Máy móc, cứng nhắc ấn định số tiết dự giờ, nhiều giáo viên phải tìm cách đối phó

06/01/2023 06:41
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kể từ ngày 01/11/2020, văn bản hiện hành chỉ yêu cầu giáo viên chủ nhiệm dự giờ lớp của mình, những giáo viên khác không bắt buộc dự giờ.

Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thì tổ chuyên môn, hồ sơ quy định gồm: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học); sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

Hồ sơ quy định với giáo viên gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh; sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Với hướng dẫn của Bộ như vậy, giáo viên bộ môn có 3 loại sổ sách; giáo viên chủ nhiệm 4 loại và tổ trưởng chuyên môn 6 loại và Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT không hề quy định giáo viên Trung học cơ sở và Trung học phổ thông phải có sổ dự giờ, cũng không quy định số tiết dự giờ.

Tuy nhiên, trong thực tế giảng dạy, việc dự giờ đồng nghiệp cũng là một cách để học hỏi về phương pháp, cách tổ chức tiết dạy nhằm nâng cao tay nghề cho mỗi giáo viên đứng lớp nhưng những tiết dự giờ phải chất lượng và phải phù hợp với thực tế môn học của người dự.

Vì thế, một số Ban giám hiệu nhà trường cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đã quá cứng nhắc ấn định giáo viên phải dạy bao nhiêu tiết cho đồng nghiệp dự và phải dự giờ đồng nghiệp bao nhiêu tiết/ học kỳ là áp đặt, không còn phù hợp với thực tế hiện nay.

Ảnh minh họa: moet.gov.vn

Ảnh minh họa: moet.gov.vn

Việc dự giờ hiện nay không bắt buộc đối với giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông

Nếu như trước đây, hoạt động dự giờ là yêu cầu bắt buộc của giáo viên- được quy định tại điểm a khoản 2, Điều 7, Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT như sau: “Mỗi năm học, nhà trường thực hiện hiệu quả các hoạt động dự giờ, hội giảng, thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi các cấp.

Lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) đảm bảo dự ít nhất 01 tiết dạy/giáo viên; tổ trưởng, tổ phó đảm bảo dự giờ giáo viên trong tổ chuyên môn ít nhất 04 tiết dạy/giáo viên; mỗi giáo viên thực hiện ít nhất 02 bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, 04 tiết dạy của hội giảng hoặc thao giảng do nhà trường tổ chức và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà trường”.

Tuy nhiên, hiện nay Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT đã hết hiệu lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT và trong hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đã không còn quy định: “Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp” như các văn bản trước đây.

Vì thế, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã không còn câu chữ nào đề cập đến số tiết dự giờ của giáo viên bộ môn, hoặc dạy cho đồng nghiệp dự giờ ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nữa.

Tuy nhiên, ở khoản 2, Điều 29, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm còn có quyền: “Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm”.

Như vậy, kể từ ngày 01/11/2020 đến nay, văn bản hiện hành chỉ còn quy định giáo viên chủ nhiệm được dự giờ lớp của mình. Những giáo viên còn lại không còn bắt buộc phải dự giờ như trước đây.

Việc dự giờ hiện nay chỉ có giáo viên cấp tiểu học còn sử dụng sổ dự giờ theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 21- Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT.

Trong đó, hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục của giáo viên tiểu học bao gồm: “ Kế hoạch bài dạy; Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm); Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

Như vậy, theo hướng dẫn hiện nay, việc dự giờ của giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện nay là không bắt buộc.

Nhiều trường học vẫn đang áp dụng các văn bản cũ và cứng nhắc số tiết dự giờ của giáo viên trong trường

Mặc dù văn bản hiện hành không bắt buộc giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông phải dự giờ đồng nghiệp nhưng gần như các trường học đều ấn định giáo viên phải dự giờ theo quy định của nhà trường với rất nhiều lý do được đưa ra.

Theo đó, có trường quy định mỗi năm giáo viên phải dự 8 tiết; có trường 10 tiết; có trường 12 tiết, thậm chí có trường yêu cầu giáo viên dự giờ 18 tiết/ năm và yêu cầu phải đánh giá, xếp loại lẫn nhau- kể cả giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành ở năm học vừa qua.

Vẫn biết, việc dự giờ của giáo viên là cần thiết - dù không bắt buộc bởi giáo viên dự giờ sẽ học hỏi lẫn nhau nhưng có lẽ Ban giám hiệu nhà trường không nên cứng nhắc, máy móc vì nó sẽ tạo áp lực cho rất nhiều giáo viên, nhiều thầy cô phải ghi khống một số tiết dự giờ để đối phó.

Bởi lẽ, đối với các môn học như Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… có nhiều giáo viên thì việc dự giờ không khó vì họ có thể dự luân phiên các giáo viên trong tổ theo lịch dự giờ của tổ chuyên môn.

Nhưng, những môn ít tiết như Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục công dân mỗi tuần có 1 tiết nên cho dù trường loại I thì mỗi môn cũng chỉ có 2 giáo viên; trường loại II, loại III chỉ có 1 giáo viên/ môn. Vậy, họ dự giờ của ai?

Những trường loại I, 2 người dự giờ lẫn nhau nhưng trường có 1 giáo viên/ môn thì đó là điều cực khó để đủ số tiết dự theo quy định. Họ đi dự giáo viên môn khác thực ra cũng chỉ là hình thức vì suy cho cùng họ đâu nắm được chuyên môn của môn học khác mà chắc gì xin giáo viên tổ khác mà họ cho dự.

Để trả lời thắc mắc, nêu ý kiến của một số giáo viên môn ít tiết, một số thầy cô trong Ban giám hiệu nhà trường đưa ra yêu cầu là dự giờ môn khác để học hỏi phương pháp. Nhưng, mấu chốt là giáo viên nào cho họ dự giờ - khi người dự giờ không phải Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn hoặc thành viên trong tổ chuyên môn của mình.

Có Ban giám hiệu nhà trường gợi ý giáo viên các môn ít tiết đi dự giờ giáo viên cùng môn ở trường khác để học hỏi kinh nghiệm nhưng trong trường xin dự giờ đã khó nói gì đến trường khác. Bởi, ngoài việc xin giáo viên dạy lớp, người dự còn phải xin Ban giám hiệu trường đó mới có thể bước chân vào trường, lớp để dự giờ chứ.

Cũng chính vì thế, một số giáo viên dạy môn ít tiết phải “thông đồng” với giáo viên trường khác là viết sẵn phiếu dự giờ (theo giáo án của mình) rồi hẹn nhau ở quán cà phê hay khi họp hội đồng bộ môn, tập huấn chuyên môn thì ký khống cho nhau nhằm cho đủ số tiết quy định và đối phó với Ban giám hiệu.

Sự việc này không chỉ bây giờ mà đã tồn tại nhiều năm ở các trường phổ thông. Suy cho cùng, đây không phải là lỗi giáo viên mà đó là sự cứng nhắc, áp đặt của một số Ban giám hiệu nhà trường.

Không nên cứng nhắc về số tiết dự giờ của giáo viên

Bản thân người viết bài này cũng là một giáo viên phổ thông, chúng tôi không hề phản bác việc quy định số tiết dự giờ của giáo viên - cho dù là Bộ không quy định. Bởi, việc dự giờ sẽ giúp cho bản thân mỗi nhà giáo tích lũy thêm kinh nghiệm giảng dạy cho riêng mình.

Tuy nhiên, phải được dự với những giáo viên có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn. Nếu phải dự giờ một giáo viên yếu chuyên môn cho đủ số tiết quy định thực ra cảm thấy tiếc thời gian vô cùng vì ngồi cả tiết, thậm chí phải bố trí một buổi đi dự giờ mà chẳng học hỏi được điều gì bổ ích.

Vì thế, chúng tôi cho rằng để nâng cao hiệu quả tiết dự giờ, Ban giám hiệu nhà trường cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất: không ấn định số tiết dự giờ cho giáo viên trong năm học vì làm như vậy là trái chỉ đạo của Bộ. Tuy nhiên, bắt buộc giáo viên tham dự các tiết thao giảng chuyên đề của tổ chuyên môn vì đó là giáo viên trong tổ thực hiện, đúng với chuyên môn của mình.

Tham dự những tiết thao giảng chuyên đề của hội đồng bộ môn, nhà trường (nếu được yêu cầu) nhằm học hỏi trau dồi chuyên môn, phương pháp vì đây là những tiết được đầu tư khá kĩ lưỡng.

Thứ hai: khuyến khích giáo viên dự giờ lẫn nhau, nhất là những giáo viên trẻ, những giáo viên còn hạn chế về phương pháp, chuyên môn để họ nâng cao tay nghề.

Thứ ba: đối với những giáo viên dạy các môn ít tiết, khuyến khích dự giờ lẫn nhau để hỗ trợ nhau cùng tiến bộ.

Những môn học chỉ có 1 giáo viên/ trường thì bắt buộc tham dự các tiết thao giảng chuyên đề hội đồng bộ môn theo cụm, huyện, tỉnh (nếu được cấp trên yêu cầu). Đồng thời, khuyến khích giáo viên học hỏi các tiết dạy trên mạng Internet để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Thứ tư: việc dự giờ của giáo viên (không kiêm nhiệm chức vụ) không phải đánh giá, xếp loại tiết dạy mà chỉ dừng lại ở tiết dự rút kinh nghiệm nhằm không tạo áp lực cho người dạy và người dự.

Việc đánh giá tiết dạy để xếp tay nghề, đánh giá chuyên môn nên quy định hẳn cho các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn vì cuối năm các minh chứng khi xét chuẩn nghề nghiệp chỉ cần 1 phiếu dự giờ mà thôi.

Suy cho cùng, việc dự giờ đồng nghiệp là để học hỏi kinh nghiệm nhưng lại bắt người dự xếp loại (cũng chẳng để làm gì) tạo ra rất nhiều áp lực không cần thiết.

Việc dự giờ, hoặc dạy cho giáo viên khác dự bây giờ đã không còn là yêu cầu bắt buộc với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông thì mọi áp đặt đều khiên cưỡng và khó tạo hiệu quả, nhất là đối với những môn học mang tính đặc thù như Âm nhạc, Mĩ thuật.

(*) Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

THANH AN