Nỗi cơ cực của người giảng viên trẻ
Trong đơn tố cáo gửi tới Báo Giáo dục Việt Nam, Ths. Trần Đức Thắng cho biết: Năm 2009, được sự đồng ý của nhà trường nên đã đăng ký dự thi nghiên cứu sinh khóa 30 chuyên ngành Kinh tế Tài chính Ngân hàng và đã trúng tuyển; được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là nghiên cứu sinh K30 năm 2009 của ĐH KTQD theo Quyết định số 9094/QĐ-BGDĐT ngày 31/12/2009.
Tới tháng 4/2010, anh Thắng được Khoa Ngân hàng – Tài chính (cũ) phân công sinh hoạt khoa học tại Bộ môn Ngân hàng Thương mại do hướng nghiên cứu về dịch vụ ngân hàng điện tử của các ngân hàng thương mại.
Tại đây, anh Thắng nhận được sự đóng góp của các thầy cô giáo trong bộ môn, đặc biệt là sự định hướng của PGS.TS Phan Thị Thu Hà - Trưởng bộ môn, nên đã chọn lĩnh vực nghiên cứu: “Chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử của các ngân hàng thương mại”.
Ngày 25/5/2011, khi đã hoàn thành tất cả các môn học của nghiên cứu sinh, sau khi duyệt đề tài và đề cương nghiên cứu, ĐH KTQD đã ban hành công văn số 992/QĐ-ĐHKTQD công nhận đề tài:
“Nghiên cứu mối quan hệ giữa chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử, mức độ thỏa mãn và mức độ trung thành của khách hàng ở Việt Nam”, giao cho GS.TS Cao Cự Bội làm giáo viên hướng dẫn. Trong giai đoạn này, anh Thắng hoàn thành 3 chuyên đề tiến sĩ.
Trên cơ sở văn bản đề nghị thành lập tiểu ban chấm chuyên đề tiến sĩ do Viện Ngân hàng – Tài chính đề nghị (ông Đặng Ngọc Đức – Phó Viện trưởng Thường trưc ký), ngày 30/11/2012, Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD đã ký quyết định thành lập Tiểu ban chấm chuyên đề tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Trần Đức Thắng.
Sau đó, Hội đồng đã thực hiện việc chấm, kết quả cả 3 chuyên đề của anh Thắng đều được Tiểu ban cho điểm 9 và gửi tới Viện Sau đại học.
Ngày 9/8/2013, anh Thắng tổ chức báo cáo khoa học về nội dung luận án trước Bộ môn Ngân hàng Thương mại, nghe đóng góp của các giáo viên trong bộ môn; hoàn thiện luận án và được GS.TS Cao Cự Bội đọc, chỉnh sửa, ký “đồng ý cho bảo vệ”, đề nghị Viện Ngân hàng – Tài chính cho bảo vệ cấp cơ sở.
Theo quy định, hồ sơ bảo vệ cấp cơ sở cần phải có 4 chữ ký của giáo viên hướng dẫn, trưởng bộ môn, đơn vị quản lý nghiên cứu sinh và nghiên cứu sinh vào bản báo cáo tiến độ của nghiên cứu sinh; Danh sách đề nghị hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở.
GS.TS Cao Cự Bội và PGS.TS Phan Thị Thu Hà đã ký. Tuy nhiên, lãnh đạo Viện Ngân hàng – Tài chính (trực tiếp là ông Đặng Ngọc Đức - Phó Viện trưởng Thường trực) không ký. PGS.TS Phan Thị Thu Hà và GS.TS Cao Cự Bội đã nhiều lần đề nghị ông Đức xác nhận cho anh Thắng bảo vệ nhưng không có kết quả.
Ths. Trần Đức Thắng bất ngờ bị chuyển bộ môn sinh hoạt, do đó không thể tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ. |
Sau đó, anh Thắng viết văn bản đề nghị Viện Ngân hàng – Tài chính không đồng ý thì có ý kiến bằng văn bản. Lúc này, ông Đức mới “thò” ra quyết định số 13/QĐ-VNHTC do chính ông Đức ký ngày 31/8/2012, phân công anh Thắng trở về Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp để sinh hoạt khoa học.
Điều đáng nói là quyết định này được ông Đức ký sau khi anh Thắng đã nghiên cứu được 3 năm, và trong cả quá trình này anh Thắng không hề nhận được quyết định điều chuyển bộ môn sinh hoạt khoa học. Giáo viên hướng dẫn và những đơn vị liên quan cũng không hay biết.
Trả lời PV Báo Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Phan Thị Thu Hà – Trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại: “Thật khổ thân cho anh Thắng đã phải nhẫn nhịn lắm đấy, nhưng chắc là bây giờ không chịu nổi nữa. Việc anh Thắng đã nghiên cứu 3 năm theo hướng đề tài tại Bộ môn Ngân hàng Thương mại rồi lại bị chuyển sang Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp khiến cho anh Thắng không thể tiếp tục hướng nghiên cứu cũ, và phải làm lại từ đầu. Tôi đã làm tất cả mọi việc đúng với chức trách nhà trường giao và đã nói thẳng với thầy Đức: Thầy làm như vậy là sai. Còn thầy Đức thì bảo tôi sai, cho nên tôi yêu cầu đưa ra bằng chứng rõ ràng là tôi sai cái gì?”.
Đáng nói hơn nữa, quyết định do ông Đức ký tên có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng luật pháp, thể hiện rất rõ ở chi tiết: Tháng 12/2012, ông Đặng Ngọc Đức ký văn bản đề nghị cho anh Thắng bảo vệ 3 chuyên đề theo đề nghị của nghiên cứu sinh, giáo viên hướng dẫn là GS.TS Cao Cự Bội và PGS.TS Phan Thị Thu Hà - Chủ nhiệm Bộ môn Ngân hàng Thương mại.
Nhưng quyết định số 13/QĐ-VNHTC ông Đức ký điều chuyển anh Thắng về sinh hoạt tại bộ môn Tài chính Doanh nghiệp thì đề 31/8/2012 (tức là trước 3 tháng khi anh Thắng bảo vệ chuyên đề).
Chẳng lẽ ông Đức “quên” mình đã ký điều chuyển cán bộ nên tiếp tục ký cho anh Thắng bảo vệ chuyên đề?
Cần làm rõ hành vi trù dập cán bộ
Trình bày sự việc với Báo Giáo dục Việt Nam, anh Thắng cho biết: “Tôi thực sự bị sốc vì mình bị trù dập như vậy, cho đến lúc này tôi không thể nào chịu đựng được nữa. Theo quy định của trường thì sau khi tôi đã được công nhận nghiên cứu sinh, việc chuyển bộ môn sinh hoạt chỉ thực hiện trong 6 tháng đầu, nhưng sau hơn 3 năm đồng chí Đức lại ra quyết định chuyển tôi sang bộ môn khác là không đúng, gây khó khăn cho việc bảo vệ luận án của tôi.
Sau đó, tôi đã nhẫn nhịn và nhiều lần đề nghị đồng chí Đức thực hiện đúng quy định của trường, nhưng đồng chí Đức nhất định không ký. Do vậy, tôi đã gửi đơn tố cáo tới Đảng ủy nhà trường, đề nghị làm rõ vụ việc để không còn những giảng viên trẻ khác rơi vào hoàn cảnh khốn khổ như tôi nữa”.
Ông Đặng Ngọc Đức - Phó Viện trưởng Thường trực Viện Ngân hàng - Tài chính (ĐH KTQD). |
Cũng theo anh Trần Đức Thắng, tính tới thời điểm này có 7 hậu quả không thể khắc phục được:
Thứ nhất, bị tạm dừng đào tạo vì quá thời hạn bảo vệ cấp cơ sở.
Thứ hai, chứng chỉ ngoại ngữ bị quá hạn nên không còn đủ điều kiện bảo vệ cơ sở. Để đủ điều kiện học tiếp sẽ phải thi lại, rất tốn kém thời gian và chi phí.
Thứ ba, phải tốn rất nhiều chi phí đóng học phí quá hạn.
Làm việc với PV Báo Giáo dục Việt Nam sáng 25/2, ông Đặng Ngọc Đức – Phó Viện trưởng Thường trực Viện Ngân hàng – Tài chính từ chối trả lời với lý do Trường ĐH KTQD đã thụ lý đơn tố cáo và có quyết định thành lập tổ xác minh do Hiệu trưởng Phạm Mạnh Hùng ký ngày 25/2.
Ông Đức nói: “Trong quyết định ghi rõ thời gian xác minh chỉ có 10 ngày, vậy sau 10 ngày nữa đăng tin này thì có gì đâu mà không sốt dẻo…”.
Thứ năm, danh dự bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất có thể nhiều người sẽ cho rằng tôi kém cỏi không viết nổi luận án.
Thứ sáu, hậu quả nghiêm trọng nhất là từ thời gian xin bảo vệ cơ sở tới nay đã 6 tháng, trong thời gian này nếu có đề tài nghiên cứu của một nghiên cứu sinh khác trùng ý tưởng thì những nội dung tôi đang theo đuổi trong đề tài không thể sử dụng tiếp, và còn có thể bị coi là đạo văn.
Thứ bảy, đề tài nghiên cứu này sử dụng rất nhiều số liệu (sơ cấp và thứ cấp), nhưng nay đã cũ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tâm huyết học tập 4 năm trời không còn giá trị.
Anh Thắng nói trong nỗi uất ức: “Ngăn cản tôi không bảo vệ được luận án tiến sĩ cũng có nghĩa là làm hạn chế sự đóng góp của tôi cho giáo dục và khoa học. Nếu tôi bảo vệ thành công, tôi tin rằng nhiều sinh viên và các nhà quản lý có thể sử dụng nghiên cứu này để áp dụng cho các công trình khoa học, áp dụng vào thực tiễn.
Đó là chưa kể, việc trù dập như vậy đã ngặn đứng những cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của tôi. Vì vậy, tôi rất mong lãnh đạo và Đảng ủy nhà trường sớm vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho tôi. Trong trường hợp quyền lợi của tôi không được bảo vệ thỏa đáng, tôi sẽ gửi đơn tới những cấp cao hơn nữa”.
Dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ vì sao lại có những sự việc bất thường nói trên? Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Phạm Mạnh Hùng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD và sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về vụ việc này trong thời gian tới.