Hợp tác quốc tế của trường nghề: Người trong cuộc nêu bất cập và đề xuất gỡ khó

08/02/2024 06:38
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Mặc dù việc hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng vẫn gặp phải khó khăn từ nhiều rào cản khách quan và chủ quan.

Quyết định số 2239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ "phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới".

Theo lãnh đạo tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có thể thấy rằng, việc thực hiện hợp tác quốc tế của hệ thống các trường nghề nước ta trong những năm gần đây đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều thuận lợi cho nhà trường và người học.

Sự chuyển mình của các trường nghề từ hợp tác quốc tế

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội bày tỏ, việc hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường diễn ra chủ yếu từ 2 loại hình.

Thứ nhất là, hợp tác cùng các doanh nghiệp quốc tế trong và ngoài nước trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho chính các doanh nghiệp đó; các doanh nghiệp hỗ trợ cho nhà trường trường về nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp thu hút tuyển sinh và gia tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Thực tế, các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) ở trong nước và các doanh nghiệp quốc tế thường xuyên tổ chức các chương trình hợp tác với nhiều trường nghề của Việt Nam rất hiệu quả. Họ cùng tham gia đào tạo với nhà trường và ký hợp đồng lao động với học sinh, sinh viên ngay từ khi các em nhập học (chi trả toàn bộ chi phí ăn ở, học tập, sinh hoạt cho người học).

Thứ hai là, hợp tác cùng các trường đại học, cao đẳng quốc tế nhằm tổ chức các khóa trao đổi sinh viên, bồi dưỡng giảng viên, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo ngôn ngữ; học sinh, sinh viên sang du học hoặc làm việc tại nước sở tại của các trường đại học, cao đẳng quốc tế này; giải quyết bài toán đầu ra cho người học.

z5141172927807_15be73b46289a2af9ffe6597972ec6c8.jpg
Thầy Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (bên trái) trong buổi đến thăm và làm việc với nhà trường của ông Torsten Schnurre Chủ tịch Thành phố Bad Brambach, Cộng hòa Liên bang Đức (bên phải) (Ảnh: NVCC).

Ngoài 2 loại hình trên, trường nghề còn liên kết với các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức phi chính phủ tại nhiều nước trên thế giới trong việc hợp tác cùng phát triển.

Có thể thấy rằng, hiện nay các quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc do có nhu cầu cao về nguồn nhân lực có kỹ năng, kỹ thuật nên rất tích cực tổ chức các chương trình hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Tất nhiên, bản thân các sơ sở giáo dục nghề nghiệp muốn nâng cao chất lượng từ việc liên kết quốc tế cũng phải tự nâng giá trị, sự uy tín lên mới có thể hợp tác được với họ.

Với mục tiêu phát triển việc hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, thầy Khánh cho biết, ngoài sự cố gắng của nhà trường, đội ngũ nhà giáo, trường đã đề xuất với thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội cần có cơ chế phối hợp, hợp tác công – tư để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà trường trong việc hợp tác với các doanh nghiệp, trường học quốc tế.

Nói về thực trạng hợp tác quốc tế của các các sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay, Thạc sĩ Nguyễn Phan Anh Quốc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận cho hay, so với trước kia, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện đã chủ động hơn trong việc kết nối với các doanh nghiệp, trường học quốc tế với những hoạt động được thực hiện hiệu quả như trao đổi sinh viên hay đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nước ngoài,...

Có thể thấy rằng, đây là một tín hiệu tích cực, giúp mang lại nhiều thuận lợi cho các trường nghề. Bởi, qua hoạt động liên kết quốc tế như vậy, các nhà trường sẽ nhận được những kinh nghiệm, kỹ thuật công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới; tạo điều kiện cho công tác tuyển sinh tốt hơn. Thực tế đã chỉ ra rằng, khi nhà trường đi tuyển sinh và giới thiệu về các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế mà mình đang có sẽ tạo được sự hứng thú, thu hút người học.

Không những vậy, việc thực hiện các hoạt động, chương trình liên kết với các doanh nghiệp, trường học quốc tế cũng giúp cho các thầy, cô nhà trường được nâng cao những kỹ năng, năng lực của mình;

Sinh viên có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn học những lĩnh vực, chuyên môn mà các nước tiên tiến đang cần cũng như theo xu thế phát triển của thế giới; đem lại con đường rộng mở cho những em muốn ra nước ngoài du học, làm việc.

Đối với Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, việc hợp tác quốc tế được thực hiện nhiều nhất là qua các tổ chức như với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức từ năm 2008.

Theo đó, tổ chức này đã hỗ trợ nhà trường trong việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên. Nhờ vậy, các thầy cô của trường đã được đi học tập cả ở trong và ngoài nước nên họ đã có kết nối với nhiều tổ chức khác như với một số doanh nghiệp bên Đức hoặc chuyển giao chương trình đào tạo từ Đức sang,... Ngoài ra, trường còn thực hiện với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản.

Hiện, trường cũng đang thực hiện hoạt động hợp tác với Hiệp hội các trường cao đẳng ASEAN. Sắp tới, thầy Quốc cho biết, nhà trường sẽ triển khai các hoạt động trao đổi về giáo viên, sinh viên, học thuật giữa các trường trong khối ASEAN với nhau để gia tăng sự kết nối, học hỏi, giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, tuyển sinh mạnh mẽ hơn nữa.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang, việc đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề là 2 trong 8 nhiệm vụ, giải pháp được ghi trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Trong 2 năm vừa qua, các trường nghề đã luôn chú trọng việc mở rộng liên kết doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề. Bước chuyển mình ấy không chỉ giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giải quyết bài toán đầu ra về việc làm cho sinh viên, mà còn nâng chất lượng nguồn nhân lực do mình tham gia đào tạo.

Thực tế cho thấy, uy tín, thương hiệu, vị thế của trường nghề được xác lập từ nhiều yếu tố, trong đó việc liên kết doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề là yếu tố không thể thiếu.

Trong Chiến lược phát triển 10 năm ban hành vào tháng 11/2021, Trường Cao đẳng Tiền Giang đã xác định liên kết doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề là 2 trong bảy nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện để vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa giải quyết đầu ra cho sinh viên trong môi trường làm việc trong nước và quốc tế.

Theo đó, trường đã ký hợp đồng/thỏa thuận liên kết hợp tác chiến lược với 24 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong đào tạo nghề.

Các doanh nghiệp ký kết hợp tác chiến lược với nhà trường vừa tham gia góp ý đề trường rà soát hiệu chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực thực hiện, vừa tham gia thực hiện hoạt động định hướng và huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên, tiếp nhận sinh viên thực tập nghề nghiệp và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp.

Trong hợp tác quốc tế về đào tạo nghề, trường mới thực hiện bước đầu qua việc tiếp nhận 10 tình nguyện viên của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA (mỗi năm có 1 - 2 tình nguyện viên) đến trường để tư vấn, hỗ trợ phương pháp đào tạo và kỹ năng nghề cho sinh viên.

Theo đó, các tình nguyện viên vừa hỗ trợ phương pháp đào tạo nghề vừa nghiên cứu thực hiện các dự án hỗ trợ thiết bị đào tạo cho các nghề thuộc lĩnh vực Điện công nghiệp, Kỹ thuật nhiệt lạnh, Kỹ thuật ô tô và Công nghệ thông tin (20.000 USD/ dự án). Không những vậy, trường còn thực hiện công tác đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực xuất khẩu lao động sang Nhật Bản với số lượng khiêm tốn, không quá 100 sinh viên/ năm.

Có tình trạng doanh nghiệp nước ngoài phải xếp hàng để xin được cho tặng máy móc

Tuy nhiên, theo thầy Khải, thực tế những năm qua cho thấy, việc liên kết doanh nghiệp và hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn.

unnamed.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Quang Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang (Ảnh: Website nhà trường).

Về liên kết với doanh nghiệp quốc tế trong nước, thầy Khải bày tỏ, chúng ta chưa giải quyết hài hòa quyền lợi 3 bên doanh nghiệp - nhà trường - người học.

Cụ thể, khi doanh nghiệp muốn tiếp nhận học sinh, sinh viên trường nghề đến thực tập nghề nghiệp dài ngày nhưng trường không thể sắp xếp được do phải thực hiện theo khung tiến độ đào tạo; nhà trường muốn học sinh, sinh viên được thực tập nghề nghiệp theo đúng yêu cầu mô-đun thực hành nghề nhưng doanh nghiệp không thể đáp ứng hết các nội dung vì ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Người học muốn tiếp cận môi trường làm việc đa dạng tại doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp chỉ có thể đáp ứng một phần do phải thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo các đơn hàng đã ký kết; Nhận thức của người dân về xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài còn nhiều hạn chế,...

Trong khi đó, thầy Quốc cho rằng, hiện nay, việc hợp tác quốc tế đối với các trường nghề còn gặp khó khăn bởi rào cản về ngôn ngữ vì khả năng ngoại ngữ của giảng viên, học sinh, sinh viên tại nhiều trường còn hạn chế, đặc biệt là đối với những đơn vị hợp tác đến từ các nước không sử dụng tiếng Anh.

Hơn nữa, tài chính để triển khai các hoạt động hợp tác này đòi hỏi đầu tư cho theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tư cho giáo viên, trang thiết bị đào tạo, vật tư thực hành đòi hỏi nguồn đầu tư cũng là một trong những rào cản đối với những hoạt động liên kết quốc tế. Bởi, nếu nguồn đầu tư này khi nhiều hơn mà không được nhà nước hỗ trợ, tất yếu người học phải đóng mức học phí cao hơn và sẽ là thiệt thòi cho những sinh viên muốn theo học nhưng có hoàn cảnh khó khăn.

Thầy Khánh cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc liên kết quốc tế của các trường cao đẳng, trung cấp nghề hiện nay.

Thứ nhất là, thực tế có nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn hợp tác để hỗ trợ các trang thiết bị công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường nghề để có thể đón đầu tuyển dụng người học.

Thế nhưng, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào để thực hiện việc cho tặng như vậy nên có tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài phải xếp hàng để xin được cho tặng máy móc, trang thiết bị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng không được.

Thầy Khánh thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn về vấn đề này nhưng Bộ Lao động nhưng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vẫn chưa có nên các trường nghề gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận những máy móc, trang thiết bị hiện đại chuẩn quốc tế.

Thứ hai là, khi các doanh nghiệp, trường học nước ngoài muốn trao tặng các phần mềm mô phỏng, phần mềm điện tử cho trường nghề của nước ta và để có thể đối ứng được các thiết bị công nghệ cao như vậy, các trường nghề cần phải có máy tính cấu hình cao.

Tuy nhiên, nhiều khi những thiết bị để đối ứng không nằm trong danh mục được phép mua nên các trường không thể tiếp nhận những phần mềm này.

Thứ ba là, do còn nhiều vấn đề vướng mắc bởi những chính sách liên quan đến tài sản nhà nước nên nhiều doanh nghiệp quốc tế sợ bị kiện tụng hay thực sai quy định của nước ta. Đây là khó khăn rất lớn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Chính vì vậy, rất cần có chính sách linh hoạt hơn trong việc tổ chức đào tạo, nghiên cứu hợp tác sản xuất và thương mại với doanh nghiệp quốc tế đối với các trường nghề.

Thứ tư là, việc hợp tác quốc tế của các trường còn bị gặp hạn chế do thủ tục xuất nhập cảnh phức tạp. Đơn cử, khi các tổ chức nước ngoài tổ chức hội nghị, hội thảo nhưng thủ tục để các cán bộ quản lý đơn vị cho phép lại rất lâu. Nhiều khi xin được rồi lại quá thời gian tổ chức dẫn tới nhiều chương trình hợp tác không thể thực hiện được.

Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn từ công tác tuyển sinh đến tổ chức đào tạo.

Vậy nên, thầy Khánh kiến nghị, để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong năm mới Giáp Thìn 2024, cần có sự đầu tư, quan tâm của nhà nước và xã hội mạnh mẽ hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước trong thời gian tới.

Tường San