khảo sát, để đo lường được chất lượng giảng dạy của từng giảng viên. Nếu một giảng viên bị 70% sinh viên đánh giá "không hài lòng" thì nhà trường phải xem xét lại ngay lập tức năng lực của giảng viên này. Chúng tôi dứt khoát không giữ lại những giảng viên mà chính tập thể sinh viên đánh giá thấp.
Còn đối với sinh viên đi học muộn 5 phút không công nhận một tiết học, muộn 10 phút không công nhận hai tiết học, 15 phút không công nhận ba tiết học; trên 15 phút hoặc bỏ học giữa giờ không công nhận buổi học.
Bên cạnh đó cũng có những hình thức kỷ luật rất nghiêm khắc như: Không công nhận từ nửa buổi học đến 1 buổi học nếu sinh viên ăn quà vặt trong lớp, sử dụng điện thoại trong giờ học, gây mất trật tự trong giờ học… Nếu sinh viên nghỉ học phải đến trường xin phép, nói rõ lý do; còn nếu ốm thì phải có giấy khám của bác sĩ hoặc bố mẹ sinh viên ấy xin phép.
Ở môi trường học tập này, các em hoàn toàn được tự do, dân chủ, nghĩa là các em được quyền thể hiện chính kiến, được quyền phản biện trực tiếp với ban giám hiệu. Những sinh viên là người dân tộc thiểu số hoặc con của thương binh, liệt sĩ được chúng tôi giảm 40% học phí suốt toàn bộ quá trình học; những em đoạt giải nhất tại các cuộc thi tầm quốc gia được miễn hoàn toàn học phí. Cửa phòng tôi và thầy hiệu trưởng lúc nào cũng rộng mở đón các em, các em được phép nói về tất cả những gì mong muốn, những gì trường chưa tốt, chưa đúng với cam kết và yêu cầu khắc phục. Ngược lại, các em cũng phải tuân thủ kỷ cương của nhà trường. Nếu vi phạm ở mức độ nặng thì dứt khoát phải bị dừng học.
- Từ trước tới nay, ở nhiều trường với những lỗi như không học đủ số buổi học thì sẽ bị đình chỉ thi môn đó và cho học lại. Còn với ĐH Nguyễn Trãi, chỉ cần một sinh viên nhiều lần mắc các lỗi dùng điện thoại trong giờ học, ăn quà vặt, làm mất trật tự… mà cũng có nguy cơ bị xét buộc thôi học thì liệu chăng trường quá nặng tay?
Như tôi đã nói, nhà trường phải có kỷ cương, đây là môi trường giáo dục, chứ không phải công viên hay vườn hoa. Các em trò chuyện thì vẫn có giờ nghỉ giải lao cơ mà, cho nên mọi sự vô kỷ luật vào đúng giờ học là không chấp nhận được. Ở nhiều trường thì quyền ấy chỉ giao cho giáo viên. Khi học sinh mắc lỗi nào đó, giáo viên có quyền không cho thi và phải học lại môn ấy. Tuy nhiên, ở ĐH Nguyễn Trãi, chúng tôi cho phép tập thể lớp, thậm chí cá nhân một sinh viên đề nghị nhà trường buộc thôi học một sinh viên nào đó, nếu có đủ bằng chứng chứng minh.
Tôi tin rằng, việc nhà trường đưa ra các quy định nghiêm ngặt như vậy sẽ nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao từ phụ huynh. Từ chính tâm lý của mình cũng đang có hai con nhỏ đi học, tôi thấy rằng các bậc cha mẹ đều mong muốn con cái được học tập ở một ngôi trường văn minh, dân chủ, nhưng cũng có tính kỷ luật cao. Vậy thì mới mong sớm thành người!
- Xin cám ơn những chia sẻ của ông!