Nhiều chuyên gia quan ngại, lên tiếng đề xuất khi đã dám mổ xẻ thì phải chịu đau, kể cả chấp nhận phá sản. Nhưng rốt cuộc, con tàu Vinalines phải tiếp quản thêm hàng chục tàu cũ, cùng bộ máy xập xệ của Vinashin. Dẫu vậy, tấm gương vỡ của hai “Vina” này vẫn chưa trở thành bài học đắt giá cho các tập đoàn (TĐ) - tổng công ty (TCT) khác.
|
Thời điểm 2010, Bộ Xây dựng cũng cho ra đời một siêu TĐ mang tên TĐ công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC). Hình thành bởi 5 trụ cột của ngành công nghiệp, xây dựng, trong đó có TĐ sông Đà (công ty mẹ), cùng một loạt các TCT khác như Lắp máy (Lilama), Cơ khí vật liệu xây dựng (Coma), Sông Hồng, Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi) - VNIC tham vọng sẽ trở thành TĐ công nghiệp xây dựng hùng mạnh của quốc gia và khu vực.
Nhưng kể từ khi về ở chung một mái nhà, các “tổng” trên luôn rơi vào cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”. Một ủy viên HĐQT của TĐ này chia sẻ, "siêu" TĐ mới đang trong quá trình xây dựng cơ chế, cơ cấu tổ chức, nhân sự, phân cấp quyền và nghĩa vụ chưa rõ ràng nên nhiều vấn đề khi họp bàn không thống nhất được. “Thời gian trước mỗi tháng HĐQT với 9 ủy viên có họp lại với nhau một lần, nhưng không có sự thống nhất, chẳng giải quyết vấn đề gì nên giờ cũng chẳng ai muốn họp”.
Đây có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho TĐ này bị Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai phạm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản. Kết luận vừa qua cho thấy, TĐ Sông Đà đã đầu tư vượt vốn điều lệ, vi phạm quy định của Bộ Tài chính trên 2.355 tỉ đồng, nhiều đơn vị thành viên cũng lâm vào cảnh kinh doanh kém hiệu quả hoặc thua lỗ. Tổng hợp các vi phạm tại “siêu” TĐ này và các đơn vị thành viên, TTCP kiến nghị Thủ tướng giao các cơ quan liên quan xử lý sai phạm về kinh tế với số tiền trên 10.500 tỉ đồng. Kiến nghị giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND TP.Hà Nội kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân.
Vá từ cơ chế
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: “Chừng nào cơ chế còn chưa được vá, lỗ hổng vẫn còn thì nên xem xét lại, không được rót vốn cho các TĐ - TCT, tránh cảnh phải thả gà ra đuổi”.
TS Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đã từng thẳng thắn nhận xét, chính hệ thống quản trị thiếu giám sát, thiếu tính giải trình, minh bạch đã dẫn đến tình trạng TĐ - TCT không có áp lực, động lực, năng lực nội tại để phát triển. Dù được xem như công cụ thực hiện chính sách và nhiệm vụ xã hội, nhưng lại không buộc phải chú ý đến làm thế nào kiếm ra tiền. Là công cụ ổn định vĩ mô nhưng lại trở thành một trong những nguyên nhân gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm cho bất ổn trở nên trầm trọng hơn.
Điệp khúc thường thấy ở các TĐ - TCT nhà nước là thiếu vốn đầu tư thì đòi tăng giá, lỗ thì đòi tăng giá, giá chỉ có lên mà không xuống, chất lượng dịch vụ thấp. Theo ông Cung, phải thiết lập chính sách yêu cầu TĐ - TCT công khai, minh bạch hóa thông tin theo thông lệ quốc tế, buộc các cơ quan, cá nhân, đại diện chủ sở hữu và các bên liên quan trực tiếp hoặc liên đới chịu trách nhiệm giải trình về kết quả, hiệu lực và hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, phải tách bạch quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước với người đại diện vốn chủ sở hữu, với ban giám đốc điều hành DN.
Cụ thể hơn, trước hết phải hoàn thiện chính sách quản lý, giám sát, sớm đưa hoạt động của các TĐ - TCT vào luật. Đối với cơ chế người đại diện vốn chủ sở hữu phải thành lập HĐQT độc lập, ban kiểm soát nội bộ độc lập. Tổng giám đốc của TĐ -TCT phải được thuê trước một hội đồng thẩm định độc lập, trình Thủ tướng quyết định. Sau đó, HĐQT giao các chỉ tiêu để giám sát như: doanh thu, lợi nhuận, lao động... Nếu không đạt chỉ tiêu thì thay tổng giám đốc khác, không đạt chỉ tiêu HĐQT phải chịu trách nhiệm.
“Quan trọng nhất phải có chế tài cụ thể với từng cấp, bộ nào phải gánh, ai phải chịu trách nhiệm nếu TĐ - TCT rơi vào thua lỗ, sai phạm”, TS Doanh nói.
Anh Vũ/Thanh niên