Nhật ký Lớp học Hy vọng:

HS Lớp học Hy vọng đã “dạy” tôi những “trải nghiệm” mới

01/12/2011 16:00
Thu Hòe
(GDVN) -"Mình đến với Lớp học Hy vọng vì thương, muốn bù đắp cho các con phần nào sự thiệt thòi và cũng để giáo dục nhân cách cho chính HS của mình...

Đó là tâm sự của một cô giáo tiểu học tình nguyện đứng lớp dạy các môn văn hóa cấp 1 cho Lớp học Hy vọng. Chấp nhận trả lời phỏng vấn của Báo Giáo dục Việt Nam nhưng, cô giáo nhất quyết xin được giấu tên và không đưa bất cứ một hình ảnh nào liên quan đến mình lên mặt báo.

Bởi lẽ, như lời giải thích của cô giáo: “Những điều mình đã và đang làm có gì to tát đâu. Mình đến với các con trong Lớp học Hy vọng này bằng tình thương cảm chân thành xuất phát từ đáy lòng, mong muốn mang đến cho các con phần nào kiến thức các con đang bị thiếu hụt, bị hổng do phải gián đoạn việc học quá lâu vì nằm viện. Có rất nhiều, rất nhiều những thầy, cô giáo như mình, luôn sẵn lòng muốn đến với Lớp học Hy vọng và giúp đỡ các con.

Có chăng, chúng ta nên cảm ơn và tôn vinh chính những người có ý tưởng và đã thành lập ra lớp học đặc biệt ý nghĩa này. Đó là lãnh đạo BV Nhi Trung Ương, Ban biên tập Báo Giáo dục Việt Nam và những đơn vị tài trợ… Nhờ có họ mà các con có được lớp học, nhờ có họ mà những thầy, cô giáo như mình mới biết được rằng: Ở giữa thủ đô hoa lệ này vẫn còn khát con chữ đến cháy lòng như thế!…”

“Nhìn các con, mình thấy được rằng: Cuộc sống là nhìn về phía trước…”

Cô giáo đề nghị được dấu tên ấy là cô giáo đứng lớp của Trường tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội). Chị biết đến Lớp học Hy vọng qua báo chí và rất nhanh sau đó chị đã bị cảm động, thuyết phục hoàn toàn với dự án Lớp học Hy vọng của BV Nhi Trung Ương và Báo Giáo dục Việt Nam.

Biết Lớp học Hy vọng chưa có giáo viên đứng lớp dạy các môn văn hóa, chị liền đăng ký tham gia làm giáo viên đứng lớp tình nguyện dạy các con học các môn văn hóa cấp 1.

Chị nói về lý do có mặt ở Lớp học Hy vọng ngày hôm nay của mình: “Các con ở đây đều có bệnh trong người và phải nằm viện lâu dài. Thời gian ở Bệnh viện nhiều hơn ở nhà, việc học hành ở trường đều bị gián đoạn. Là một cô giáo trực tiếp đứng lớp nhiều năm nay, mình hiểu việc gián đoạn quá lâu như vậy bất lợi như thế nào cho quá trình học tập của các con.

Và thực tế, bản thân mình cũng đã từng gặp nhiều trường hợp học sinh như vậy. Sau thời gian nghỉ học vào viện điều trị bệnh, nhiều con đã không theo kịp chương trình học của lớp sau khi xuất viện đi học lại, học hành sa sút đi nhiều và bị lưu ban ở lại lớp…

Do đó, mình đến với Lớp học Hy vọng với mong muốn mang đến cho các con, chia sẻ cùng các con một phần kiến thức bị thiếu hụt, bị hổng trong quá trình nằm viện. Với nhiều con chưa được đi học, mình muốn các con bắt đầu những ngày đi học đầu tiên thực sự ở Lớp học Hy vọng…”

Học sinh của Lớp học Hy vọng đã để lại nhiều điều cần suy nghĩ trong lòng người lớn. (Ảnh Thu Hòe)
Học sinh của Lớp học Hy vọng đã để lại nhiều điều cần suy nghĩ trong lòng người lớn. (Ảnh Thu Hòe)

“Bước chân vào Lớp học Hy vọng, mình đã bị choáng và thật sự thấy “nghẹn ứ nơi cổ họng” khi nhìn thấy những cái đầu trọc lốc, những cánh tay dính đầy băng gạc, những thân hình siêu vẹo, mệt mỏi… Các con khiến mình xúc động quá! Đau yếu như vậy mà các con vẫn xuống lớp đều đặn hằng ngày, có con vừa ngồi học vừa truyền dịch, vừa tiêm thuốc... Nỗi đau bệnh tật không ngăn nổi bước chân các con đến lớp đi học.

Bệnh tật không ngăn nổi bước chân con đến lớp. (Ảnh Thu Hòe)
Bệnh tật không ngăn nổi bước chân con đến lớp. (Ảnh Thu Hòe)

Không phải ai cũng dễ chấp nhận mình sinh ra đã bất hạnh, kém may mắn hơn mọi người. Ngay cả người lớn, khi gặp phải những điều không may mắn trong cuộc sống cũng khiến người ta khó chấp nhận, bị sốc và nhiều người không thể đứng lên từ những nỗi đau khổ. Nhưng, những em bé ở đây đã khiến mình có thêm nhiều suy nghĩ.

Các con vẫn từng ngày chiến đấu với bệnh tật, khát khao khỏi bệnh, được sống một cuộc sống khỏe mạnh, khát khao được đến lớp đi học, khát khao được hòa nhập với cuộc sống, sống có ích… Chính các con đã khiến mình có thêm sự “trải nghiệm”, rằng cuộc sống này vẫn luôn tiếp diễn, con người sống trên đời phải hướng về phía trước và biết đứng lên từ nỗi đau, sự bất hạnh để tìm may mắn, tìm hạnh phúc…”, cô giáo tâm sự.

Các môn văn hóa cấp 1 ở Lớp học Hy vọng có giáo trình riêng

“Trước khi đến lớp, mình cũng đã tìm hiểu và biết được các con ở đây chủ yếu từ 6-12 tuổi, đang học dang dở các lớp cấp 1. Là giáo viên tiểu học, việc dạy kiến thức cho các con từ lớp 1- lớp 5 hoàn toàn là điều nằm trong tầm tay của mình.

Tuy nhiên, mình cũng trăn trở rất nhiều về cách thức truyền đạt cho các con sao cho hiệu quả nhất, bởi đối tượng học sinh của lớp “thập cẩm”. Mình đã suy nghĩ và soạn ra những phiếu bài tập từ lớp 1 – lớp 5. Trong quá trình đứng lớp, mình sẽ chia lớp thành từng nhóm nhỏ theo trình độ của từng con. Ví như: Nhóm lớp 1, nhóm lớp 2, nhóm lớp 3, nhóm lớp 4, nhóm lớp 5… Mỗi nhóm nhỏ sẽ có một chương trình dạy riêng để phù hợp với nhận thức của các con và mình cũng muốn, mỗi nhóm sẽ có 1 giáo viên phụ trách.

Hiện tại, mình đang mời thêm 1 số những giáo viên khác cùng tham gia đứng lớp. Các con lớp 5N, trường tiểu học Nam Thành Công, mình đang làm chủ nhiệm lớp, cũng rất hào hứng muốn đến “phụ đạo” cho các em, các bạn ở Lớp học Hy vọng.

Trong các buổi học văn hóa, ngoài chương trình dạy riêng cho từng nhóm, mình cũng có những chương trình học chung cho cả lớp. Chương trình chung sẽ là phần học kỹ năng sống được lồng ghép khéo léo trong từng buổi học…”, cô giáo Trường tiểu học Nam Thành Công nói về chương trình dạy sẽ áp dụng trong các buổi học văn hóa của Lớp học Hy vọng.

“Mong có thêm nhiều giáo viên, tình nguyện viên… đến với Lớp học Hy vọng”

Cô giáo dấu tên cho biết: “Ngoài việc truyền thụ những kiến thức cơ bản cho các con, những giáo viên như mình muốn mang đến cho các con những nụ cười, niềm vui mà chỉ ở lớp học mới có được. Hơn ai hết, các con ở Lớp học Hy vọng cần có niềm tin, niềm ham sống, nghị lực và ý chí.

Mình muốn mang lại những điều đó cho các con không chỉ thông qua từng bài học mà còn thông qua những câu chuyện, những trò chơi, những cuộc nói chuyện, tâm sự cùng các con…

Lớp học Hy vọng cần có thêm nhiều giáo viên tâm huyết, có thêm nhiều tình nguyện viên nhiệt tình. (Ảnh Thu Hòe)
Lớp học Hy vọng cần có thêm nhiều giáo viên tâm huyết, có thêm nhiều tình nguyện viên nhiệt tình. (Ảnh Thu Hòe)

Từ những buổi học sau, mình sẽ cho các con ở lớp 5N mình đang làm chủ nhiệm lớp đến kèm cặp thêm cho các con và chia sẻ cùng các con. Trẻ con sẽ có cách của mình để xâm nhập vào thế giới của nhau.

Thông qua việc làm này, mình cũng muốn trực tiếp giáo dục nhân cách cho học sinh của mình. Mình muốn để các con biết rằng, xung quanh còn có rất nhiều những số phận bất hạnh, cần được giúp đỡ. Mình muốn học sinh của mình đến với Lớp học Hy vọng để tự học cách yêu thương, học cách chia sẻ cùng người khác, học hỏi tinh thần lạc quan, ý chí, nghị lực sống để vươn lên trước cuộc sống khó khăn…

Mong sao có thêm nhiều giáo viên tâm huyết, có thêm nhiều các bạn sinh viên tình nguyện, các cá nhân, tổ chức xã hội hảo tâm đến với Lớp học Hy vọng…”

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Thu Hòe