Theo quy định, việc thu hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi của thí sinh (TS) được thực hiện theo hai tuyến: Nộp về sở GD-ĐT hoặc nộp về các trường ĐH, CĐ. Về nguyên tắc, các trường ĐH, CĐ thu hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi do TS nộp trực tiếp tại trường (gọi là TS tự do, được gán mã 99), phải nộp về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục lệ phí tuyển sinh Trung ương 4.000 đồng/hồ sơ (từ năm 2010 đến nay là 6.000 đồng).
Rắc rối từ lệ phí
Trước đây, lệ phí tuyển sinh Trung ương do Văn phòng Bộ GD-ĐT trực tiếp thu và quản lý sử dụng. Từ năm 2006 đến nay, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đảm nhận việc này. Tuy nhiên, Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT lại đứng ra trực tiếp thu lệ phí tuyển sinh Trung ương của các trường ĐH, CĐ; sau đó mới nộp cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Từ đây rắc rối xảy ra.
Thí sinh nộp lệ phí đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2013 tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH |
Từ năm 2006 đến nay, đã có gần 13 triệu lượt TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi với số tiền phải trích nộp nghĩa vụ lệ phí tuyển sinh Trung ương là hơn 60,32 tỉ đồng. Vì Vụ Giáo dục ĐH nộp bao nhiêu thì Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ghi thu bấy nhiêu nên số chênh lệch thiếu về lệ phí tuyển sinh Trung ương hằng năm mà cục phải thu từ số hồ sơ đăng ký dự thi của các trường ĐH, CĐ khá lớn.
Năm 2010, số tiền còn phải thu là hơn 1,14 tỉ đồng, năm 2011 là hơn 1,29 tỉ đồng. Trong vòng 4 năm (từ 2008 đến 2011), số lệ phí tuyển sinh Trung ương còn thiếu mà Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phải truy thu là hơn 3,73 tỉ đồng.
Trong năm 2012, lấy lý do bộ phận kế toán (cũ) của văn phòng đã hạch toán khoản thu trên (lệ phí tuyển sinh mã 99) là không có cơ sở, thiếu căn cứ để ghi sổ; số tiền trên bảng kê kèm theo chứng từ kế toán chỉ là số ước tính chưa được thực hiện đối chiếu, xác nhận hay cam kết thanh toán; đối tượng công nợ chỉ ghi chung chung là các trường ĐH, CĐ mà không có số liệu chi tiết, cụ thể của từng trường, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã đề nghị Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho phép xóa khoản công nợ phải thu này.
Ông Hiển sau đó đã có bút phê "đồng ý" vào văn bản nêu trên. Việc này đồng nghĩa với hơn 3,73 tỉ đồng đã "bốc hơi" khỏi ngân sách nhà nước.
Xử lý tùy tiện
Một chuyên gia giáo dục đánh giá việc làm này của lãnh đạo Bộ GD-ĐT là tùy tiện. Bởi lẽ, Thông tư liên tịch số 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT quy định chế độ thu, sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) ĐH, CĐ và TCCN đã quy định rõ phí dự thi, dự tuyển ĐH phải được sử dụng đúng mục đích và quản lý chi tiêu tiết kiệm theo chế độ tài chính hiện hành.
Việc quản lý khoản tiền này phải tuân theo quy định: Định kỳ 10 ngày một lần, cơ quan, đơn vị thu phải gửi toàn bộ tiền phí dự thi, dự tuyển ĐH và TCCN vào tài khoản tạm giữ "tiền phí, lệ phí" của cơ quan, đơn vị tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.
Cũng theo quy định hiện hành, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị và cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT để nghiên cứu giải quyết. Điều này đồng nghĩa với việc nếu có vướng mắc về khoản tiền này, cần phải xin cả ý kiến của Bộ Tài chính chứ không chỉ riêng Bộ GD-ĐT đứng ra giải quyết như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã làm.
Không thể nói "thiếu cơ sở"
Một chuyên gia kinh tế phân tích: Theo quy định của Bộ Tài chính thì việc ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước đối với phí dự thi, dự tuyển ĐH và TCCN của cơ sở giáo dục - đào tạo công lập thực hiện khi đơn vị được giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hằng năm về số thu, chi phí dự thi, dự tuyển. Hằng năm, phải lập dự toán thu - chi phí dự thi, dự tuyển đồng thời với dự toán tài chính. Vì thế, khoản lệ phí này đã được quy định quản lý một cách chặt chẽ, không thể nói là "thiếu cơ sở, thiếu căn cứ" hay "ước tính".