Muốn khuyến khích khối tư thục mở trường chuyên, cần làm gì

10/04/2022 06:43
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để tạo điều kiện cho trường chuyên tư thục phát triển phải ưu tiên tuyển sinh cho các trường chuyên tư thục trước, sau đó mới tuyển sinh vào trường công lập.

Ngày 21/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện "Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020".

Theo đó, về phương hướng phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị:

"Xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường chuyên còn thiếu, xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh."

Một trong những thông tin rất đáng chú ý là Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh.

Điều này cũng được hiểu là mô hình trường chuyên với sự tham gia thành lập và điều hành của khối tư nhân.

Phát biểu của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được sự quan tâm của cộng đồng giáo viên, doanh nghiệp tư nhân cả nước, có thể nói hành lang pháp lý đã có từ lâu nhưng việc cụ thể hóa bằng hành động thì vẫn còn chờ cơ chế, chỉ đạo.

Mở rộng trường chuyên tư thục giảm ngân sách “khủng” cho trường chuyên công lập. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Mở rộng trường chuyên tư thục giảm ngân sách “khủng” cho trường chuyên công lập. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Hạn chế trường chuyên công lập, mở rộng trường chuyên tư thục để giảm áp lực ngân sách chi cho trường chuyên

Hiện nay, các địa phương gần như đều có trường chuyên công lập được hình thành với nguồn kinh phí xây dựng và hoạt động vô cùng lớn.

Trong đó, nổi bật là trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam với kinh phí 469 tỷ đồng năm 2005; trường trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh - "trường học kiểu mẫu đẳng cấp quốc tế" với kinh phí 600 tỷ đồng năm 2016, có phòng tập thể hình, bể bơi, sân bóng rổ...; trường trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc đang được xây dựng với tổng mức đầu tư lên tới 473 tỷ đồng,…[*]

Bên cạnh đó về nguồn ngân sách chi cho trường chuyên về cơ sở vật chất, các phong trào, giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi,… hàng năm cũng là con số rất lớn.

Các chính sách về ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và học sinh cũng là con số không nhỏ.

Các mức ưu đãi, khen thưởng giáo viên và học sinh trong các phong trào hội thi dành cho trường chuyên cũng nhiều hơn so với các trường phổ thông khác.

Gần đây, nhiều địa phương sẵn sàng dùng ngân sách tiền tỷ để trải thảm đỏ mời giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi vì tiền tỷ đó thực chất là ngân sách của nhà nước, không phải tiền tư nhân.

Hiệu quả chưa biết đến đâu nhưng lại mất rất nhiều tiền trong khi ngân sách đang eo hẹp, khó khăn, đây là vấn đề đáng bàn trong giai đoạn hiện nay.

Mở rộng trường chuyên tư thục lợi đôi đường

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị mở rộng trường chuyên tư thục là đề nghị hết sức đúng đắn giai đoạn hiện nay, thúc đẩy, mở rộng mô hình trường tư thục, dân lập, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia vào giáo dục và quan trọng là giảm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm chi cho các trường chuyên công lập mỗi năm.

Bên cạnh đó, việc này cũng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tinh giản được biên chế, tạo điều kiện doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Thời gian qua, việc tuyển sinh một số trường dân lập, tư thục có nơi bị cản trở ở khâu tuyển sinh do cơ chế, nhiều trường công lập sau khi tuyển hết chỉ tiêu còn lại những học sinh yếu mới dành cho khối tư thục.

Việc này khiến các trường tư thục hết sức khó khăn, mất đi khả năng cạnh tranh lành mạnh, phát triển.

Trường tư thục, dân lập không dùng ngân sách, tự đầu tư,… nên cần được ưu tiên trong tuyển sinh, ưu tiên cho xây dựng và phát triển để không chỉ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phù hợp sự tiến bộ của thế giới mà còn giảm ngân sách chi cho các trường công, giảm biên chế trường công, giảm chi đầu tư xây dựng trường công,… là việc nên được khuyến khích.

Nhiều ngôi trường tư thục, dân lập được tư nhân bỏ tiền túi ra đầu tư, xây dựng bài bản, khoa học nhưng có thể “phá sản” vì những cơ chế, vướng mắc trong tuyển dụng học sinh, sinh viên và có cả bị “ép” trong quá trình hình thành và phát triển.

Do đó, theo quan điểm người viết cần có thêm cơ chế khuyến khích, mở rộng và trao ưu tiên tuyển sinh cho các trường chuyên tư thục, hạn chế trường chuyên công lập.

Để tạo điều kiện cho trường chuyên tư thục phát triển phải ưu tiên tuyển sinh cho các trường chuyên tư thục trước, sau đó mới tuyển sinh vào trường công lập là việc hợp lý.

Các em học sinh giỏi, gia đình có điều kiện thì mạnh dạn đăng ký và tuyển sinh vào các trường tư thục chuyên để phát triển nhân tài, các em cũng được thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế như các em ở trường công lập.

Rất mong trong thời gian tới, cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường mở rộng trường tư thục nhất là khối trường chuyên để giảm ngân sách chi cho các trường chuyên, tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vào giáo dục, phát triển nhân tài và đa dạng hình thức đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho sự phát triển.

Tài liệu tham khảo:

[*] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/truong-chuyen-duoc-cac-tinh-uu-ai-den-co-nao-651580.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam