LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc chỉ ra nguyên nhân mà mấy năm nay, chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm không còn hiệu quả nữa, nhiều học sinh Khá, Giỏi “quay lưng” với ngành sư phạm.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
1- Tại sao chính sách miễn học phí sinh viên trường sư phạm đã không còn hiệu quả?
Năm 1997, với hoàn cảnh cả nước đang thiếu 120.000 giáo viên bậc phổ thông, chính sách miễn học phí cho sinh viên trường sư phạm đã ra đời và hiện nay chính sách này vẫn tiếp tục được triển khai, thực hiện.
Có thể nói, trong giai đoạn 7, 8 năm đầu khi áp dụng chính sách miễn học phí cho sinh viên trường sư phạm, chất lượng đầu vào của các trường sư phạm tăng rõ rệt.
Nhiều học sinh học Khá, Giỏi, nhất là con em gia cảnh còn khó khăn, ở vùng nông thôn quay trở lại mặn mà, phấn khởi khi đăng ký thi và học tập tại các trường sư phạm.
Tại sao chính sách miễn học phí sinh viên sư phạm không còn sức hút? (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Do đó, điểm đầu vào của nhiều trường sư phạm nằm trong top cao. Có những sinh viên đã đạt đến 27 điểm đầu vào.
Đầu vào tốt là một trong những yếu tố quan trọng để cho ra “lò” thế hệ sinh viên, giáo viên đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của ngành giáo dục.
Thực tế đã được chứng minh, lứa sinh viên sư phạm ra trường các năm 2000-2007 về kiến thức chuyên môn, khả năng vận dụng đổi mới phương pháp dạy khá đồng điều và chắc chắn.
Qua theo dõi, quản lý chúng tôi nhận thấy, các giáo viên trẻ này về chất lượng và hiệu quả giảng dạy, giáo dục học sinh tốt hơn hẳn những lứa trước đó và sau này.
Nhà trường, học sinh, phụ huynh đã được hưởng lợi khá nhiều từ những lứa sinh viên, giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề như vậy.
Tuy nhiên, mấy năm nay, chính sách này không còn hiệu quả nữa, nhiều học sinh Khá, Giỏi “quay lưng” với ngành sư phạm, chất lượng đầu vào các trường sư phạm đang ở ngưỡng trung bình thấp, một thời “vàng son” đã đi qua.
Nguyên nhân thì có nhiều, song tựu trung mấy nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, Chính phủ áp dụng, mở rộng chính sách tín dụng cho sinh viên nghèo (không riêng trường sư phạm) vay vốn để học tập, cùng với nhiều chính sách miễn học phí cho sinh viên khó khăn, cấp học bổng cho sinh viên giỏi đang thu hút người học vào các ngành, trường ngoài sư phạm.
Thứ hai, thực hiện chủ trương tăng chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm, từ chỗ thiếu cả trăm nghìn giáo viên phổ thông, nhiều năm nay lại xảy ra tình trạng dư thừa giáo viên khá trầm trọng.
Số liệu thống kê ban đầu từ Bộ GD&ĐT đến năm 2014, có khoảng 35.000 sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường chưa xin được việc làm.
Thứ ba, áp lực công việc của người thầy cô giáo ở nhà trường ngày càng gia tăng, có quá nhiều thay đổi, xáo trộn về nội dung, chương trình, phương thức dạy học, cách thi cử, đánh giá…
Trong khi đó mức thu nhập của họ từ đồng lương (trung bình 3 triệu đồng/ tháng/ người) còn thấp, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống tối thiểu.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận từng nêu kiến nghị với Quốc hội:
“Vị trí việc làm, thu nhập, tương lai sau khi tốt nghiệp mới mang tính quyết định sự lựa chọn của các cháu.
Quốc hội cần sớm quan tâm, hỗ trợ triển khai quyết định chiến lược theo Nghị quyết 29 của Trung ương và chế độ tiền lương ưu đãi ở bậc cao nhất với cán bộ giáo viên ngành sư phạm.
Chúng tôi nghĩ rằng nếu được quan tâm như thế thì sẽ có thêm sức hút vào các trường sư phạm”.
Đất nước kém phát triển, suy cho cùng vẫn là do con người(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đã đặt vấn đề như vậy khi thảo luận, góp ý vào Văn kiện Đại hội Đảng 12. |
Do đó, lời giải căn cơ, có tính bền vững nhất cho chất lượng sinh viên các trường sư phạm và năng lực, trình độ của đội ngũ thầy cô giáo bậc phổ thông hiện nay nằm ở chỗ vị trí việc làm, tốt nghiệp ra trường là có chỗ dạy ngay (giống như ngành công an và quân đội) và chế độ tiền lương ưu đãi thỏa đáng, đủ sống cho cán bộ, giáo viên trong điều kiện kinh tế đất nước.
Chúng ta luôn miệng nói: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.”
Vậy thì các vị ở trung ương hãy làm đi, hãy giải quyết tình trạng dư thừa giáo viên, để phụ huynh, sinh viên sư phạm ra trường không còn cảnh luôn phập phồng, lo âu, chạy đôn, chạy đáo đủ nơi…tìm việc, hãy biết tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng để tăng lương cho công chức, viên chức nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng- giúp họ yên tâm được sống và cống hiến.
2- Đầu tư, ưu tiên, hỗ trợ hiệu quả cho các trường đào tạo nghề- một hướng đi đúng đắn.
Tôi tâm đắc các ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 3/11, trong bài: “Điểm nào cũng đỗ đại học thì chỉ nghèo thêm” của tác giả Ngọc Quang trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 03/11/15.
Theo đó, Đại biểu Quốc hội Lê Đình Khanh đề nghị: "Tại diễn đàn Quốc hội tôi đã từng phát biểu về vấn đề này và nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội, thế nhưng trên thực tế cho đến nay học sinh nghèo cứ vào đại học vẫn cho vay tiền.
Tôi đề nghị các em học kém, học làng nhàng là phải cho đi học nghề. Chứ còn bây giờ 7 điểm, 8 điểm, 10 điểm cũng đỗ đại học, mà cứ cho vay như thế thì nghèo chỉ nghèo thêm".
Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cũng cho rằng: “Vốn vay nên tập trung vào nhóm đối tượng học nghề trung cấp, sơ cấp. Nếu là Đại học thì phải những ngành mũi nhọn mà địa phương có nhu cầu tuyển dụng.”
Theo thống kê thì lao động trình độ Đại học trở lên có 4,47 triệu người (41%), Cao đẳng 1,61 triệu (14,9%), Trung cấp 2,92 triệu (27,1%), Sơ cấp 1,77 triệu (16,3%).
Thông tin của Bộ Lao động Thương binh và xã hội vào tháng 10/2015, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhưng số tốt nghiệp đại học, trên đại học đã cán mốc 199.000 và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Những số liệu thống kê nêu trên cho thấy sự bất hợp lý về cơ cấu đào tạo các ngành nghề và quy mô phát triển nền kinh tế theo chiều rộng.
Trong hoàn cảnh cả nước có những mối lo lớn:
- Tình trạng“ thừa thầy”, “thiếu thợ” phổ biến, kéo dài;
- Hàng trăm ngàn sinh viên trình độ đại học và trên đại học đang thất nghiệp;
- Công tác phân luồng học sinh học nghề, học đại học gặp rất nhiều khó khăn khi nhà nhà, người người chuộng bằng cấp, con em ồ ạt vào học đại học để rồi thất nghiệp…thì hơn lúc nào hết, Chính phủ, ngành giáo dục cần có ngay những chính sách điều chỉnh phù hợp, khả thi.
Điều chỉnh, giới hạn ngay chính sách tín dụng cho mọi sinh viên nghèo vay tiền để học đại học. Chính sách này chỉ nên dành cho một số sinh viên nghèo có kết quả, thành tích học tập khá, tốt.
Dành nhiều nguồn lực đầu tư, ưu tiên, hỗ trợ cho các trường đào tạo nghề, học sinh theo học nghề.
Thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp – Vì đâu nên nỗi?(GDVN) - Đã đến lúc các bậc phụ huynh và các thầy cô trực tiếp giảng dạy phải định hướng rằng, Đại học bây giờ chưa phải là con đường tối ưu nhất cho tương lai. |
Phải xây dựng được những cơ sở, trường đào nghề bài bản, chất lượng, uy tín, học sinh học nghề ra trường có đủ trình độ, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Song hành với đó, là các chế độ ưu đãi, lương bổng cho lực lượng lao động, công nhân.
Căn bệnh chuộng bằng cấp, đổ xô đi học đại học của đất nước này được giảm thiểu để phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế, “thợ” chiếm 70%, “thầy” chỉ chiếm 30%, chỉ khi Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan thật sự quyết tâm, đồng bộ, gạt bỏ đi những cục bộ, “lợi ích nhóm”.