Hiện nay, nhu cầu chăm sóc các loài vật nuôi ngày càng tăng cao đã tạo nhiều điều kiện cho ngành Thú y phát triển.
Nhu cầu nhân lực lớn với đa dạng vị trí việc làm
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Dũng – Trưởng khoa Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế cho biết: Trong bối cảnh phát triển của ngành Chăn nuôi Việt Nam hiện nay và dự báo xu hướng phát triển sắp tới, nhu cầu nhân lực Thú y sẽ còn gia tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế, số lượng bác sĩ thú y tốt nghiệp hàng năm lại chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
“Mỗi năm, các đơn vị doanh nghiệp là đối tác của Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế tuyển dụng hơn 2000 nhân sự ngành Thú y. Trong khi đó nhà trường lại chỉ đào tạo gần 200 sinh viên đối với ngành này. Đây là con số cho thấy sự chênh lệch lớn giữa nguồn cung - cầu”, thầy Dũng thông tin.

Tính đến nay, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế đã có 31 năm đào tạo ngành Thú y. Thời gian nhà trường đào tạo ra một bác sĩ Thú y kéo dài trong 5 năm, trang bị cho người học các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành, bổ trợ và thực tập nghề nghiệp.
Thầy Dũng cho hay, nhà trường triển khai đào tạo ngành Thú y trên 4 địa bàn bao gồm giảng đường, phòng thí nghiệm, trại thực hành của trường và tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.
“Với khối kiến thức và phương thức đào tạo đa dạng như vậy, nhà trường đảm bảo sinh viên tốt nghiệp sẽ có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ để đảm nhận các vị trí công việc đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Cụ thể sau khi tốt nghiệp, các bác sĩ Thú y có thể làm việc tại doanh nghiệp với các vị trí như cán bộ kỹ thuật, nhân viên thương mại, nhân viên chăm sóc điều trị bệnh ở thú nuôi. Ngoài ra, người học cũng có thể làm việc tại một số cơ quan nhà nước hay chủ động mở cửa hàng, phòng khám riêng để khởi nghiệp”, thầy Dũng chia sẻ.
Cùng bàn về nội dung này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Thông – Trưởng khoa Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các bác sĩ Thú y có vai trò góp phần bảo vệ sức khỏe, phúc lợi của vật nuôi bao gồm cả thú cưng, thú nông nghiệp và thú hoang dã. Mặt khác cũng góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ động vật sang con người.
Trên cơ sở đó, ngành Thú y sẽ trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng từ cơ bản đến chuyên ngành về sức khỏe của vật nuôi. Đào tạo các quy trình chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng, hướng dẫn người học sử dụng một số dược phẩm, vaccin phòng trị bệnh cho vật nuôi cũng như trang bị hiểu biết về luật thú y, kiến thức về quản trị, marketing, khởi nghiệp…
Thầy Thông cho biết, tính đến nay, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã có 70 năm thành lập và phát triển ngành Thú y. Theo đó, nhà trường là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam có chương trình đào tạo ngành Thú y đạt kiểm định theo chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA). Bên cạnh đó, đơn vị còn kết hợp cùng Đại học Queensland (Úc) đào tạo chương trình tiên tiến ngành Thú y, tích cực mời các giáo sư thỉnh giảng từ các trường đại học danh tiếng của Úc, Pháp, Bỉ, Canada, Mỹ, Thái Lan….cùng nhà trường đào tạo ngành học.
Với định hướng hội nhập quốc tế, nhà trường chủ trương gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và thị trường lao động, hướng đến mục tiêu giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ nắm vững lý thuyết và thạo tay nghề, cũng như có tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp.
Theo đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Thú y tại Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội trở thành bác sĩ Thú y điều trị tại các bệnh viện, phòng khám, trung tâm cứu hộ, hoặc làm bác sĩ Thú y phụ trách kỹ thuật tại các trang trại chăn nuôi, công ty sản xuất thú y, thức ăn gia súc.
Đồng thời người học cũng có thể tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Phụ trách quản lý bệnh viện, trang trại, công ty hay làm việc tại các cơ quan thú y Nhà nước như Chi cục Chăn nuôi Thú y, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường trong việc phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ - vận chuyển gia súc gia cầm, kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm…

Thời cơ và thách thức trong công tác đào tạo ngành Thú y hiện nay
Ghi nhận từ thị trường, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Thông cho biết trong một vài năm trở lại đây, lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam đang có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ khi số lượng chó mèo, vật nuôi ngày một gia tăng. Điều này cũng tạo thời cơ cho công tác đào tạo Thú y có nhiều cơ hội phát triển.
Tại Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Thú y là một trong những ngành học tiềm năng của đơn vị. Theo thống kê, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong 3 tháng sau khi tốt nghiệp của ngành Thú y luôn đạt trên 95%, chất lượng sinh viên tốt nghiệp cũng được thị trường lao động đánh giá rất cao.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, thầy Thông cũng chỉ ra một số thách thức của ngành Thú y trong bối cảnh xã hội hiện tại. Đầu tiên là tình trạng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là những bệnh truyền lây từ động vật sang người, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa được kiểm soát tốt.
Thứ hai, trong công tác đào tạo ngành Thú y, thời gian đào tạo của Việt Nam ngắn hơn so với thông lệ chung của Thế giới. Ở Việt Nam đào tạo ngành Thú y trong 5 năm, trong khi đó hầu hết các quốc gia trên thế giới đào tạo ngành học này từ 6-8 năm. Việc chênh lệch thời gian đào tạo khiến khối lượng kiến thức và kỹ năng trang bị cho người học chưa thật sự đầy đủ. Chưa kể, hệ thống đào tạo ngành Thú y tại nước ta chưa có đào tạo bác sĩ chuyên khoa và đa số các bác sĩ Thú y chưa có năng lực ngoại ngữ tốt nên chưa thể đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trước tình hình đó, để phát triển toàn diện kỹ năng cho người học cũng như mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp, Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực tổ chức các hoạt động hướng tới hội nhập, giao lưu quốc tế. Nhà trường đã cập nhật, thay đổi chương trình đào tạo theo chuẩn của Đông Nam Á và chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới.
Ngoài các môn học chính khóa, Khoa thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm dành cho sinh viên với các diễn giả là các CEO chuyên gia nổi tiếng trong và ngoài nước. Đồng thời cũng tổ chức các chương trình giao lưu với doanh nghiệp, tổ chức chương trình thực tập sinh nhằm gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và thị trường lao động. Bên cạnh đó là Ngày hội nghề nghiệp và Hội chợ việc làm để giúp sinh viên có nhiều cơ hội lựa chọn những việc làm phù hợp.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà trường còn tập trung đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi thú y. Cho đến nay, đơn vị đã xây dựng được trang trại thực tập, bệnh viện thú y, các xưởng thực hành sản xuất thuốc thú y, xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như các trung tâm nghiên cứu y sinh, trung tâm nghiên cứu công nghệ thú ý và 23 phòng thực hành thực tập.
Ngoài việc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, Khoa còn nhận được sự hỗ trợ và hợp tác từ các doanh nghiệp, dự án quốc tế và tài trợ từ cựu sinh viên giúp nhà trường trang bị các thiết bị chất lượng, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Hằng năm, với sự tài trợ từ các doanh nghiệp và cựu sinh viên, Khoa đã trao khoảng hơn 100 suất học bổng dành cho sinh viên xuất sắc, có hoàn cảnh khó khăn, tích cực trong hoạt động vì cộng đồng. Ngoài ra là các suất học bổng ngắn hạn, thực tập tại các trường Thú y, bệnh viện thú y ở nước ngoài nhằm giúp người học có điều kiện giao lưu quốc tế.
Vào mỗi dịp hè, Khoa còn tiếp nhận nhiều sinh viên ngành Thú y từ các quốc gia như Mỹ, Pháp, Bỉ, Úc, Indonesia, Thái Lan… đến thực tập hè tại Khoa, tạo cơ hội cho sinh viên trong trường có cơ hội giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế.

Trong khi đó, tại Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế, đơn vị rất chú trọng đến đào tạo tay nghề thông qua các bài thực hành, thực tập. Theo chia sẻ của Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Dũng, trong chương trình đào tạo ngành Thú y, ngoài những học phần thực hành theo từng môn học, nhà trường còn xây dựng các học phần thực tập nghề nghiệp riêng.
Cụ thể, với học phần tiếp cận nghề, sinh viên sẽ được học ngay từ năm nhất thông qua các buổi định hướng nghề nghiệp, tham quan, học tập tại các cơ quan quản lý nhà nước về Chăn nuôi Thú y. Các hoạt động này sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về nghề nghiệp, từ đó có định hướng học tập tốt hơn.
Với học phần thao tác nghề được thực hiện tại các phòng thí nghiệm, trung tâm thực hành và đào tạo nghề, trạm xá Thú y của Khoa. Học phần thực tế nghề được thực hiện tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thú y. Còn học phần thực tập tốt nghiệp thực hiện nhiều địa bàn phụ thuộc vào chủ đề nghiên cứu của sinh viên. Các địa bàn chủ yếu là các trang trại chăn nuôi của các doanh nghiệp, các phòng khám/bệnh viện thú cưng, hoặc thực hiện theo đề tài/dự án nghiên cứu của thầy cô.
Bên cạnh đó, Khoa còn thành lập các câu lạc bộ nghề nghiệp như câu lạc bộ thú cưng và các câu lạc bộ chuyên ngành khác để rèn luyện tay nghề và kỹ năng cho người học. Đồng thời, tích cực kết nối doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.
“Trên thực tế, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đối với ngành Thú y luôn đạt 100% và chất lượng nguồn nhân lực luôn được doanh nghiệp, thị trường lao động đánh giá cao. Đây là kết quả và minh chứng rõ ràng nhất cho chất lượng đào tạo ngành Thú y của trường”, thầy Dũng bày tỏ.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, cơ hội việc làm của ngành Thú y được đánh giá với nhiều điều kiện thuận lợi. Song, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Dũng, thực tế vẫn còn tồn tại một số bất cập gây ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh ngành Thú y.
Đầu tiên là công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông còn chưa hiệu quả khiến phụ huynh và học sinh chưa hiểu được hết vai trò, cơ hội nghề nghiệp của khối ngành này. Thực tế, còn nhiều phụ huynh và học sinh giữ quan điểm theo học ngành nông nghiệp sẽ vất vả và không có tương lai.
Thứ hai là do sự xuất hiện của nhiều ngành học hot theo xu thế khiến giới trẻ có tâm lý chạy đua theo các ngành nghề hot mà bỏ qua yếu tố cơ hội việc làm và thu nhập sau tốt nghiệp.
Ở Việt Nam, ngành nông nghiệp được xác định là một lĩnh vực có ý nghĩa vô cùng quan trọng, song thực tế lại chưa có nhiều chính sách lớn đối với các trường đào tạo lĩnh vực này để các đơn vị có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo cũng như có cơ sở hỗ trợ học phí, tạo học bổng thu hút các thí sinh giỏi đến học.
“Hiện nay và cả trong tương lai, ngành nông nghiệp có xu hướng phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phúc lợi động vật nên việc kiểm soát dịch bệnh trên động vật cũng cần phải có sự thích ứng phù hợp. Điều này đòi hỏi ngành Thú y phải có những hướng nghiên cứu mới, những giải pháp mới, có sự hợp tác giữa nhiều quốc gia, cũng như hợp tác liên ngành, xuyên ngành.
Xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng cũng đòi hỏi người dạy và người học đều phải vận động để bắt kịp với xu thế của thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ số, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong ngành chăn nuôi làm thay đổi nhu cầu lao động từ số lượng sang chất lượng cao. Đó vừa là cơ hội vừa là thách thức”, thầy Dũng nêu quan điểm.

Anh Nguyễn Hữu Tú - cựu sinh viên Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế (hiện đang là nhân viên kinh doanh chuyên về thuốc thú y và vaccine cho một doanh nghiệp nước ngoài) chia sẻ: “Hàng năm, nhà trường tổ chức rất nhiều hoạt động có giá trị với sinh viên ngành Thú y, tích cực kết nối các lãnh đạo doanh nghiệp, cựu sinh viên thành đạt chia sẻ về định hướng phát triển của ngành. Qua đó, giúp người học hiểu rõ hơn về lợi thế, thách thức mà của ngành học mình đang theo đuổi. Đồng thời cũng giúp các bạn có định hình và không bị bỡ ngỡ với công việc ngay sau khi tốt nghiệp”.
Sau một thời gian làm việc thực tế và đánh giá yêu cầu từ thị trường lao động, anh Tú cho biết yêu cầu công việc của ngành Thú y sẽ ngày càng đòi hỏi cao lên. Trong khi đó, khối lượng kiến thức, kỹ năng được đào tạo ở trường đại học chỉ áp dụng được khoảng 70% công việc thực tế.
Do đó, anh Tú cho rằng người học cần có sự chủ động và linh hoạt trong việc tìm kiếm, cập nhật kiến thức chuyên ngành. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đến Việt Nam đầu tư. Vậy nên, nếu muốn gia tăng cơ hội việc làm, sinh viên ngành Thú y cần phải bồi dưỡng, nâng cao năng lực ngoại ngữ, kỹ năng tin học công nghệ để có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu cho những đơn vị đó.