Một số điểm mới về quy định xây dựng chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp

26/02/2024 06:32
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư mới về quy định quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng.

Ngày 19 tháng 02 năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BLĐTBXH quy định quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với trường cao đẳng, trường trung cấp và các cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; không áp dụng đối với các chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng tốt nghiệp và các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; thay thế cho Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

img-md-3698-14-16-58-178_1.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Website của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội).

Về yêu cầu đối với chương trình đào tạo, Thông tư này nêu rõ, thứ nhất là, chương trình đào tạo trình độ trung độ trung cấp, cao đẳng phải đáp ứng quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo.

Đối với những ngành, nghề chưa ban hành quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp thì phải đảm bảo đáp ứng quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 4 năm 2017; Thông tư số 04/2023/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 6 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BLĐTBXH.

Thứ hai là, phải xác định được danh mục và thời lượng của từng môn học, mô đun trong chương trình đào tạo; thời gian học lý thuyết, thời gian thực hành, thực tập và thời gian thi kết thúc môn học, mô đun.

Thứ ba là, nội dung và thời lượng học tập các môn học chung trong chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thứ tư là, chương trình đào tạo phải bảo đảm tính khoa học, logic, hệ thống, thực tiễn, phù hợp và linh hoạt; thích ứng được với sự đa dạng trong phương thức tổ chức đào tạo. Nội dung chuyên môn phải đáp ứng được những năng lực chính, cốt lõi của nghề nghiệp; những năng lực bổ trợ, tự chọn và nâng cao để người học lựa chọn phù hợp nhu cầu của bản thân.

Thứ năm là, quy định phương pháp đánh giá kết quả học tập phù hợp với phương thức tổ chức đào tạo, xác định mức độ đạt yêu cầu về năng lực của người học sau khi học xong các môn học, mô đun của chương trình đào tạo.

Thứ sáu là, nội dung chương trình đào tạo phải đáp ứng sự thay đổi của khoa học, công nghệ, yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và cả nước.

Thứ bảy là, đảm bảo tính hiện đại và hội nhập quốc tế, có xu hướng tiếp cận với trình độ đào tạo tiên tiến của các quốc gia phát triển trên thế giới; hướng tới yêu cầu xanh hóa trong đào tạo và các mục tiêu chuyển đổi số.

Thứ tám là, bảo đảm tính liên thông với trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp và liên thông với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ chín là, quy định cụ thể về các điều kiện tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Như vậy, so với Thông tư cũ, yêu cầu về chương trình đào tạo có bỏ một số mục: Tên ngành, nghề trong chương trình đào tạo phải tuân thủ theo Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành; Phân bổ thời gian, trình tự thực hiện các môn học, mô đun để đảm bảo thực hiện được mục tiêu giáo dục nghề nghiệp; Quy định những yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, để triển khai thực hiện chương trình đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và bổ sung mục: quy định cụ thể về các điều kiện tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Về cấu trúc của chương trình đào tạo, bao gồm 12 phần: Tên ngành, nghề đào tạo; Mã ngành, nghề (đối với những ngành nghề trong Danh mục); Trình độ đào tạo; Đối tượng tuyển sinh; Thời gian khóa học (năm học); Khối lượng kiến thức toàn khóa học (giờ, tín chỉ); Giới thiệu chương trình/mô tả ngành, nghề đào tạo; Mục tiêu đào tạo; Bảng tổng hợp năng lực của ngành, nghề trong chương trình đào tạo; Danh mục và thời lượng các môn học, mô đun (bắt buộc, tự chọn); Chương trình chi tiết các môn học, mô đun (bắt buộc, tự chọn); Hướng dẫn sử dụng chương trình.

Như vậy, so với Thông tư cũ, cấu trúc chương trình đào tạo có phần thay đổi khi bỏ mục "Thời gian đào tạo" và bổ sung thêm 2 mục mới là: Giới thiệu chương trình/mô tả ngành, nghề đào tạo và Bảng tổng hợp năng lực của ngành, nghề trong chương trình đào tạo.

Về thời gian khóa học, chương trình đào tạo trình độ cao đẳng được thiết kế thời gian từ 02 đến 03 năm học và phải đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu 60 tín chỉ;

Thời gian khoá học được thiết kế đối với chương trình đào tạo trình độ trung cấp từ 01 đến 02 năm học và phải đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, tối thiểu 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở;

Về thời gian học lý thuyết và thời gian thực hành, thực tập, đối với trình độ trung cấp: lý thuyết chiếm từ 25% - 45%; thực hành, thực tập, thí nghiệm từ 55% - 75% thời lượng của chương trình; đối với trình độ cao đẳng: lý thuyết chiếm từ 30% - 50%; thực hành, thực tập, thí nghiệm từ 50% - 70% thời lượng của chương trình.

Về tổ chức xây dựng chương trình đào tạo, Thông tư này nêu rõ, Ban chủ nhiệm/Tổ biên soạn đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn là có trình độ đại học trở lên, am hiểu và có kinh nghiệm về phát triển chương trình; có kinh nghiệm ít nhất 03 năm trực tiếp giảng dạy hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý trong lĩnh vực của ngành, nghề tham gia xây dựng chương trình; Có đại diện người lao động/người sử dụng lao động trong lĩnh vực chuyên môn liên quan, am hiểu về yêu cầu năng lực nghề nghiệp và các vị trí việc làm trong lĩnh vực của ngành, nghề.

Về Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo, phải đảm bảo số lượng thành viên Hội đồng thẩm định có số lẻ gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên; trong đó có ít nhất 01 ủy viên phản biện thuộc cơ sở đào tạo khác và 01 đại diện doanh nghiệp sử dụng lao động;

Thành phần Hội đồng thẩm định gồm: các nhà giáo, cán bộ quản lý đào tạo, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp. Thành viên Hội đồng thẩm định không là thành viên của Ban chủ nhiệm/Tổ biên soạn chương trình. Hội đồng thẩm định có ít nhất 1/3 thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp trình độ đào tạo và ngành, nghề tương ứng.

Các thành viên phải có trình độ đại học trở lên, có ít nhất 05 năm kinh nghiệm giảng dạy hoặc tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý trong lĩnh vực của ngành, nghề thẩm định.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, tối đa 03 năm chương trình đào tạo phải được tổ chức đánh giá để cải tiến, cập nhật, bổ sung những thay đổi theo quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu và yêu cầu về năng lực của người học; những tiến bộ của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực ngành, nghề đào tạo; các kết quả nghiên cứu liên quan đến chương trình, những thay đổi trong các môn học, mô đun hoặc nội dung chuyên môn để phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của thị trường lao động.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 04 năm 2024.

Tường San