Hội tụ cùng nhau tại tọa đàm áp lực giáo viên sau hàng loạt sự cố bạo hành học đường, các thầy cô giáo, các nhà quản lý ngành giáo dục....đã có dịp bày tỏ, mổ xẻ và thẳng thắn chỉ ra bệnh để đưa ra giải pháp căn cơ.
Tại tọa đàm, cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng trường tiểu học Dịch Vọng B (Hà Nội) chia sẻ một giáo viên tiểu học, một ngày đến trường 7 tiết và soạn 7 giáo án.
Ngoài dạy học, giáo viên còn phải chăm sóc học sinh kể cả bữa ăn bán trú. Tính ra, thời gian phải ở trường từ 7h30 và rời trường muộn nhất cũng phải 17h.
“Hiện nay, mỗi gia đình chỉ có 2 con nên khi đến trường sẽ có 6 người để ý, giám sát là cha mẹ và ông bà nội ngoại 2 bên.
Chúng tôi rất hạnh phúc khi chứng kiến ngày đầu cả gia đình cùng đưa trẻ đến trường. Nhưng khi có việc gì, chúng tôi cũng phải chịu áp lực gấp 6 lần.
Tôi đã nhiều lần trực tiếp giải quyết các vụ việc. Ví dụ học sinh nghịch quá mức, cô chỉ véo tai, không may cháu bị viêm tai giữa đọng lại một chút ráy tai ở trong, gia đình đi chụp chiếu và tôi đã phải giải quyết cả với ông bà nội và bố mẹ bé", cô Mai kể.
Theo cô Mai, có những sự việc "rất nhỏ" nhưng phụ huynh ngay lập tức đã chia sẻ lên mạng, tạo thêm áp lực cho giáo viên.
Theo cô Đỗ Thị Mai (đang phát biểu)- Hiệu trưởng trường tiểu học Dịch Vọng B (Hà Nội), ngoài dạy học, giáo viên còn phải chăm sóc học sinh kể cả bữa ăn bán trú. Tính ra, thời gian phải ở trường từ 7h30 và rời trường muộn nhất cũng phải 17h. (Ảnh: Thùy Linh) |
“Có những học sinh được nuông chiều và quá bao bọc, khi có vấn đề gì ở lớp ngay lập tức về mách bố mẹ. Từ thông tin một chiều, phụ huynh đã phản ứng và có thể phản ánh thẳng lên các cấp lãnh đạo”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Cô Mai còn kể "trăm thứ bà rằn" khác của nghề giáo như: Phải soạn, chấm bài và thậm chí đón sớm, trông muộn học sinh.
"Có những phụ huynh đi làm sớm lại mang con đến cổng trường từ 6h30. Và nếu không may học sinh có xảy ra chuyện gì thì trách nhiệm đó lại thuộc về nhà trường. Họ không nghĩ giáo viên chúng tôi cũng còn gia đình, chồng con. Đó cũng là áp lực lớn với chúng tôi", nữ hiệu trưởng nói.
Không những thế, hiện tại, trường Dịch Vọng B có 30 trẻ tự kỷ học hòa nhập, phụ huynh nhiều khi thiếu niềm tin và hay đổi lỗi cho giáo viên.
Trong khi đó, là một giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Hoàng Phương Ngọc, giáo viên Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, giáo viên phải chịu áp lực quả tải từ các phía bủa vây thậm chí từ chính học sinh của mình.
Những quy định nào không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên thì sẽ cắt bỏ |
Là giáo viên một trường chất lượng cao, cô Ngọc cho biết học sinh của mình có những em rất giỏi và điều đó đòi hỏi giáo viên phải luôn luôn tìm tòi để nâng cao tri thức để có thể giải đáp được các câu hỏi của học trò.
“Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những học sinh chỉ ở mức trung bình, nếu giáo viên dạy ở mức quá cao các em lại không hiểu. Có những em cá biệt về tính cách, về hoàn cảnh…
Trong một lớp học với nhiều trình độ học sinh, nhiều đặc điểm riêng như vậy, giáo viên chịu nhiều áp lực khi phải đáp ứng nhu cầu riêng của từng đối tượng, vừa phải có kiến thức, vừa phải tâm lý, và phải đối mặt với nhiều tình huống sư phạm.
Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức mà còn phải như chuyên gia tâm lý, lại phải như cha mẹ các em,” cô Ngọc chia sẻ.
Đưa ra hướng tháo gỡ áp lực của giáo viên, Phó giáo sư Nguyễn Đức Sơn (Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, giáo viên muốn vượt qua áp lực cần phải có “khả năng đề kháng”. Tuy nhiên, hiện nay điều này còn thiếu ở người giáo viên và cả trong chương trình đào tạo.
“Trong các trường sư phạm hiện nay có đào tạo kỹ năng mềm nhưng còn khá lẻ tẻ. Cần có một chương trình trong đó có những kỹ năng giúp người giáo viên có thể kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc để họ biết cách giải quyết vấn đề”.