Môn Toán: 5 câu cuối phân hóa mạnh nên khó "mưa" điểm 10

07/07/2021 17:26
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11.

Chiều 7/7, gần 1 triệu thí sinh cả nước đã hoàn thành bài thi môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên môn Toán Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) đánh giá, đề có cấu trúc và mức độ khó tương tự năm 2020 (dễ 1 chút so với đề tham khảo đã công bố).

Như vậy đề thi giữ nguyên cấu trúc, giảm nhẹ mức độ nhằm phù hợp với học sinh học trong tình hình dịch bệnh.

Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Toán, Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh - Hà Nội) (ảnh: NVCC)

Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Toán, Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh - Hà Nội) (ảnh: NVCC)

Thầy Tùng dự đoán nhiều học sinh nhất đạt mức 7-8 điểm. Do 5 câu cuối phân hóa mạnh nên cũng không có mưa điểm 10.

Thầy Tùng dự đoán "chỉ có 200-300 điểm 10"!

Đồng quan điểm này, thầy Nguyễn Như Tùng – Tổ trưởng tổ Toán – Tin trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Nội đánh giá:

Cấu trúc đề năm nay cơ bản như các năm trước, bám sát đề minh họa. Nội dung kiến thức tập trung chủ yếu ở lớp 12, có 5 câu kiểm tra kiến thức lớp 11 nhưng chỉ thuộc mức nhận biết thông hiểu và 1 câu vận dụng.

Tuy nhiên, với môn Toán là môn học có tính logic cao thì học sinh vẫn phải nắm vững kiến thức của các lớp dưới mới có thể tiếp thu được kiến thức lớp 11, 12.

Mặc dù các câu hỏi về kiến thức lớp 11, 12, nhưng có chứa đựng kiến thức các lớp dưới. Một số câu có sẵn hình vẽ, giúp học sinh tiết kiệm được thời gian vẽ hình.

Thầy Nguyễn Như Tùng – Tổ trưởng tổ Toán – Tin Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Nội (ảnh: NVCC)

Thầy Nguyễn Như Tùng – Tổ trưởng tổ Toán – Tin Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, Hà Nội (ảnh: NVCC)

Về mức độ: 38 câu đầu ở mức nhận biết thông hiểu, các câu này chỉ cần nhớ kiến thức là làm được. 5 câu vận dụng từ câu 39 đến câu 43 đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng, tính toán nhưng đều là các dạng toán quen thuộc, học sinh khá là làm được.

Có 7 câu vận dụng cao: từ câu 44 đến câu 50 cũng có câu quen thuộc, học sinh được luyện tập nhiều trong các bài tập sách giáo khoa, đề thi thử như câu 46, 47 (mã 118).

Cũng có một số câu ý tưởng mới rất hay như câu 45 và câu 50 (mã 118), đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức, khả năng phân tích, tổng hợp kiến thức của nhiều phần và khả năng dám nghĩ, dám làm. Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, tạo tâm lý hưng phấn cho học sinh khi làm bài.

Đa số các câu hỏi đều rất cơ bản. Học sinh dễ dàng đạt ngưỡng điểm tốt nghiệp, học sinh nắm chắc kiến thức có thể làm được 38 câu đầu, các câu sau đòi hỏi học sinh phải luyện tập nhiều để có thể rèn luyện được tư duy tốt, các câu cuối có tính phân loại rất cao tạo thuận lợi cho các trường đại học lấy kết quả thi này để xét tuyển.

Các câu vận dụng cao đều nằm trong chương trình lớp 12, thuộc các chủ đề quen thuộc như: Hàm số, Mũ loga, Nón, Tọa độ không gian, học sinh vừa mới học nên không bị quên.

Để đạt được điểm 10, đòi hỏi học sinh phải tính nhẩm tốt, thành thạo các dạng toán, vận dụng tốt kiến thức tổng hợp của cả chương trình môn Toán.

Thầy Tùng dự đoán điểm trung bình ở mức khoảng 5,5, trung vị khoảng 5,8, số điểm 10 sẽ không nhiều.

Trong khi đó, tổ Toán của hệ thống giáo dục HOCMAI đánh giá đề thi bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi tham khảo (31/3/2021) và tuân thủ đúng cấu trúc mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố bao gồm 50 câu hỏi với thời gian làm bài 90 phút.

Trong đó, 90% câu hỏi (45 câu) thuộc chương trình của lớp 12 và 10% số câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11.

Nhìn chung, đề thi bám sát đúng yêu cầu của việc xét công nhận tốt nghiệp và tình hình ôn tập trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, các trường đại học cũng có thể sẽ phải cân nhắc, bối rối khi sử dụng kết quả của bài thi này để tuyển chọn thí sinh. Đỉnh của phổ điểm sẽ ở mức 7 điểm.

Thùy Linh