Lấy xe riêng chở dân về quê ăn Tết: "Tôi nghĩ Phó thủ tướng nói vui thôi"

17/02/2015 07:40
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Một lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Phó Thủ tướng nói sẽ lấy xe riêng để chở hành khách không bắt được xe về quê ăn tết là…nói vui, động viên là chính.

Chiều 9/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đến thăm và chúc Tết các cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát giao thông, kiểm tra công tác vận tải và chúc Tết cán bộ, công nhân viên Bến xe Mỹ Đình.

Sau khi thị sát công tác phục vụ vận tải tại Bến xe Mỹ Đình, thăm hỏi các hành khách đi xe, Phó Thủ tướng đã yêu cầu bến xe phải bố trí cho được phương tiện để khách về quê, không để hành khách vì thiếu phương tiện mà không được về quê ăn Tết, dù là một hành khách cũng phải bố trí phương tiện, thậm chí dùng xe của Giám đốc bến xe, của Tổng Công ty để đưa khách về.

Trước đó, ngày 3/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng sau khi kiểm tra công tác đảm bảo an ninh trật tự và vận chuyển hành khách dịp tết Ất Mùi 2015 tại các bến xe khách ở TP.HCM và ga Sài Gòn cũng đã phát biểu: “Tuyệt đối không để người dân có nhu cầu về quê ăn tết mà không có vé xe. Nếu đêm giao thừa còn người dân muốn về quê mà hết xe thì điều cả xe của lãnh đạo đến bến chở dân về quê ăn tết”.

Nói vui, nhưng cũng là chỉ đạo, động viên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác vận tải hành khách Tết Nguyên đán 2015 tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác vận tải hành khách Tết Nguyên đán 2015 tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bình luận về chỉ đạo này của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Thăng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh nói: “Chuyện cam kết sẽ lấy xe riêng ra để chở hành khách không bắt được xe về quê ăn tết, tôi nghĩ chỉ nói cho vui thôi”.

Cũng theo ông Linh, năm nào Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng có kế hoạch từ trước để không xảy ra tình trạng hành khách không có xe về quê ăn tết. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lo lắng cho người dân, hiểu được nguyện vọng và mong muốn của họ nên dặn dò những người làm nhiệm vụ vận tải hành khách như thế. Trong trường hợp đặc biệt, lãnh đạo bến xe phải biết hy sinh bản thân mình để lo cho hành khách, bất kể lúc nào.

“Chưa năm nào hành khách không có xe về quê ăn tết cả vì năm nào chúng tôi cũng chuẩn bị hết sức chu đáo. Mặc dù vậy, do mỗi năm có một đặc thù khác nhau nên chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch so với năm trước. Riêng năm nay, số lượng xe tăng cường vẫn thế. Chúng tôi đã chuẩn bị hơn 300 xe tăng cường. Tuy nhiên, về giá cả, chúng tôi yêu cầu các nhà xe phải tuân thủ đúng các quy định. Riêng Hà Nội, chúng tôi cấm phụ thu”, ông Linh cho biết thêm.

Ông Linh cho hay, dự kiến bến xe Mỹ Đình sẽ có lượng khách đông nhất, sau đó đến bến xe Giáp Bát.

“Tuy vậy, ở Mỹ Đình chưa bao giờ xảy ra tình trạng quá tải. Chuyện chặt chém hành khách tôi khẳng định ở trong bến thì không bao giờ có, còn ra khỏi bến thì chúng tôi không kiểm soát được. Đó là lý do vì sao chúng tôi lập đường dây nóng. Hiện đường dây nóng đang hoạt động ổn định”, ông Linh khẳng định.

Xe ra khỏi bến là mất kiểm soát?

Bến xe Phía Nam tăng cường xe dịp Tết. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Bến xe Phía Nam tăng cường xe dịp Tết. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 của toàn ngành sáng 19/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định sẽ siết chặt lại hoạt động vận tải, kiểm soát chặt chẽ cước phí theo hướng không làm khó cho doanh nghiệp, nhưng bảo đảm hoạt động công bằng, minh bạch.

“Không thể để tình trạng cước phí vận tải lộn xộn như hiện nay, điều đó là không thể chấp nhận được. Phải thể hiện được vai trò quản lý của Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các Sở GTVT, Sở Tài chính địa phương trong vấn đề này”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên VnExpress, gần Tết, có nhiều phản ánh từ hành khách đi xe từ Hà Nội về các tỉnh, về tình trạng các nhà xe tăng giá vé, có khi gấp đôi giá bán trong bến. Tình trạng khách phải chờ đợi lâu mới lên được xe cũng khá phổ biến.       

Về việc phụ thu, chưa cần các doanh nghiệp lên tiếng, mới đây Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại có công văn gửi Sở Tài chính đề nghị hỗ trợ chiều xe chạy rỗng cho tuyến từ 150-300km ở mức 30%, tuyến trên 300km với mức 40% giá vé hiện hành.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội giải thích, nên trợ giá công khai, rõ ràng để thu hút thêm các xe chạy hợp đồng vào chạy tuyến trong dịp Tết để tránh tình trạng xe dù thu tiền vô tội vạ của hành khách ngoài bến.

Đáng buồn là thay vì đề nghị các doanh nghiệp vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ, Hiệp hội Vận tải Hà Nội lại có công văn đề nghị “trợ giá”.

 

Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, trong ngày 28 Tết (16/2) toàn quốc xảy ra 37 vụ TNGT, làm chết 24 người, bị thương 31 người, so với 28 tết âm lịch 2014 giảm 18 vụ, không tăng không giảm số người chết, giảm 13 người bị thương.

Trong đó, đường bộ xảy ra 36 vụ, làm chết 24 người, bị thương 30 người; đường sắt xảy ra 1 vụ  làm bị thương 1 người; đường thủy nội địa tiếp tục không xảy ra tai nạn. Trong ngày không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 5.471 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp kho bạc Nhà nước 4 tỷ 507 triệu đồng; tạm giữ 36 xe ô tô, 595 xe mô tô, tước 37 GPLX.

Đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia trong ngày 16/2/2015 nhận được khoảng hơn 250 phản ánh của người dân về việc: tình trạng các hãng xe tăng giá vé quá quy định trong dịp Tết, xe khách chở quá số người quy định (nhiều nhất là các tuyến từ Sài Gòn - Bình Định, Điện Biên - Nghệ An, Hà Nội - Thanh Hóa, hướng các phương tiện từ Thành phố Hồ Chí Minh đổ về các tỉnh Miền Tây).

Tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, tình trạng ùn tắc giao thông tại tất cả các cửa ngõ ra vào thành phố đã giảm bớt, do người dân đã đổ về quê ăn Tết từ trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số điểm như đường dẫn cầu Thanh Trì, Hà Nội xuống QL5 theo hướng từ Hà Nội về Hải Phòng; cầu Mỹ Quý, ngã tư Thị trấn Cai Lậy, cầu Cai Lậy, cầu Phú Nhuận (huyện Cai Lậy) và cầu Bà Đắc (huyện Cái Bè); chiều ngày 15/2/2015 hàng nghìn ô tô vẫn còn kẹt trên Đèo Cả đoạn giữa tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

PHONG NGUYÊN