Ngày 21 tháng 3 năm 2014, Trung Quốc biên chế tàu khu trục tên lửa Côn Minh Type 052D cho Hạm đội Nam Hải |
Tờ "Washington Free Beacon" Mỹ ngày 26 tháng 3 đăng bài viết "Ba loại phương thức tác chiến". Theo bài báo, một nghiên cứu do Lầu Năm Góc tài trợ cho biết, Trung Quốc đang phát động "chiến tranh chính trị" đối với Mỹ, đây là một phần của chiến lược trục xuất quân Mỹ khỏi châu Á, kiểm soát biển gần.
Báo cáo này được Văn phòng Đánh giá tổng quát (nghiên cứu tác chiến tương lai) của Lầu Năm Góc ủy thác cho nhà thầu quốc phòng viết. Nó đã miêu tả chi tiết "tam chiến" gồm tâm lý chiến, dư luận chiến và pháp lý chiến của Trung Quốc.
Chúng là một loại "kỹ thuật quân sự" phi đối xứng, là sự thay thế đối với xung đột liên quan đến vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Bản báo cáo công khai với 566 trang này cảnh báo, Chính phủ và Quân đội Mỹ thiếu biện pháp có hiệu quả ứng phó với phương thức tác chiến loại này.
Giáo sư Stefan Halper, Đại học Cambridge chỉ đạo những nghiên cứu này nói: "Tam chiến là một quá trình tác chiến lập thể động thái... là vũ khí lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc ở Biển Đông".
Căn cứ vào báo cáo này của Lầu Năm Góc, tư tưởng nền tảng để Trung Quốc triển khai "tam chiến" là, thời đại thông tin hiện đại làm cho vũ khí hạt nhân không được sử dụng, cũng làm cho phương thức dùng vũ khí thông thường đạt mục tiêu chính trị rất có vấn đề.
Tàu khu trục tên lửa Lan Châu Type 052C của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Trong khi đó, mục tiêu của Trung Quốc là giành giật tài nguyên, tầm ảnh hưởng, lãnh thổ và thể hiện ý chí quốc gia. Báo cáo cho rằng, "tam chiến của Trung Quốc nhằm đối phó với ảnh hưởng sức mạnh của Mỹ (ở châu Á)".
Lầu Năm Góc coi vũ khí công nghệ cao như tên lửa chống vệ tinh và khả năng tác chiến mạng của Trung Quốc là vũ khí ngăn chặn quân Mỹ tiến vào Biển Đông hoặc hoạt động tự do ở đó, cho rằng 10 năm tới Bắc Kinh sẽ sử dụng thủ đoạn tác chiến phi thông thường trong rất nhiều vấn đề, từ tranh chấp Đông Bắc Á đến Biển Đông.
Trung Quốc sử dụng tâm lý chiến, dư luận chiến và pháp lý chiến là một phần trong các nỗ lực muốn gây "nghi ngờ về tính hợp pháp đối với sức mạnh quân sự của Mỹ". Mục tiêu là làm suy yếu ý chí của các đối thủ, làm thay đổi nhận thức, tư tưởng của họ.
Trung Quốc còn lợi dụng "tam chiến" thúc đẩy bành trướng quân sự và tầm ảnh hưởng toàn cầu, bảo đảm an toàn tuyến đường vận chuyển dầu mỏ trên biển. Một mục đích khác của người Trung Quốc là thông qua gây phiền phức cho máy bay và tàu hạn chế hoạt động do thám của Mỹ và việc triển khai thường lệ của Hải quân Mỹ.
Tàu đổ bộ cỡ lớn Trường Bạch Sơn, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Báo cáo này kêu gọi Washington thực hiện biện pháp đáp trả có hiệu quả đối với "tam chiến" của Bắc Kinh.
Bao gồm thông qua hành động pháp lý thách thức Trung Quốc, mạnh mẽ hỗ trợ cho các nước trong khu vực; về quân sự, tiếp tục sử dụng tàu và máy bay tiến hành trinh sát/do thám, đồng thời dùng vũ lực bảo vệ cho họ tránh bị gây phiền phức.
Ngoài ra, Mỹ cần tiến hành diễn tập hải quân và diễn tập tự do hàng hải nhiều hơn ở các vùng biển được Bắc Kinh tuyên bố là "đặc quyền kinh tế của Trung Quốc" để thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với "vùng biển tranh chấp", đồng thời phải tăng cường "ngoại giao công cộng" ở châu Á.
Báo cáo cảnh báo, ứng phó đơn độc với 3 cuộc chiến phi thông thường này là vấn đề "dễ kiểm soát", nhưng chúng gộp lại làm một sẽ tạo ra thách thức cho khái niệm chiến tranh truyền thống của Mỹ.
Người Trung Quốc coi "tam chiến" là một loại vũ khí mang tính tấn công, điều này hoàn toàn khác với tư tưởng của khoa học quân sự Mỹ.
Sử dụng những thủ đoạn tác chiến này có nghĩa là Bắc Kinh đang sử dụng một công nghệ quân sự mới mà trước đây chưa được phương Tây cân nhắc nhằm giành lấy mục tiêu chiến lược. Để ứng phó với vấn đề này, báo cáo kiến nghị Nhà Trắng lập ra cơ quan, phối hợp đáp trả "tam chiến" của Trung Quốc.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Huệ Châu, Type 056 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |