Hình minh họa. |
Thời báo New York ngày 14/9 đưa tin, Malaysia đã chủ động yêu cầu Mỹ điều động máy bay trinh sát bay qua phía Đông quốc gia này, tức phía Nam Biển Đông. Động thái được giới phân tích cho rằng có khả năng làm gia tăng sự bất mãn của Bắc Kinh đối với hành động giám sát các đảo ở Trường Sa và tuyến hàng hải chiến lược trên Biển Đông của quân đội Mỹ.
Tuần trước Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Adm. Jonathan W. Greenert khi tham gia một diễn đàn tại Washington đã cho biết, Malaysia đề xuất cho phép máy bay trinh sát P-8 hải quân Mỹ bay qua đại bộ phận miền Đông nước này giúp Mỹ tiếp cận hơn nữa khu vực Biển Đông.
Malaysia vốn có quan hệ khá mật thiết với Trung Quốc hiện vẫn chưa xác nhận hay bác bỏ thông tin này. Đứng trước một Trung Quốc đang "trỗi dậy", Mỹ cam kết duy trì sức ảnh hưởng, hòa bình và trật tự khu vực. Trong năm nay Mỹ đã ký hiệp định quân sự mở rộng với Philippines càng làm tăng khả năng lực lượng quân sự, chiến hạm và máy bay Mỹ có cơ hội sử dụng các căn cứ tại Malaysia.
Trước phát biểu của tướng Adm. Jonathan W. Greenert một ngày, khi tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan E. Rice ở thăm Bắc Kinh, Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã "cảnh cáo" Mỹ rằng, chính quyền Obama nên ngừng ngay các hoạt động trinh sát gần, sử dụng máy bay P-8 bay qua Biển Đông để trinh sát theo dõi Trung Quốc.
Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc không chỉ theo đuổi chủ trương cứng rắn (hung hăng) trên Biển Đông mà còn gây dựng một lực lượng tàu ngầm hùng hậu và hiện đại, thách thức ngày càng nhiều các hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Lầu Năm Góc cho biết, tháng trước 1 chiếc P-8 của hải quân Mỹ đã bị chiến đấu cơ Trung Quốc ngăn chặn ở khoảng cách nguy hiểm khi đang bay trên không phận quốc tế ở Biển Đông ngoài khơi đảo Hải Nam với khoảng cách chỉ khoảng 10 mét. Đây là 1 trong 6 chiếc P-8 Mỹ đặt tại căn cứ không quân Kadena, Nhật Bản từ cuối năm ngoái.
Một quan chức ngoại giao giấu tên nói rằng, vừa qua Malaysia và Mỹ vẫn tiếp tục thảo luận về khả năng Malaysia cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự tại Sabah, Đông Bắc nước này.
Không giống như Việt Nam và Philippines, mặc dù cũng có tranh chấp với Trung Quốc (bị Trung Quốc nhảy vào tranh chấp) ở Biển Đông nhưng Kuala Lumpur duy trì quan hệ khá thân thiện với Bắc Kinh. Trung Quốc đã kéo hạm đội Nam Hải xuống tận bãi cạn James, chỉ cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km để "tuyên bố chủ quyền" mà không vấp phải phản ứng nào từ Malaysia.
Ngược lại, tập đoàn năng lượng nhà nước Malaysia, Petronas đã triển khai thăm dò khai thác các lô dầu khí ở Biển Đông bên trong đường lưỡi bò (bất hợp pháp) của Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông nhưng không vấp phải sự cản trở, quấy rối nào từ Bắc Kinh như các bên khác.
Đằng sau quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước, có thể Malaysia đã bắt đầu cảm thấy việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và cần thiết phải tìm kiếm một sự cân bằng thông qua tiếp cận với Hoa Kỳ, nhà ngoại giao giấu tên cho biết.
Trung Quốc sẽ xem thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Malaysia như một thách thức trực tiếp để nhấn mạnh rằng các chuyến bay do thám của Mỹ là hành vi "xâm phạm chủ quyền" Trung Quốc?! Ngô Tân Ba từ đại chọ Phúc Đán bình luận.