Giáo viên bậc phổ thông có phải dự giờ, dạy thao giảng?
Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo đó, hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục nêu tại Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã không còn đề cập đến “sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp” mà chỉ còn: 1) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học). 2) Kế hoạch bài dạy (giáo án); 3) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; 4) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Như vậy, theo quy định này thì từ 01/11/2020, giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông không cần phải có sổ ghi chép dự giờ, thăm lớp.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 29 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT nêu rõ, giáo viên chủ nhiệm còn có quyền được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm. Hay nói cách khác, với các giờ học của học sinh do mình làm chủ nhiệm thì giáo viên chủ nhiệm được dự giờ của giáo viên bộ môn - còn các giáo viên khác thì không.
Như thế, Bộ Giáo dục không quy định sổ dự giờ, nhưng theo tìm hiểu của tôi, thực tế giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông ở nhiều địa phương vẫn sử dụng phiếu đánh giá giờ dạy. Giáo viên dạy thao giảng và dự giờ đồng nghiệp để đánh giá, xếp loại cuối học kì, cuối năm. Ngoài ra, một số trường ở Thành phố Hồ Chí Minh quy định tiêu chuẩn xét thi đua, vẫn có 1 điểm dành cho thao giảng.
Cá nhân người viết cho rằng, Điều 21, khoản 2 Điều 29 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định việc dự giờ chưa cụ thể, rõ ràng khiến mỗi trường áp dụng một kiểu.
Thư mời dự giờ thao giảng online của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh minh họa do tác giả cung cấp) |
Dự giờ thao giảng, mỗi trường làm một kiểu
Trao đổi với một số đồng nghiệp dạy bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được biết, nhiều trường yêu cầu giáo viên phải dạy thao giảng ít nhất 1 lần/học kì và dự giờ đồng nghiệp ít nhất 2 lần/học kì. Có trường chỉ yêu cầu giáo viên dự giờ nhưng không đánh giá tiết dạy của đồng nghiệp mà đánh giá thông qua hoạt động học của học sinh.
Thực tế, có giáo viên phải dạy nhiều tiết thao giảng/năm cho lãnh đạo (hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn) và đồng nghiệp dự giờ. Đó là, giáo viên dạy thao giảng cấp tổ, cấp trường, cấp quận… Chưa kể, những tiết dự giờ đột xuất của hiệu trưởng nhà trường, rồi lãnh đạo Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục thanh tra chuyên môn.
Nhưng có lẽ điều đáng sợ nhất là lãnh đạo trường học tự ra kế hoạch thao giảng, hội giảng mà không căn cứ vào quy định nào khiến giáo viên ngập đầu trong công việc.
Cô giáo một trường trung học cơ sở (xin không nêu tên và đơn vị công tác) ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với tôi về kế hoạch tổ chức dạy chuyên đề, thao giảng, hội giảng trực tuyến năm học 2021-2022 mà thấy “choáng”.
Theo đó, từ tháng 10/2021 đến tháng 4/2022, trường này lên kế hoạch với 22 nội dung thao giảng, hội giảng (online) cho nhiều môn học. Tôi cũng được biết, nhiều trường ở Thành phố Hồ Chí Minh còn mời trường bạn dự giờ thao giảng online làm cho thầy trò thêm căng thẳng.
Thao giảng, hội giảng liên tục chỉ tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh
Thứ nhất, ngày 16/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 cho năm học 2021-2022.
Công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện những yêu cầu sau nhằm giảm tải nội dung chương trình cho học sinh:
Đối với lớp 6, nhà trường tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình; đối với những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy học trực tuyến để dạy học hoặc hướng dẫn học sinh tự thực hiện ở nhà phù hợp với điều kiện thực tế.
Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12, thực hiện dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học theo Phụ lục II và Phụ lục III kèm theo Công văn này.
Như thế để thấy rằng, trường nào tổ chức thao giảng, hội giảng (trong đó có hình thức trực tuyến) là tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh.
Thứ hai, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa triển khai ở lớp 6, ít nhất cũng phải trải qua một năm dạy học giáo viên mới có thể rút kinh nghiệm để khắc phục những vướng mắc, khó khăn. Bấy lâu nay giáo viên có những ưu khuyết thế nào trong giảng dạy, lãnh đạo đều biết chứ không phải chỉ qua một, hai tiết dạy.
Thứ ba, riêng những tiết dạy thao giảng online, giáo viên rất khó kiểm soát mức độ làm việc của học sinh thì làm sao có thể dạy thành công. Trong khi đó, ban giám hiệu, giáo viên trong tổ, kể cả giáo viên trường bạn tham gia dự giờ online cũng phần nào tác động đến tâm lí thầy trò, khiến giờ học thêm nặng nề, căng thẳng.
Qua bài viết này, tôi mong Bộ Giáo dục có văn bản chỉ đạo cụ thể, rõ ràng về việc dự giờ, dạy thao giảng áp dụng cho giáo viên các cấp, nhằm tạo sự thống nhất, tránh mỗi trường áp dụng Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT một kiểu, khiến thầy trò thêm áp lực, căng thẳng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.