Tàu khu trục tên lửa Type 052C Hải quân Trung Quốc do máy bay tuần tra P-8A Mỹ quay chụp |
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 27 tháng 3 đưa tin, gần đây, trang mạng Vimeo Mỹ đã đăng một đoạn video về phi đội máy bay tuần tra VP5 của Quân đội Mỹ trong cuộc diễn tập quân sự liên hợp Mỹ-Nhật năm 2014, trong đó đã xuất hiện hình ảnh máy bay tuần tra P-8A Quân đội Mỹ quay chụp tàu khu trục tên lửa Type 052C của Hải quân Trung Quốc ở cự ly gần.
Nội dung máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Quân đội Mỹ trong đoạn video này đã đặc biệt gây chú ý cho dư luận, trong đoạn video không chỉ có hình ảnh máy bay tuần tra săn ngầm P-8A bay tuần tra, hơn nữa cũng đã xuất hiện hình ảnh tàu khu trục Aegis Type 052C Trung Quốc và tàu ngầm lạ.
Hiện nay, ít nhất có hai máy bay tuần tra săn ngầm P-8A của phi đội tuần tra VP-5 luân phiên triển khai ở Kadena, Okinawa, sức chiến đấu tổng thể của P-8A tương đương gấp 5 lần máy bay tuần tra P-3C. Ngoài ngư lôi, bom săn ngầm, thuỷ lôi, nó còn có thể lắp tên lửa chống hạm và có năng lực thu thập tình báo phạm vi lớn.
Hải quân Mỹ hy vọng kết hợp máy bay P-8A với máy bay không người lái cỡ lớn RQ-4N Triton (bay cao và trong thời gian dài), mở rộng rất lớn không gian tuần tra và trinh sát, tiến hành giám sát liên tục đối với các vùng biển tình nghi; RQ-4N phụ trách thông qua liên kết dữ liệu để truyền thông tin liên quan mục tiêu tiềm tàng dò tìm được tới máy bay P-8A, hỗ trợ cho nó theo dõi và tấn công mục tiêu.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ cất cánh ở Australia vào tháng 4 năm 2014 (nguồn Thời báo Hoàn Cầu TQ) |
Mùa hè năm 2014, sự kiện đối đầu trên không ở vùng trời Biển Đông được tiết lộ trên truyền thông quốc tế, được giải thích là biểu hiện tranh đoạt lẫn nhau giữa Trung-Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Khi đó, một chiếc máy bay tuần tra trên biển P-8A Poseidon Mỹ xuất phát từ Okinawa, bay tới Biển Đông tiến hành trinh sát. Đây cũng là một phần của hoạt động thu thập tình báo "thường lệ" của Quân đội Mỹ.
Điều bất ngờ là, khi máy bay P-8A bay tới khu vực cách đảo Hải Nam, Trung Quốc 220 km về phía đông, đã bị máy bay chiến đấu J-11B của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc đánh chặn cự ly gần.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Dương Vũ Quân cho rằng, quan điểm "máy bay quân sự Trung Quốc đánh chặn" là không có cơ sở, Quân đội Mỹ đến gần Trung Quốc tiến hành trinh sát với tần suất cao mới là căn nguyên gây ra sự kiện bất ngờ trên biển, trên không.
Cũng liên quan đến vấn đề này, gần đây, các trang mạng và dư luận Trung Quốc đã để tâm nhiều tới việc Mỹ triển khai máy bay tuần tra P-8A tiên tiến ở Biển Đông.
Theo báo chí Trung Quốc vào đầu tháng 3, Quân đội Mỹ ngày 25 tháng 2 ra thông cáo báo chí cho hay, trong thời gian từ ngày 1 đến ngày 21 tháng 2 năm 2015, phi đội The Pelicans lực lượng hàng không Hải quân Mỹ đã lái máy bay tuần tra săn ngầm P-8A thực hiện nhiệm vụ tuần tra trinh sát ở bầu trời trên biển ngoài đảo Luzon, Philippines. Trong thời gian đó, lực lượng hàng không Quân đội Mỹ và hải, không quân Philippines đã cùng trinh sát trên không ở Biển Đông.
Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc do Quân đội Mỹ chụp được (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ) |
Theo tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc, ngay từ năm 2012, Quân đội Mỹ đã triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-3C ở Philippines, từ năm 2013 trở đi, Mỹ đổi sang sử dụng máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến hơn, tốc độ cao hơn P-8A. Trong năm 2014, máy bay tuần tra săn ngầm P-8A đã xuất hiện trong nhiều sự kiện Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông như ở vùng biển bãi Cỏ Mây hay trong thời gian Trung Quốc dùng giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 gây sóng gió với Việt Nam – PV.
Tuyên bố của phía Mỹ cho biết, Hải quân Mỹ triển khai máy bay tuần tra P-8A cho Hạm đội 7 đã thể hiện Hải quân Mỹ tập trung cho thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, bao gồm ưu tiên cung cấp và nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị tiên tiến cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc như học giả hay dùng võ mồm và “chửi đổng” – thiếu tướng La Viện đã gọi Mỹ là “giặc cướp”, cho rằng, Mỹ triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8A ở Philippines, đã từ “hành vi trộm cắp” biến thành “hành vi ăn cướp trắng trợn”.
Theo chuyên gia Trung Quốc, Mỹ triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8A ở Biển Đông chủ yếu là để do thám các động thái tàu ngầm hạt nhân – nhất là tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc bố trí ở căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam – căn cứ này đang được Hải quân Trung Quốc xây dựng trọng điểm.
Nhưng, theo báo Trung Quốc, chỉ dựa vào máy bay P-8A thì không thể tìm kiếm, theo dõi có hiệu quả tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Trong giai đoạn hiện nay, Mỹ can thiệp Biển Đông, trước hết là tăng cường mức độ giám sát Biển Đông, nắm tình hình hàng ngày hàng giờ xảy ra trên Biển Đông, đồng thời cung cấp tin tức về Biển Đông theo thời gian thực cho Philippines.
Tàu khu trục tên lửa Lan Châu số hiệu 170, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Gần đây, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Robert Thomas còn có một số tuyên bố hiếm thấy về Biển Đông. Robert Thomas kêu gọi Nhật Bản mở rộng khu vực tuần tra của không quân tới Biển Đông; báo Trung Quốc bình luận cho rằng, trạng thái “Mỹ-Nhật cùng ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông đã hình thành”.
Ngoài ra, Robert Thomas cũng kêu gọi ASEAN thành lập lực lượng liên hợp trên biển để tuần tra Biển Đông, ngăn chặn Trung Quốc bành trướng “đường lưỡi bò”. Các nhà lãnh đạo ASEAN như Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã coi yêu sách này là không có căn cứ pháp lý, tức là một loại yêu sách bất hợp pháp. Như vậy, dư luận quốc tế đang đòi hỏi Trung Quốc phải biết mình là ai trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế – PV.