Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 27) quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT năm 2020.
Theo đó, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục sẽ do hiệu trưởng (hoặc người đứng đầu) thành lập. Hội đồng này gồm các thành phần: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên và đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh.
Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 5 người.
Mỗi cơ sở giáo dục có 1 hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Ảnh minh họa: nguồn NXBGDVN |
Đặc biệt, Thông tư 27 quy định rõ, người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa không được tham gia hội đồng. Tứ thân phụ mẫu và anh chị em ruột thịt hai bên vợ/chồng của người làm sách giáo khoa cũng không được phép có mặt trong hội đồng này.
Tương tự, người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được phép liên quan tới hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục.
Quy trình chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục
Căn cứ vào kế hoạch của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, các tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó. Giáo viên hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy liên trường đều được tham gia.
Chậm nhất 20 ngày trước phiên họp đầu tiên, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các sách giáo khoa, viết phiếu nhận xét, đánh giá theo các tiêu chí đề ra.
Trong phiên họp, các giáo viên sẽ bỏ phiếu lựa chọn 1 sách giáo khoa duy nhất cho mỗi môn học. Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu.
Trường hợp không có sách giáo khoa nào đạt từ 1/2 số phiếu, tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại. Sách giáo khoa được lựa chọn là sách giáo khoa nhận số phiếu cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai.
Trong cả 2 lần bỏ phiếu, nếu có từ 2 sách giáo khoa nhận số phiếu bằng nhau, tổ trưởng tổ chuyên môn được quyền đưa ra quyết định.
Từ kết quả lựa chọn của các tổ chuyên môn, hội đồng của nhà trường họp thảo luận, thẩm định. Sau đó nhà trường lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông).
Ở bước thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn sách giáo khoa, Phòng Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, sau đó tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Cuối cùng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa ra quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn.
Nhà trường công bố danh mục sách giáo khoa trước ngày 30/4 hằng năm
Thông tư 27 quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng tải công khai danh mục sách giáo khoa được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục tại địa phương. Đồng thời, các cơ sở giáo dục phải thông báo danh mục này đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh trước ngày 30/4 hằng năm.
Trong quá trình sử dụng sách giáo khoa, căn cứ các kiến nghị của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh nếu có, cơ sở giáo dục báo cáo, đề xuất cơ quan quản lý cấp trên để điều chỉnh, bổ sung danh mục.
Thông tư 27 về lựa chọn sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông có hiệu lực kể từ ngày 12/2/2024.
Nhìn lại tiến trình từ khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy, sách giáo khoa lớp 1 được lựa chọn theo quy định tại Nghị quyết 88 để kịp đáp ứng cho năm học 2020 - 2021. Cụ thể, cơ sở giáo dục có thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Nhưng khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực vào tháng 7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT về chọn sách giáo khoa để phù hợp với quy định trong luật. Theo đó, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục sách giáo khoa dựa trên kết quả lựa chọn của hội đồng này.
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thay vì trực tiếp thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho cả tỉnh như quy định cũ thì theo Thông tư 27 chỉ còn nhiệm vụ quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục lựa chọn.