Ngày 31/7/2018, Tòa án nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự giữa ông Hồ Văn Lương (nguyên giáo viên Trường trung học phổ thông Lê Hồng Phong, thành phố Biên Hòa) và bị đơn là nhà trường này (đứng đầu là Hiệu trưởng).
Thẩm phán Nguyễn Xuân Hướng giữ vai trò chủ tọa, điều hành phiên tòa này.
Đại diện cho ủy quyền của Trường trung học phổ thông Lê Hồng Phong là ông Phan Thanh Hoàng.
Một quyết định buộc thôi việc gây nhiều tranh cãi
Căn cứ theo đơn khởi kiện, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Hồ Văn Lương được nhận về dạy ở Trường Lê Hồng Phong, với 2 hợp đồng lao động có thời hạn, 1 hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Ngày 28/6/2016, Hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong đã có quyết định xử lý kỷ luật số 90, kỷ luật ông Lương với hình thức cuối cùng là buộc thôi việc.
Nguyên nhân: Ông Hồ Văn Lương được cho là có nhiều hành vi sai phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Giáo dục, điều lệ của nhà trường.
Tuy nhiên, khi đó, ông Lương cho rằng, quyết định xử lý kỷ luật mình này có các nội dung không đúng sự thật, bản thân không vi phạm gì đến mức để phải nhận án kỷ luật buộc thôi việc, nên ông Hồ Văn Lương đã làm đơn khiếu nại lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai.
Ông Hồ Văn Lương (phía xa hình) và đại diện ủy quyền của bị đơn đứng nghe tòa tuyên án (ảnh: P.L) |
Ngày 12/10/2016, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định 1020, yêu cầu Hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong phải hủy bỏ quyết định kỷ luật số 90, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lương theo đúng pháp luật quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai nói rằng, chưa đủ cơ sở để kết luận ông Hồ Văn Lương gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, và đề nghị xử lý thầy giáo theo Nghị định 27/2012 của Chính phủ.
“Chấp hành quyết định này, tôi trở về lại trường, nhưng Hiệu trưởng lại không bố trí lại công việc cho tôi theo hợp đồng làm việc, mà ngày 7/12/2016, Hiệu trưởng lại tiếp tục ký quyết định 2011, xử lý kỷ luật tôi với hình thức là buộc thôi việc” – Đơn khởi kiện của thầy giáo Lương viết.
Cựu giáo viên kiện Hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong ra tòa dân sự |
Lý do: Ông Hồ Văn Lương cũng cùng có rất nhiều hành vi sai phạm như vi phạm quy định đạo đức nhà giáo (kỷ luật khiển trách), vi phạm về quy định dạy thêm học thêm (kỷ luật mức cảnh cáo), không chấp hành sự phân công của lãnh đạo, gây ảnh hưởng đến công việc của đơn vị (kỷ luật cảnh cáo).
Tự cho mình không có các hành vi sai phạm như quyết định 201 đã nêu ra, ông Hồ Văn Lương đã làm đơn khởi kiện, đề nghị hội đồng xét xử tuyên theo hướng buộc nhà trường phải hủy bỏ quyết định này, nhận ông Lương quay trở lại làm việc.
Đồng thời, nhà trường còn phải bồi thường 19 tháng tiền lương, kể từ ngày ông Lương nhận quyết định buộc thôi việc cho đến nay.
Tại phiên tòa sơ thẩm vào chiều ngày 31/7, nguyên giáo viên Trường Lê Hồng Phong đã nói, quyết định buộc thôi việc mình là trái pháp luật, do nhà trường không có các bằng chứng để chứng minh, có nhiều sự vu khống ông Lương vi phạm các quy định đạo đức nhà giáo, dạy thêm thì chưa có biên bản ghi nhận của chính quyền địa phương hay Sở giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định.
Ngược lại, đại diện ủy quyền của Trường Lê Hồng Phong đã luôn khẳng định, quyết định buộc thôi việc áp dụng cho ông Lương là đúng theo quy định của pháp luật.
Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử có quan điểm trái ngược nhau
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai giữ quyền công tố cho biết, ngày 29/2/2016, nhà trường phát hiện ra sai phạm của ông Hồ Văn Lương.
Đến ngày ra quyết định xử lý kỷ luật ông Lương là 7/12/2016, có nghĩa là đã 9 tháng 7 ngày, quá thời hạn quy định, mà nhà trường lại không có quyết định kéo dài thời hạn của việc xử lý kỷ luật của ông Hồ Văn Lương.
Quá trình xử lý kỷ luật của ông Lương tại Trường Lê Hồng Phong là chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, nên có cơ sở để chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hồ Văn Lương.
Do đó, cơ quan công tố đã đề nghị, hội đồng xét xử vụ án tuyên trường phảo hủy bỏ quyết định buộc thôi việc, nhận thầy giáo này quay trở lại làm việc, chi trả các khoản tiền cần thiết cho ông theo đúng quy định.
Thế nhưng, trong phần tuyên án của mình, hội đồng xét xử vụ án đã quyết định không chấp nhận yêu cầu của cơ quan công tố.
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, điều 53 của Luật viên chức năm 2010 quy định rõ, thời hạn xử lý kỷ luật kể từ lúc phát hiện cho đến lúc ra quyết định là 24 tháng, nên Trường Lê Hồng Phong đã có cơ sở để ra quyết định buộc thôi việc đối với ông Hồ Văn Lương.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hồ Văn Lương khẳng định, ông sẽ tiến hành kháng cáo, xin xét xử phúc thẩm vụ việc này.
Song song đó, ông Lương cũng sẽ tiến hành mời luật sư, để chuẩn bị cho phiên tòa phúc thẩm lần tới.