Tích hợp cơ học bậc tiểu học và THCS, tự chọn ở bậc phổ thông: Lịch sử sẽ về đâu

20/04/2022 09:18
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thật khó hiểu khi môn Thể dục; Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Nội dung giáo dục địa phương là những môn học bắt buộc còn môn Lịch sử thành môn tự chọn.

Ngày 18/4/2022, trên nhiều tờ báo đã đồng loạt đăng tải ý kiến của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về việc môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông trở thành môn học tự chọn.

Đọc những bài viết này, những bạn đọc quan tâm đến lịch sử nước nhà sẽ thấy thầy Nguyễn Minh Thuyết trả lời rất hay, rất đúng với tinh thần của các Nghị quyết bởi theo thầy Thuyết thì: "Việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của thực tế và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế". [1]

Tuy nhiên, nhìn lại cách bố trí môn học Lịch sử ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì nhiều người không tránh khỏi hẫng hụt bởi môn Lịch sử đã không còn được đứng riêng biệt ở cấp tiểu học và trung học cơ sở. Lên đến cấp trung học phổ thông, môn Lịch sử được đứng riêng thì đây lại là môn học tự chọn.

Vì thế, phải khẳng định ngay rằng môn Lịch sử ở chương trình mới không còn được xem trọng như trước đây, còn chuyện lồng ghép, tích hợp lịch sử ở một số môn học lại là chuyện hoàn toàn khác.

Số phận môn Lịch sử sẽ như thế nào ở Chương trình 2018? (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Số phận môn Lịch sử sẽ như thế nào ở Chương trình 2018?

(Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Môn Lịch sử có bị xem nhẹ ở chương trình mới?

Theo thầy Nguyễn Minh Thuyết trả lời trên Báo Vietnamnet ngày 18/4 thì: “khi học xong cấp trung học cơ sở, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi”.

Điều này cũng đồng nghĩa giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm. Khi học sinh lên đến cấp trung học phổ thông thì môn Lịch sử sẽ là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai.

Với cách lý giải của thầy Thuyết thì việc thiết kế như thế này cũng có phần phù hợp vì lên đến cấp trung học phổ thông thì nhà trường hướng vào chuyên sâu các môn học để định hướng nghề nghiệp tương lai cho học trò.

Song, vấn đề đặt ra là nếu như vậy thì 9 năm ở tiểu học và trung học cơ sở thì học sinh đã học được những gì về môn Lịch sử? Và, cách thiết kế môn học mà thầy Thuyết làm Tổng chủ biên đã thực sự xem trọng môn Lịch sử hay chưa?

Chúng tôi cho rằng môn Lịch sử ở chương trình mới chưa thực sự được xem trọng bởi vì ở cấp tiểu học thì môn Lịch sử chỉ được xem là 1 phân môn ở môn Tự nhiên và xã hội; Lịch sử và Địa lí. Lên đến cấp trung học cơ sở thì môn Lịch sử cũng chỉ là 1 phân môn trong môn học Lịch sử và Địa lí.

Như vậy, suốt 9 năm mà thầy Thuyết nói rằng “lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm” [1] thì môn học này chưa bao giờ được đứng riêng thành 1 môn học độc lập.

Ở tiểu học theo những gì người viết quan sát được thì môn Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí ít được chú trọng, thậm chí chỉ được dạy vài tiết chiếu lệ vì giáo viên tập trung cho môn Tiếng Việt và môn Toán. Nếu không tin, lãnh đạo Bộ và các thầy viết chương trình cứ về một trường tiểu học bất kỳ nào không báo trước, và mượn vở của học trò sẽ biết rõ điều này.

Lên đến cấp trung học cơ sở thì môn Lịch sử bị gộp vào môn Lịch sử và Địa lí và theo định hướng của Bộ thì giáo viên môn Địa lí hoặc Lịch sử sẽ dạy cả 2 phân môn này.

Điều này được cụ thể hóa trong tên môn học và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí.

Như vậy, suốt 9 năm học tiểu học và trung học cơ sở thì môn Lịch sử chưa bao giờ được Bộ chú trọng. Vì thế, thầy Thuyết có biện minh bằng cách nào đi chăng nữa thì sự thực vẫn là sự thực. Nếu được chú trọng thì số phận môn Lịch sử không bị “cưỡng hôn” với môn Địa lí một cách kỳ lạ đến như vậy.

Đến cấp trung học phổ thông thì Lịch sử được đứng riêng, được trả lại tên nhưng trớ trêu là nó lại là môn… tự chọn mà đã là môn tự chọn thì học sinh có thể chọn và cũng có thể không chọn để học.

Môn Lịch sử phải là… Lịch sử

Thầy Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trên cơ sở đó khơi dậy sự say mê, hứng thú học tập và bước đầu phát triển những năng lực cơ bản của học sinh.

Ở cấp trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 6 đến lớp 9, giúp hoc sinh có được nền tảng kiến thức thông sử của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho tới ngày nay.

Đồng thời, nội dung giáo dục lịch sử cũng được thực hiện ở các môn học khác như Đạo đức, Giáo dục công dân, Tiếng Việt, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương…”. [1]

Việc thầy Thuyết cho rằng ngoài môn Lịch sử ra thì lịch sử còn được lồng ghép, tích hợp trong một số môn học khác. Nhưng, chúng tôi cho rằng việc tích hợp này nó chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong một số môn học khác mà chưa chắc giáo viên các môn học khác họ có dạy lịch sử trong môn học của mình.

Điều này, chúng tôi xin viện dẫn ý kiến của thầy Đỗ Ngọc Thống - Nguyên Vụ phó Vụ trung học phổ thông và là Tổng chủ biên môn Ngữ văn, chương trình 2018 như sau: “Hạn chế chủ yếu của việc tích hợp thuộc về trình độ của các nhà thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa.

Nếu tích hợp không tốt sẽ chỉ là hình thức, không có tác dụng và không đạt được mục tiêu tích hợp. Việc tích hợp cũng sẽ không bảo đảm được yêu cầu về tính hệ thống của khoa học tương ứng với mỗi môn học.

Với hiện trạng của nhà trường Việt Nam, việc tích hợp cũng là một thách thức đối với trình độ giáo viên, nhất là những giáo viên có thói quen dạy môn học độc lập quá lâu” . [2]

Còn cố Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê - một trong những chuyên gia đầu ngành của Lịch sử nước nhà thì nói: “Việc tích hợp Sử với môn khác là xu thế của giáo dục hiện đại, Hội không phản đối mà còn ủng hộ vì sử học có mối quan hệ với các ngành khác.

Nhưng phải hiểu tích hợp là gì? Đó không phải là gán ghép một cách cơ học một bộ phận của môn này với bộ phận của môn khác. Như vậy không phải là tích hợp mà là sự cắt xén và gán ghép cơ học”. [3]

Và, thực tế thì chúng ta đang thấy, lớp 6 hiện nay đã thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng dù đã “tích” phân môn Lịch sử và Địa lí lại thành 1 cuốn sách, thành 1 môn học nhưng có lẽ nó chưa “hợp” nên đa phần các trường trên cả nước đang bố trí 2 giáo viên dạy riêng biệt.

Tới đây, khi mà giáo viên được bồi dưỡng và có chứng chỉ theo Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì sẽ phải “ôm” cả 2 phân môn. Nhưng, chất lượng, hiệu quả như thế nào thì mọi người có thể đoán định được.

Môn Lịch sử sẽ đi về đâu? Những công dân nước nhà sẽ hiểu như thế nào về lịch sử hào hùng của dân tộc khi môn Lịch sử đã bị gán ghép với môn Địa lí ở tiểu học và trung học cơ sở? Khi môn học được đứng độc lập ở cấp trung học phổ thông thì chỉ có một bộ phận nhỏ học sinh đăng ký học bởi môn Lịch sử lúc này đã là môn học tự chọn!

Dù thầy Tổng chủ biên có “nói hay” như thế nào đi chăng nữa thì môn Lịch sử cũng đã bị xem nhẹ ở chương trình mới. Và, một khi những công dân tương lai của đất nước hiểu lơ mơ về lịch sử thì nó sẽ tiềm ẩn nhiều hậu họa khó lường.

Thật khó hiểu khi môn Thể dục; Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Nội dung giáo dục địa phương là những môn học, hoạt động bắt buộc còn môn Lịch sử thì trở thành môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông.

Nhưng, nó sẽ hiện hữu trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông bắt đầu từ năm học 2022-2023 tới đây.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/lich-su-thanh-mon-lua-chon-anh-huong-toi-giao-duc-long-yeu-nuoc-tong-chu-bien-tra-loi-2010313.html

[2]https://baotintuc.vn/giao-duc/ly-giai-ve-viec-tich-hop-mon-lich-su-20151202174334779.htm&usg

[3] [4]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-phan-huy-le-gioi-su-hoc-khong-quay-lung-voi-tich-hop-3325021.html&h

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO