Thầy Nguyễn Phúc Sinh hiện công tác giảng dạy tại trường Tiểu học “D” An Cư – ngôi trường có đông những học sinh là người dân tộc Khmer.
Thầy Sinh vốn xuất thân từ gia đình sống bằng nghề làm thuê. Thời niên thiếu, hằng ngày, ngoài việc học phải giúp mẹ gánh nước thốt nốt để nấu đường.
Đến mùa lúa lại theo ba mẹ để cắt lúa mướn, rãi rơm cho người ta ở các cánh đồng. Chính vì thế thầy Sinh càng yêu thương, cảm thông với học trò nghèo.
Kể về nơi mình dạy học, thầy Phúc Sinh cho biết, trường của thầy khá khang trang nhưng đa số các em học sinh đều là người dân tộc Khmer (khoảng 90 %).
Thầy Sinh đang hướng dẫn học sinh chơi trò chơi (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Bản thân thầy không biết được tiếng Khmer trong khi có rất ít học sinh sử dụng thông thạo Tiếng Việt trong học tập và cũng rất ít phụ huynh học sinh rành Tiếng Việt để giao tiếp, trao đổi thông tin nên những ngày đầu nhận nhiệm vụ thầy cảm thấy hoang mang.
Nhưng rồi, khi tiếp xúc cùng các em học sinh, thầy cảm nhận được sự đồng cảm giữa thầy với các em.
Ngoài giờ học, các em phải đi thả bò, đến mùa các em cũng phụ ba mẹ nhổ đậu phộng, lấy rơm cho bò ăn.
Có những em, đến những ngày kiểm tra giữa học kì hoặc kiểm tra cuối năm, thầy còn phải ra đồng tìm và kêu học trò về làm bài kiểm tra.
Còn gần 200 học sinh chưa có áo ấm mùa đông này! |
Việc học sinh nhà khó khăn phải nghỉ học thường xuyên nên cứ hết giờ dạy, thầy Sinh lại đến nhà các em để tìm hiểu những khó khăn của gia đình và vận động các em đến lớp cùng bạn bè, thầy cô.
Qua nhiều năm giảng dạy, thầy Sinh cũng đã quen dần: “ Tôi dạy các em đọc, viết Tiếng Việt, các em chỉ tôi nghe, nói tiếng Khmer – tình cảm thầy trò trở nên thân thiết” – thầy Sinh thổ lộ.
Học sinh nơi thầy dạy học, nhiều em có ba mẹ đều đi làm công ty xa, các em phải sống ở cùng ông bà nên rất ít được quan tâm đên việc học tập, sinh hoạt của các em.
Chính vì vậy, giáo viên phải giành nhiều sự quan tâm, yêu thương cho các em. Có em thầy Sinh phải đến tận tiệm game để gọi về, có em thầy còn cho tiền đi cắt tóc, vận động mạnh thường quân cho quần áo mặc.
Từ những sự quan tâm đó, thầy Sinh đã nhận được sự tôn trọng của các em sự yêu mến của phụ huynh học sinh.
Cứ đến mùa dưa hấu, thì các em đem vào tặng thầy cô mình những quả dưa ngon nhất, dịp lễ Tết Donl Ta hay Chol Thnăm Thmây thì các em đem đến trường tặng thầy cô là những đòn bánh tét.
“Tình cảm của các em giành cho người thầy đơn giản và mộc mạc – những món quà chỉ có với các thầy cô dạy vùng dân tộc Khmer” – thầy Sinh vui vẻ kể.
Thầy Sinh còn kể, tại ngôi trường Tiểu học “D” An Cư không phải chỉ thầy mà có rất nhiều giáo viên khác hằng ngày, chạy xe gần 20 km để đến trường truyền đạt kiến thức.
Điều kiện cơ sở vật thiếu thốn, gia đình khó khăn, tiền lương chỉ đủ cho bản thân nhưng vẫn vui vẽ đến trường dạy cho các em những kiến thức, truyền cho các em các kinh nghiệm sống có ích cho xã.
Thầy Sinh đứng ngoài cùng bên trái (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Thầy Sinh cho rằng: “Người thầy chúng tôi, khi bước lên bục giảng chỉ mong các em biết đọc, biết viết, biết tính toán, mong các em có đủ nhận thức học tập thật tốt. Không có gì quý hơn khi chúng tôi được cống hiến cho xã hội bằng sự tâm huyết và lòng nhiệt thành của mình.
Thật may mắn, tôi là giáo viên và hiểu, biết rõ trách nhiệm thiêng liêng và cao đẹp”.
Cũng theo thầy Sinh, trong hai năm nay, tiền lương được cải thiện nên đời sống của giáo viên dần được ổn định.
Đời sống của phụ huynh học sinh cũng dần dần được ổn định nên các em cũng được trang bị đầy đủ đồ dùng học tập.
Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đặt biệt chăm lo cho các em học sinh.
Hằng năm, địa phương tặng xe đạp cho các học sinh nhà xa trường, tặng cặp sách tiếp bước đến trường cho các em học sinh.
Các mạnh thường quân quan tâm đến việc học tập của các em học sinh vùng sâu vùng xa nên có rất nhiều phần quà cho các em. Các em học sinh được chăm lo, giáo viên chúng tôi cũng rất vui và chân thành cảm ơn.