Minh bạch trong chọn sách giáo khoa: Gốc rễ của đổi mới giáo dục

21/04/2025 06:52
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

SGKGDVN -Sự minh bạch và khách quan trong việc lựa chọn sách giáo khoa không chỉ là yêu cầu quản lý mà còn là nền tảng để đảm bảo hiệu quả giáo dục.

Chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, xóa bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa là đổi mới quan trọng tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Chủ trương này nhằm khuyến khích xã hội hóa, nâng cao chất lượng sách giáo khoa và tiệm cận xu hướng giáo dục quốc tế. Đồng thời, điều này cũng phù hợp với định hướng xây dựng nền giáo dục mở, “đa dạng hoá tài liệu học tập” trong Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Việc áp dụng mô hình "Một chương trình – nhiều bộ sách giáo khoa" cũng đánh dấu sự thay đổi lớn trong cách thức lựa chọn sách giáo khoa. Đây cũng là lần đầu tiên giáo viên có quyền tự chọn sách giáo khoa để giảng dạy, thay vì phải sử dụng một bộ sách chung cho cả nước. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT đã chuyển quyền lựa chọn này về cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khiến giáo viên và học sinh, những người trực tiếp sử dụng sách, không còn quyền tự quyết định. Để khắc phục điều này, từ ngày 12/2/2024, Thông tư 27/2023/TT-BGDĐTđã trả lại quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các trường học, với hội đồng lựa chọn gồm giáo viên, phụ huynh và lãnh đạo cơ sở giáo dục, nhằm bảo đảm tính linh hoạt và minh bạch trong việc chọn sách phù hợp.

Lựa chọn sách giáo khoa: Quy trình minh bạch từ giáo viên đến trường học

z6524737463672_7b9eb9d043757a771567f1705a333140.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi - Ba Đình (Hà Nội)

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về quy trình lựa chọn sách giáo khoa tại trường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi - Ba Đình (Hà Nội), cho biết quy trình này được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch gồm 5 bước cụ thể.

Trong bước đầu tiên, giáo viên nghiên cứu 3 bộ sách và hoàn thành phiếu lựa chọn cá nhân, ghi rõ lý do chọn lựa. Tiếp theo, ở bước thứ hai, các tổ/nhóm chuyên môn họp để thảo luận, đánh giá ưu và nhược điểm của từng bộ sách, sau đó tiến hành bỏ phiếu kín để chọn sách giáo khoa. Quyết định này hoàn toàn phụ thuộc vào quyền tự chủ và trách nhiệm chuyên môn của giáo viên. Sau đó, tổ/nhóm chuyên môn tiến hành kiểm phiếu công khai, tổng hợp kết quả và đề xuất bộ sách được chọn gửi cho nhà trường. Ở bước thứ tư, nhà trường tổ chức họp Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, tiếp nhận ý kiến đề xuất của bộ môn, thảo luận và biểu quyết về kết quả cuối cùng. Cuối cùng, nhà trường tổng hợp kết quả và báo cáo đề xuất sách giáo khoa cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Theo cô Lan, cách làm này đảm bảo tính minh bạch, công bằng, khách quan trong lựa chọn. Giáo viên và tổ nhóm chuyên môn quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy trên tinh thần tự chủ, hoàn toàn làm chuyên môn và vì chuyên môn: Từ việc xây dựng quy trình lựa chọn đến việc tổ chức lựa chọn (đánh giá, bỏ phiếu kín) đều được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ ở các bộ môn.

“Vì thế mà kết quả lựa chọn mỗi năm cũng có sự điều chỉnh giữa các bộ sách cho phù hợp với công tác giảng dạy của thầy và học tập của trò. Ví dụ, năm đầu tiên có 5 môn lựa chọn bộ sách Cánh Diều, 8 môn lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Sang năm thứ hai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có 6 môn lựa chọn bộ Cánh Diều, 7 môn lựa chọn Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống”, cô Lan cho biết thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Lan nhấn mạnh rằng việc cho phép giáo viên lựa chọn sách giáo khoa không chỉ thể hiện sự tôn trọng chuyên môn mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, hiểu rõ nhất đối tượng học sinh và điều kiện giảng dạy tại trường, đồng thời nắm bắt yêu cầu đổi mới phương pháp học tập. Khi được chủ động chọn sách giáo khoa phù hợp, giáo viên sẽ có thêm động lực, trách nhiệm và sự sáng tạo trong việc tổ chức dạy học, từ đó giúp học sinh tiếp thu hiệu quả hơn, phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Cô cũng nhấn mạnh rằng sự minh bạch và khách quan trong việc lựa chọn sách giáo khoa không chỉ là yêu cầu quản lý mà còn là nền tảng để đảm bảo hiệu quả giáo dục. Sách giáo khoa là công cụ dạy học cốt lõi, quyết định đến nội dung và phương pháp tổ chức hoạt động học tập, vì vậy ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giảng dạy của giáo viên và kết quả học tập của học sinh.

Anh 11 NX2702116919122019.jpg
Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Đại học sư phạm

Quy trình lựa chọn minh bạch và khách quan sẽ mang lại những lợi ích rõ rệt. Về phía giáo viên, việc tham gia vào quá trình chọn sách giáo khoa giúp họ hiểu rõ cấu trúc, triết lý và ưu điểm của bộ sách mình sử dụng, từ đó chủ động thiết kế bài học và đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Về phía học sinh, sách giáo khoa được chọn phù hợp với đặc điểm vùng miền và trình độ nhận thức của học sinh sẽ giúp học sinh tiếp thu bài dễ dàng hơn, tăng sự hứng thú học tập và phát triển năng lực. Hơn nữa, việc chọn sách phù hợp còn hạn chế tình trạng "dạy lệch - học lệch”.

Về phía nhà trường, quy trình chọn sách giáo khoa minh bạch giúp tạo sự đồng thuận trong tập thể sư phạm, đồng thời là cơ sở để phân bổ nguồn lực, tổ chức bồi dưỡng giáo viên hiệu quả và tạo dựng niềm tin trong đội ngũ giáo viên.

“Minh bạch và khách quan trong chọn sách giáo khoa không chỉ là yêu cầu quản trị, mà là yếu tố cốt lõi tạo nên môi trường giáo dục tích cực, dân chủ, chất lượng và nhân văn,” Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Lan khẳng định.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Lý Văn Điền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Trạch (Thái Nguyên), cũng khẳng định tầm quan trọng của việc trao quyền chủ động cho các giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Tại Trường Tiểu học Yên Trạch, các tổ chuyên môn và Hội đồng lựa chọn sách đã quyết định lựa chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều cho các lớp từ 1 đến 5. Quyết định này được thực hiện theo hướng "liền mạch", kết nối các lớp từ lớp 1 đến lớp 5, nhằm đảm bảo sự liên kết chặt chẽ trong chương trình giảng dạy. Theo thầy Điền, bộ sách này được tác giả thiết kế theo mô hình đồng tâm, giúp việc giảng dạy trở nên thống nhất và phù hợp với yêu cầu từng lớp học.

Việc lựa chọn bộ sách có tính đồng nhất như vậy cũng giúp hạn chế tình trạng thừa hoặc thiếu nội dung, đồng thời giúp giáo viên phát huy tối đa ý tưởng của tác giả sách. Bên cạnh đó, dù chọn sách theo bộ đồng tâm, giáo viên vẫn có thể tham khảo các bộ sách khác để cải thiện chất lượng dạy học.

Thầy Lý Văn Điền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Trạch (Thái Nguyên)
Thầy Lý Văn Điền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Trạch (Thái Nguyên)

Về hiệu quả thực tế sau 5 năm áp dụng bộ sách Cánh Diều, thầy Điền cho biết trong năm học 2024-2025, nhà trường tiếp tục lựa chọn 5 đầu sách thuộc bộ sách này của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm các môn Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tin học, Công nghệ).

Bộ sách Cánh Diều được cho là rất phù hợp với tâm lý và trình độ nhận thức của học sinh vùng miền, đồng thời mang lại kết quả học tập tốt hơn. Các em học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức và đạt kết quả cao trong các kỳ kiểm tra, đánh giá. Giáo viên cũng cảm thấy dễ dàng triển khai các hoạt động dạy học nhờ vào hệ thống bài giảng mẫu, video bài giảng thiết kế sẵn và kho học liệu phong phú. Điều này không chỉ giúp học sinh phát triển năng lực và phẩm chất một cách toàn diện, mà còn hỗ trợ giáo viên trong công tác giảng dạy, đảm bảo chất lượng giáo dục được nâng cao.

Tăng cường sáng tạo và linh hoạt trong giáo dục

Hiện nay, học sinh trên cả nước đang học chủ yếu 3 bộ sách giáo khoa: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Việc triển khai mô hình "Một chương trình – nhiều bộ sách giáo khoa" không chỉ là một bước ngoặt trong tư duy giáo dục mà còn phản ánh sự cần thiết của nền giáo dục hiện đại, dân chủ và hội nhập.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Lan, mô hình này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, không chỉ đối với học sinh mà còn với cả giáo viên.

Cô Lan cho rằng, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa giúp đảm bảo quyền tự do sáng tạo và tiếp cận tri thức đa chiều. Chủ trương nhiều bộ sách tạo điều kiện để các tác giả, nhóm tác giả, nhà xuất bản tham gia vào quá trình biên soạn sách giáo khoa. Điều này giúp đa dạng hóa góc nhìn, cách tiếp cận và phương pháp truyền đạt nội dung giáo dục. Giúp học sinh và giáo viên tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt, phù hợp với vùng miền, điều kiện cụ thể, tránh tình trạng "đồng phục hóa" trong giáo dục.

Ngoài ra, việc triển khai nhiều bộ sách cũng giúp giáo dục trở nên gần gũi hơn với thực tiễn cuộc sống. Việt Nam là một quốc gia đa dạng về vùng miền và văn hóa, vì vậy một bộ sách duy nhất khó có thể đáp ứng hết sự đa dạng này. Cô Lan nhấn mạnh rằng, với mô hình "một chương trình – nhiều bộ sách", giáo viên có thể lựa chọn cuốn sách phù hợp nhất với đặc điểm học sinh của mình, từ đó nâng cao hiệu quả dạy học, đặc biệt là khi chúng ta không thể áp dụng một cuốn sách như nhau cho học sinh vùng cao và học sinh thành thị.

gdvn-gio-day-8894.jpg
Mô hình "một chương trình – nhiều bộ sách giáo khoa" không chỉ là một bước ngoặt trong tư duy giáo dục mà còn phản ánh sự cần thiết của nền giáo dục hiện đại, dân chủ và hội nhập. Ảnh minh họa: Ngân Chi

Mô hình này cũng thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các bộ sách, tạo động lực cải tiến chất lượng sách giáo khoa. Cô Lan cho rằng việc cạnh tranh giữa các bộ sách sẽ góp phần khắc phục những hạn chế của mô hình "một chương trình – một bộ sách" trước đây, khi giáo viên không có sự lựa chọn và gặp khó khăn trong việc thích ứng với đặc điểm riêng của từng địa phương. Nhiều bộ sách giúp khắc phục tính đơn điệu và tạo cơ hội cho giáo viên chủ động lựa chọn sách phù hợp, phát huy hiệu quả dạy học.

Tiến sĩ Lan cũng khẳng định, việc thực hiện mô hình này giúp giáo viên trở thành hạt nhân cốt lõi của đổi mới giáo dục.

“Chúng ta nói rất nhiều về việc trao quyền cho giáo viên, nhưng nếu giáo viên không được chọn sách mình dạy, thì quyền đó vẫn là hình thức. Nhiều bộ sách là cơ hội để giáo viên được chủ động lựa chọn – trên cơ sở chuyên môn, sự hiểu biết về học sinh và năng lực cá nhân.

Khi được tin tưởng, giáo viên sẽ phát huy vai trò người thiết kế hoạt động học tập, chứ không chỉ là người “truyền thụ” kiến thức một chiều như trước. Mỗi bộ sách là một cách nhìn, một con đường. Dù có thể khác nhau về ngôn ngữ thể hiện, tất cả vẫn cùng chung mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học”, Tiến sĩ Lan nhấn mạnh. Đồng thời, cô khẳng định, thực hiện “một chương trình – nhiều bộ sách giáo khoa” là con đường cần thiết – bởi nó mở ra cánh cửa cho một nền giáo dục khai phóng, dân chủ và phù hợp hơn với từng học sinh.

Tiến sĩ Lan cũng cho biết rằng, việc áp dụng mô hình này phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại và các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, và Đức. Những quốc gia này đều cho phép tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa trong một chương trình thống nhất, đảm bảo sự đa dạng nhưng vẫn giữ được tính thống nhất về chuẩn đầu ra. Điều này cho thấy rằng, việc thực hiện “một chương trình – nhiều bộ sách giáo khoa” ở Việt Nam là bước đi phù hợp trong xu thế giáo dục hội nhập quốc tế.

Cuối cùng, Tiến sĩ Lan nhấn mạnh rằng mô hình này thực hiện đúng tinh thần dân chủ và phân quyền trong giáo dục, giúp tăng tính chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn sách giáo khoa và tổ chức dạy học, đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào đội ngũ giáo viên – những người đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục.

Và trong bối cảnh "một chương trình – nhiều bộ sách", việc xã hội hóa sách giáo khoa trở thành yếu tố quan trọng không thể thiếu để đảm bảo sự phát triển đồng đều của các bộ sách, đồng thời tạo ra sự lựa chọn linh hoạt cho giáo viên và học sinh.

Thầy Lý Văn Điền nhấn mạnh rằng, việc có nhiều đơn vị tham gia biên soạn sách tạo động lực thúc đẩy sự cạnh tranh về cả nội dung, hình thức và phương pháp trình bày.

Điều này không chỉ làm cho sách giáo khoa ngày càng được cải tiến mà còn trở nên hấp dẫn, dễ hiểu và phù hợp hơn với nhu cầu của người học. Hơn nữa, sự đa dạng trong lựa chọn sách giáo khoa giúp giáo viên và học sinh có thêm nhiều lựa chọn, từ đó có thể linh hoạt chọn bộ sách phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện giảng dạy và đặc thù của từng vùng miền.

Đặc biệt, khi có nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên và học sinh cũng có thêm cơ hội tham khảo và vận dụng những bài học sinh động trong cùng một chương trình học, từ đó làm phong phú thêm giờ học và giúp học sinh tiếp thu bài tốt hơn.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã ban hành công văn số 806/SGDĐT-GDMN&GDTH, hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn điều chỉnh danh mục sách giáo khoa sử dụng cho năm học 2025–2026, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn giảng dạy.

ĐN.png

Theo đó, tính đến năm học 2024-2025 cơ sở giáo dục ở mỗi cấp học đã triển khai trọn vẹn sách giáo khoa của toàn bộ các khối lớp, bước đầu có căn cứ để đánh giá và điều chỉnh việc lựa chọn sách giáo khoa. Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng nhấn mạnh, thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa được lựa chọn thuộc về cơ sở giáo dục theo quy định tại Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT.

Trên cơ sở đó, để việc điều chỉnh lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đề nghị các cơ sở giáo dục tiến hành điều chỉnh trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khách quan việc sử dụng sách giáo khoa đã được lựa chọn những năm học trước theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tuân thủ chặt chẽ quy định tại Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT

Trong đó, đặc biệt lưu ý phải đánh giá đầy đủ ưu điểm, hạn chế của sách giáo khoa đang sử dụng cũng như phân tích chi tiết những điểm tối ưu khi lựa chọn sách giáo khoa thay thế, làm rõ nguyên nhân cần thay đổi, điều chỉnh; Phải căn cứ ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh (nếu có) về việc thay đổi để tạo sự đồng thuận, tránh dư luận không phù hợp; Đồng thời, đảm bảo thời gian và lộ trình thực hiện, nhất là thời gian thẩm định của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo và thời gian phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố.

Doãn Nhàn