Những năm qua, chương trình giáo dục phổ thông mới đã lần lượt được áp dụng ở các cấp học. Từ năm học 2022 - 2023, chương trình mới sẽ bắt đầu áp dụng với khối lớp 10, theo đó các em chỉ cần học 7 môn bắt buộc, nhiều môn học bắt buộc hiện nay sẽ trở thành môn tự chọn.
Trong đó, việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn đang thu hút nhiều luồng ý kiến.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của những người trong cuộc về vấn đề trên.
Vì sao học sinh chọn chuyên Sử?
Bày tỏ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Lê Kim Bảo Huyền, cựu học sinh chuyên Sử, Trường Chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình) không muốn môn Lịch sử trở thành môn tự chọn.
Theo Bảo Huyền: “Lịch sử không chỉ là môn học mà nó còn gắn liền với văn hóa và truyền thống của dân tộc ta. Em từng là một người không thích học môn Lịch sử nhưng cho đến hiện tại em cảm thấy lịch sử là một phần không thể thiếu".
Bảo Huyền cho rằng: "Môn Lịch sử không phải là môn học khô khan, chán nản, mà có thể do cách truyền đạt từ giáo viên đến học sinh chưa thật sự khiến bản thân người học muốn học hỏi, tìm hiểu.
Lê Kim Bảo Huyền, cựu học sinh chuyên Sử, Trường Chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình) không muốn môn lịch sử trở thành môn tự chọn. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Lịch sử đối với em là để nhìn nhận lại những gì đã qua trong quá khứ, để hiểu được nguồn gốc và cội nguồn của mình.
Kiến thức lịch sử có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, hơn nữa lịch sử chính là bài học kinh nghiệm đắt giá để giúp hiện tại và tương lai phát triển hơn".
Em Nguyễn Bảo Lâm, học sinh lớp 12 chuyên Sử, Trường chuyên Thái Nguyên (Thái Nguyên) cho rằng để Lịch sử là môn tự chọn là điều Lâm không mong muốn:
“Quan điểm cá nhân của em là em không đồng ý môn lịch sử trở thành tự chọn, bởi môn Lịch sử không chỉ giáo dục lòng yêu nước, mà quan trọng hơn nó còn giúp mình có cái nhìn khách quan và biết ơn về những thành quả của cha ông ta để lại, từ đó để lại nhiều bài học kinh nghiệm để vận dụng vào cuộc sống cũng như công cuộc bảo vệ đất nước”.
Đối với Bảo Lâm, một học sinh yêu thích môn Lịch sử, tự bản thân đã nhận thấy rằng môn lịch sử không hề khô khan, khó học mà trái lại Lịch sử lại là môn học thú vị và bổ ích.
Do vậy Bảo Lâm cũng thấy buồn khi môn Lịch sử trở thành tự chọn. Nếu như vậy, rất có thể các bạn sẽ ít lựa chọn môn này. Lâm nhận thấy có nhiều bạn không yêu thích môn học này thậm chí là có thái độ chống đối.
“Em nghĩ rằng phần lớn các bạn không thích học Lịch sử là đến từ cách dạy, cách viết sách giáo khoa.
Các thầy cô chỉ có 45 phút để giảng dạy các vấn đề trong bài nên không thể truyền đạt được hết các sự kiện, cũng như câu chuyện đằng sau nó.
Trong khi đó, các kỳ thi theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu học sinh tìm hiểu kỹ sâu các vấn đề nên hệ quả tất yếu là một số học sinh sẽ phải học vẹt để làm được bài ”, Bảo Lâm chia sẻ.
Nếu môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn, Bảo Lâm mong muốn nhà trường sẽ thay đổi cách dạy để nâng cao hứng thú cho học sinh, cũng như lôi cuốn được nhiều học sinh yêu thích môn này hơn.
Phạm Ứng Lân học sinh lớp 12 chuyên Sử trường chuyên Thái Nguyên: Nếu chú tâm, các bạn sẽ thấy môn lịch sử rất hấp dẫn. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Em Phạm Ứng Lân học sinh lớp 12 chuyên Sử, Trường chuyên Thái Nguyên lại cho rằng, để môn Lịch sử trở thành tự chọn là hợp lý vì có nhiều bạn sẽ thấy thích thú và tìm về Lịch sử một cách tự nhiên và không bị ép buộc:
“Học Lịch sử sẽ giúp chúng ta có hiểu biết thêm nhiều về đất nước mà các thế hệ cha, ông đã xây dựng trong suốt hàng ngàn năm qua. Môn Lịch sử làm em cảm thấy yêu và tự hào hơn nhiều về dân tộc ta, lịch sử góp vai trò rất lớn trong việc hình thành lòng tự tôn dân tộc”, Lân chia sẻ.
Theo Lân, lịch sử là phải tìm hiểu và thực sự chủ động tìm tòi. Không chỉ vậy nếu nhìn ở khía cạnh khác, Lịch sử là môn học khoa học và cần có sự tư duy nhanh nhạy, chính vì điều này nên Lân rất yêu thích môn học.
Ứng Lân cho rằng: “Nhắc đến Lịch sử một số học sinh có tâm lý lười học thường đổ lỗi cho môn Lịch sử khô khan và dài dòng. Nếu các bạn tập trung vào môn Lịch sử sẽ thấy nó rất dễ hiểu”,
Thầy cô lo ngại
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc Lịch sử trở thành môn tự chọn, Tiến sĩ Dương Thị Huyền (giảng viên trường Đại học Khoa học- Đại học Thái Nguyên) cho biết:
“Việc môn Lịch sử trở thành tự chọn, đã có rất nhiều sinh viên, giáo viên của nhiều trường lo ngại không lựa chọn.
Vậy nguyên tắc lựa chọn là gì, các trường liệu có đảm bảo trong việc lựa chọn hay không và ai sẽ là người đứng ra để lựa chọn?
Đây là câu hỏi cần được trả lời trước khi áp dụng chương trình phổ thông mới”.
Tiến sĩ Dương Thị Huyền lo ngại khi Lịch sử thành môn tự chọn. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cũng theo Tiến sĩ Dương Thị Huyền, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh, một trong những mục tiêu của việc đổi mới Giáo dục là: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân.
Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.
Việc Lịch sử là môn tự chọn, Tiến sĩ Dương Thị Huyền cho rằng có thể chưa thật phù hợp với mục tiêu mà Nghị quyết 29 đề ra.
Cũng bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Khánh Hội (giáo viên dạy môn Lịch sử - Trường Trung học phổ thông Cửa Tùng - Vĩnh Linh - Quảng Trị) cho rằng "ngành Giáo dục cần nhìn nhận việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn đã được dư luận đồng tình hay chưa, nếu chưa đồng tình thì phải giải thích cặn kẽ".
Thầy giáo Phan Khánh Hội - Giáo viên Lịch sử trường Trung học phổ thông Cửa Tùng - Vĩnh Linh- Quảng Trị. Ảnh: NVCC |
Bên cạnh đó, thầy Phan Khánh Hội cũng cho rằng: “Mọi năm các thí sinh đăng ký tham gia thi môn Lịch sử đều rất ít, thậm chí có hội đồng thi chỉ có 1 đến 2 em học sinh.
Mặc dù hiện nay môn Lịch sử nằm trong tổ hợp khoa học xã hội, tổ hợp môn được thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp nhiều nhất.
Thế nhưng, việc đăng ký này chưa phản ánh hết việc học sinh ít học môn Lịch sử vì kết quả thi môn Lịch sử ở kỳ thi tốt nghiệp những năm qua đều có phổ điểm rất thấp.
Điều đó chứng tỏ học sinh chỉ đăng ký thi mà không học hoặc học ít. Từ kết quả thi, lo ngại nếu Lịch sử là môn tự chọn có thể sẽ có rất ít học sinh chọn môn Sử khi chương trình phổ thông 2018 được áp dụng là hoàn toàn có cơ sở ”, thầy Hội bày tỏ.