Mũ bảo hiểm thông minh cảnh bảo ngủ gật và say rượu bia

22/09/2019 07:21
AN NGUYÊN
(GDVN) - Chiếc mũ bảo hiểm thông minh có thể đo nồng độ cồn trong cơ thể cũng như kiểm tra mức độ buồn ngủ của chủ sử dụng khi tham gia giao thông.

Mũ bảo hiểm thông minh (Smart Helmet) là sản phẩm Ambition mang đến cuộc thi IoT-AI Hackathon 2019 với chủ đề “Internet of Things and Artificial Intelligence – Kỷ nguyên của sự kết nối”.

Nhóm Ambition sinh viên gồm: Đặng Minh Nhật, Phạm Xuân Sang, Nguyễn Đình Bảo Quang, Hoàng Tiến Hải Đăng (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) và Nguyễn Thanh Hoàng (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) đã trình diễn một sáng chế độc đáo với nhiều khả năng ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống.

Kiểm tra nồng độ cồn

Theo bạn Đặng Minh Nhật (trưởng nhóm), trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay thì giao thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi quốc gia.

Chiếc mũ bảo hiểm thông minh có thể cảnh báo ngủ gật và đo nồng độ cồn. Ảnh: AN
Chiếc mũ bảo hiểm thông minh có thể cảnh báo ngủ gật và đo nồng độ cồn. Ảnh: AN

Tuy nhiên, ở nước ta tỷ lệ xảy ra tai nạn giao thông rất lớn với hơn 18.736 vụ (số liệu thống kê trong năm 2018).

Trong đó, số vụ tai nạn liên quan đến mô tô, xe gắn máy chiếm trên 85%, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do bia rượu, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông và mất tập trung, buồn ngủ khi lái xe.

Vì vậy nhóm đã đưa ra ý tưởng phát triển thiết bị mũ bảo hiểm thông minh để giảm thiểu tình trạng trên.

Mục đích của sản phẩm là tập trung vào sự tiện lợi khi tham gia giao thông, đo nồng độ cồn trong cơ thể cũng như kiểm tra mức độ buồn ngủ của chủ sử dụng phương tiện 2 bánh.

Bất ngờ với các sản phẩm thông minh được chế tạo bởi học sinh cấp 2

Bạn Phạm Xuân Sang giải thích thêm, các bộ phận chính của chiếc mũ gồm: tai nghe và mic đàm thoại bluetooth cho mục đích nghe gọi cá nhân và hỗ trợ giao tiếp với trợ lý ảo Google assistant (hoặc Siri).

Thông qua Bluetooth bằng cách sử dụng module OVC3860 và một nút bấm gắn trên mũ (thuận tiện cho việc bắt máy, gọi trợ lý ảo, và tương tác với cảm biến/chức năng khác).

Trong đó, để kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe đo nồng độ bằng module cảm biến nồng độ cồn MQ3 và gửi cảnh báo.

Cảnh báo và đưa ra những gợi ý đảm bảo an toàn cho người sử dụng khi nồng độ cồn vượt mức 0.25 mg/L (theo quy định điều 6 nghị định 46/2016/NĐ-CP) đồng thời gửi tin nhắn cảnh báo đến với người thân.

“Cảnh báo và gửi thông tin kịp thời khi có va đập mạnh với việc sử dụng module cảm biến MPU-6050 GY-521 đo gia tốc của người lái xe. Nếu gia tốc thay đổi đột ngột tức là đã có va chạm xảy ra với chủ phương tiện.

Khi va chạm xảy ra, cảm biến sẽ gửi thông tin về điện thoại thông minh. Lúc này ứng dụng trên điện thoại thông minh sẽ rung lên và đưa ra một số câu hỏi kiểm tra tình hình người điều khiển (người điều khiển có thể phản hồi bằng nút bấm ở mũ hoặc thông qua giọng nói).

Nếu sau 40 giây không có phản hồi từ người dùng, chức năng định vị của smartphone sẽ được kích hoạt.

Đồng thời gửi cảnh báo và vị trí của người điều khiển cho người thân hoặc một số cơ quan chức năng về tình hình hiện tại để biết và kịp thời xử lý tình huống”, Sang giải thích cơ chế hoạt động của mũ.

Sau khi xảy ra va chạm và không nhận được phản hồi từ chủ điều khiển phương tiện, ứng dụng trên điện thoại sẽ can thiệp và hiện một bảng thông báo trên màn hình điện thoại thông minh.

Và đưa ra những gợi ý nếu như có người qua đường ở gần đó, bao gồm số đường dây nóng của những cơ quan chức năng, những cách sơ cứu y tế phân chia theo từng trường hợp cụ thể…

Cảnh báo ngủ gật

Đối với việc phát hiện buồn ngủ thì bạn Hoàng Tiến Hải Đăng (thành viên nhóm) chia sẻ thêm, có 2 phương pháp được áp dụng để nhận diện buồn ngủ.

Đó là khi buồn ngủ, người lái thường có xu hướng cúi gập đầu về một phía. Lúc này cảm biến cảm biến MPU-6050 sẽ đo góc lệch mũ bảo hiểm và dùng timer để đo khoảng thời gian lệch. Từ đó xác định được người lái có đang buồn ngủ hay không?

Học sinh trường chuyên sáng chế chân giả thông minh cho người khuyết tật

Thứ hai là dựa vào dấu hiện sinh lý, khi rơi vào trạng buồn ngủ thì có sự giảm đột ngột nhịp tim. Cảm biến nhịp tim sẽ đo đạc số liệu và có thuật toán thích hợp để xác định liệu người lái có đang buồn ngủ hay không.

Nếu mũ phát hiện buồn ngủ thì sẽ phát âm thanh qua tai nghe với tần số thích hợp để đủ đánh thức người lái xe. Nếu người lái đã tỉnh táo có thể nhấn nút nhấn ở mũ để tắt âm báo thức (cảm biến nhịp tim heart pulse sensor).

Ngoài ra, chiếc mũ này còn một số tính năng thông minh khác như: đóng/mở kính chắn gió của mũ tự động, trang bị thêm led để tránh va chạm vào ban đêm cũng như tăng thêm tính thẩm mỹ cho mũ…

“Từ sản phẩm ban đầu này, nhóm mong nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô, doanh nghiệp để phát triển sản phẩm và giải quyết những lỗi về phần cứng lẫn phần mềm của sản phẩm. Từ đó có thể sớm ứng dụng vào thực tiễn”, bạn Hoàng chia sẻ.

AN NGUYÊN