Cuối năm học, giáo viên phải thực hiện các công việc đánh giá phân loại viên chức, đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên và một công việc vô cùng quan trọng là xét thi đua giáo viên vì đây là căn cứ để xét các danh hiệu thi đua và khen thưởng đối với giáo viên.
Trong bài viết này, người viết mong muốn cùng các bạn đồng nghiệp nhìn lại những quy định về xét thi đua liên quan đối với giáo viên trong năm học 2020 - 2021 này.
Việc xét thi đua khen thưởng đối với giáo viên trong năm học này tiếp tục thực hiện theo Nghị định 91/2017/NĐCP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
Thông tư số 12/2019/TT-BNV quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Thông tư số 21/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục.
Trên đây người viết xin được nêu một số điểm đáng chú ý, liên quan đến việc xét thi đua, khen thưởng giáo viên để các bạn đồng nghiệp gần xa cùng tham khảo.
(Ảnh minh họa: vtv.vn). |
Phân biệt danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cá nhân
Đối với danh hiệu thi đua gồm: Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; Chiến sĩ thi đua cơ sở; Lao động tiên tiến, Chiến sĩ tiên tiến.
Các hình thức khen thưởng gồm: Huân chương; Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước; Kỷ niệm chương, Huy hiệu; Bằng khen gồm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; Giấy khen.
Tiêu chuẩn danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận…(gọi chung là đạt sáng kiến kinh nghiệm).
Tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn quy định cho phù hợp, nhưng không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Tại Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, Bằng khen của Bộ trưởng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương các hạng: Tập thể, cá nhân được đề nghị xét khen thưởng phải có số phiếu đồng ý đạt tỷ lệ từ 70% trở lên trên tổng số thành viên của hội đồng thi đua khen thưởng cấp cơ sở và Hội đồng Thi đua - khen thưởng ngành Giáo dục.
Tiêu chuẩn danh hiệu Lao động tiên tiến
Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” được công nhận cho các giáo viên có thành tích sau:
Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao;
Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua;
Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;
Có đạo đức, lối sống lành mạnh.
Một số trường hợp đáng chú ý khác: Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, có kết quả học tập từ loại khá trở lên thì được tính để xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
Thời gian nghỉ thai sản theo, quy định được tính để bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”;
Đối với cá nhân chuyển công tác, cơ quan, tổ chức, đơn vị mới có trách nhiệm bình xét, tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” (trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ);
Trường hợp cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị điều động, biệt phái xem xét quyết định và được cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái xác nhận.
Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 10 tháng; bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.
Điều kiện để được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”
“Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
[…] Đã được tặng bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và 05 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 05 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở hoặc mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong thời gian đó có 05 lần được tặng giấy khen trở lên.
Điều kiện được tặng “Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương”
Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương để tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
Có thành tích xuất sắc được bình xét trong các phong trào thi đua do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương phát động hàng năm;
Lập được nhiều thành tích, có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;
Có 02 năm trở lên liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp cơ sở;…
Điều kiện nhà giáo được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”
Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” (sau đây gọi tắt là Kỷ niệm chương) là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng một lần cho cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục được cơ quan quản lý trực tiếp xác nhận đạt một trong các tiêu chuẩn sau:
Đối với cá nhân trong ngành Giáo dục:
Có thời gian công tác trong ngành Giáo dục đủ 20 năm trở lên. Trường hợp cá nhân đang công tác được cử đi học hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự, sau đó tiếp tục nhận công tác trong ngành Giáo dục thì thời gian đi học hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự được tính là thời gian công tác trong ngành Giáo dục để xét tặng Kỷ niệm chương.
Cá nhân có đủ thời gian công tác nhưng bị kỷ luật từ mức khiển trách đến dưới mức buộc thôi việc chỉ được xét tặng Kỷ niệm chương sau 02 năm, tính từ thời điểm hết thời hạn chịu kỷ luật; thời gian chịu kỷ luật không được tính để xét tặng Kỷ niệm chương;
Cá nhân đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được xét tặng sớm hơn so với thời gian quy định tại điểm a khoản này là 05 năm.
Trên đây là một số quy định cụ thể liên quan trực tiếp đến việc xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của giáo viên trong thời gian sắp tới.
Tài liệu tham khảo:
Nghị định 91/2017/NĐCP
Thông tư 12/2019/TT-BNV
Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT