Xót xa chàng trai gần 30 tuổi mà chỉ như 12

22/03/2012 06:00
Mạnh Mường
(GDVN) - Căn bệnh tiểu đường đã khiến hình dáng cậu nhỏ thó, gầy guộc hẳn đi so với cái tuổi gần 30. Đớn đau thay khi hai người em của cậu cũng... mắc căn bệnh “ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều” này.
Nhìn thấy chàng trai nhỏ nhắn đứng ngoài song cửa sổ, ánh mắt đăm chiêu hướng vào căn phòng học nhỏ - Lớp học Hy vọng. Chàng trai có thân hình nhỏ thó, gầy guộc, ăn mặc đơn sơ, đầu tóc không được gọn gàng, chân đi dép tổ ong….Bắt chuyện, tôi biết cậu là Đỗ Ngọc Tuy, quê ở Mê Linh, Hà Nội.

3 anh em đều mắc bệnh tiểu đường

Đứng ngoài cửa lớp học, khuôn mặt trầm buồn, Tuy kể rằng đang chờ cậu em trai Đỗ Tấn Phát (7 tuổi) để về tiêm. Nhìn gương mặt của Tuy đúng là một người đã trưởng thành, nhưng khuôn mặt đó dường như bị đặt nhầm người. Ban đầu khi tiếp xúc với mọi người Tuy chỉ nói rằng mình mới 20 tuổi. 
“Sự thực thì em sinh năm 1987 nhưng do ngại ngần với thân hình quá nhỏ so với độ tuổi của mình, em sợ rằng mọi người sẽ không tin nổi nên khi ai hỏi em chỉ nói mình mới 20 tuổi”, cậu ngại ngùng giải thích.
Thấy Tuy khá vội vã vì đã đến giờ cho em trai đi tiêm, tôi không dám làm lỡ giờ của hai anh em cậu, nên chỉ kịp xin số điện thoại cậu và hỏi thêm chút ít về gia đình. 

Đỗ Ngọc Tuy (sinh năm 1987) hàng ngày vẫn dìu em Đỗ Tấn Phát (7 tuổi) xuống lớp Hy vọng để giúp em được đến lớp như các bạn.
Đỗ Ngọc Tuy (sinh năm 1987) hàng ngày vẫn dìu em Đỗ Tấn Phát (7 tuổi) xuống lớp Hy vọng để giúp em được đến lớp như các bạn.

Được biết, bố Tuy là Đỗ Văn Huy và mẹ là bà Nguyễn Thị Hà cư trú thôn Sa Mạc, xã Liên Mạc, Mê Linh, Hà Nội. Họ lấy nhau cách đây gần 30 năm, có 4 người con hai trai, hai gái. Nhưng trớ trêu thay, 3 trong 4 người con của ông bà đều mắc phải chứng bệnh tiểu đường, chỉ có duy nhất người con gái Đỗ Thị Luận (1991) là may mắn thoát được căn bệnh này.
Kể đến đây, Tuy xót xa giọng nói như nghẹn lại kể rằng: Mọi thứ vẫn bình thường cho đến năm Tuy lên 6 tuổi, Tuy ăn uống nhiều, đi vệ sinh nhiều và rất hay khóc, mỗi lần cậu tiểu gia đình để ý thì thấy rất nhiều kiến và ruồi đậu quanh…cũng kể từ đó Tuy trở nên còi cọc dần đi. 
Sau khi đi khám, các bác sỹ cho hay cậu bé mắc bệnh tiểu đường. Bao nhiêu tiền của chắt chiu từ việc ruộng đồng của gia đình dồn chạy chữa thuốc thang cho con trai nhưng cũng bất lực. Những tưởng đấy là cái hạn duy nhất đối với gia đình ông bà nhưng ông trời lại vẫn đùa bỡn với người nghèo. Hai người em của Đỗ Ngọc Tuy cũng cứ trạc Tuy thì mắc căn bệnh tiểu đường này. Đó là Đỗ Thị Luyến (1989) và Đỗ Tấn Phát (2005). Hiện giờ người anh cả Tuy hàng ngày chăm sóc cho người em trai nhỏ của mình ở khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương.

5 sào ruộng trang trải cả 6 miệng ăn?

Cả gia đình có 6 miệng ăn đều trông chờ vào người cha và người mẹ đã ngoại ngũ tuần. Hiện tại, cả gia đình sống nhờ vào nguồn thu từ 5 sào ruộng, do diện tích ở quá chặt hẹp nên không thể chăn nuôi được. 
Hàng tháng ngoài tiền chi tiêu ăn uống cho cả gia đình, còn phải thêm khoản tiền thuốc men cho 3 người con là Đỗ Ngọc Tuy (1987), Đỗ Thị Luyến (1989), Đỗ Tấn Phát (2005). Còn Đỗ Thị Luận(1991) – người con duy nhất không bị bệnh tiểu đường, đã phải nghỉ học, bôn ba kiếm tiền nuôi thân và hỗ trợ gia đình.
Khi được hỏi về nhân thân và bệnh sử của mình cùng 2 người em thì Tuy cho biết: “Ông bà nội ngoài hai gia đình và bố mẹ em hoàn toàn khỏe mạnh, không hiểu tại sao bọn em lại mắc phải căn bệnh này”. 
Tuy còn thật thà cho biết: “Mọi người nhà em ăn uống như nhau, chả ai ăn hơn ai cái gì cả anh ạ, vậy mà ba anh em em lại mắc căn bệnh này”. 

Nghe đến đây, lòng tôi thắt lại. Xót xa cho số phận của chàng trai gần 30 tuổi, khuôn mặt cậu hằn lên sự từng trải, đau đớn của bệnh tật, còn thân hình cậu thì chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. 

Căn bệnh tiểu đường hành hạ dáng hình của Tuy (trái) hơn 20 năm nay. Gần 30 tuổi, khuôn mặt cậu già dặn nhưng thân hình nhỏ thó của cậu người ta cứ nghĩ cậu chỉ như cậu bé 12 tuổi.
Căn bệnh tiểu đường hành hạ dáng hình của Tuy (trái) hơn 20 năm nay. Gần 30 tuổi, khuôn mặt cậu già dặn nhưng thân hình nhỏ thó của cậu người ta cứ nghĩ cậu chỉ như cậu bé 12 tuổi.
Hơn 20 năm sống cùng căn bệnh 3 nhiều (ăn nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều), Tuy đã quá thuộc về nó, cậu thường xuyên tự tiêm cho mình. Cũng nhờ gia đình nằm trong diện hộ nghèo và có bảo hiểm y tế nên khoản thuốc thang, điều trị cũng đỡ đi phần nào.
Thương đứa em không được đến trường như bạn bè, Tuy hàng ngày vẫn dìu em Phát xuống Lớp học Hy vọng đi học cùng các bạn và đều đặn đến giờ tiêm thuốc lại dẫn em đi tiêm. Để tiết kiệm chi phí, hai anh em nằm điều trị nội trú tại khoa Nội tiết của bệnh viện. Nhưng để đáp ứng đủ nhu cầu thuốc thang đảm bảo cho quá trình điều trị thì gia đình thật không biết trông vào đâu.

“Cái bệnh này không biết đeo đẳng ba anh em đến bao giờ nữa. Thuốc thang, rồi tiền ăn trên này đắt quá anh ạ!”, Tuy nói rồi nhẹ nhàng quay đi lấy tay gạt nước mắt.
Đỗ Ngọc Tuy nghẹn ngào, khó nói: “Em cũng đã mắc bệnh lâu thành ra quen rồi và không thấy sợ nữa, nhưng em của em chưa biết gì, rồi đây không biết như thế nào, bố mẹ em ở nhà làm và gửi tiền lên cho hai anh em, chứ cũng không thể bỏ công việc ra lên đây được”. 
Cay đắng cho số phận của cậu, tôi chọc vui “cậu đã có vợ chưa?” và nếu “chưa thì yêu đi thôi?” để xoa dịu đi nỗi đau trong lòng cậu. Bởi tôi hiểu rằng, khi mắc phải căn bệnh này người bệnh phải uống thuốc suốt đời, nhưng gia đình nghèo này lấy gì để mua trang trải thuốc thang cho cả 3 người con? Hai vợ chồng ngoại ngũ tuần này có thể lo cho con cái mình đến bao giờ?

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip


Theo sự thống nhất giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, toàn bộ nguồn ủng hộ cho Lớp học Hy vọng sẽ do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam quản lý và chỉ dùng phục vụ cho Lớp học như: trang bị sách, vở, đồ dùng học tập; các thiết bị trong lớp học; các hạng mục phục vụ lớp học; chi phí bồi dưỡng tình nguyện viên; chi phí hỗ trợ trực tiếp cho các hoàn cảnh khó khăn của lớp học.

Mọi sự ủng hộ Lớp học Hy vọng xin gửi về:

- Quỹ Tấm lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Mạnh Mường