Nhiều chính trị gia Mỹ đã kêu gọi người dân nên bày tỏ thái độ "sốc" trước sự kiện Nga điều quân tới Ucraine và lên án mạnh mẽ hành động này đồng thời kêu gọi biện pháp trừng phạt thương mại, ngoại giao để ngăn chặn cái họ gọi là hành vi xâm phạm một quốc gia có chủ quyền.
Tàu quét mìn Nga tại căn cứ ở Sevastopol, Crimea, Ucraine. |
Tuy nhiên, phản ứng của Mỹ đối với tình hình hiện nay ở Ucraine là không phù hợp bởi Washington có vấn đề về uy tín trong tình huống này.
Trước khi can thiệp vào tình hình ở Iraq, Mỹ đã từng khởi động chiến tranh tại Afghanistan, tham gia chiến tranh vùng Vịnh, Panama. Trong khi Mỹ lên án Moscow xâm lược Ucraine thì họ vẫn bắn tên lửa vào dân thường Pakistan, Yemen, Somalia.
Việc Mỹ không thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin thay đổi quyết định điều quân tại Ucraine còn xuất phát từ thực tế rằng Mỹ đã phản ứng khá "yếu ớt" trong vấn đề này nên không thể tránh khỏi thất bại.
Cho đến thời điểm này, Mỹ đã không đưa ra mối đe dọa quân sự nào đáng tin cậy để buộc ông Putin thay đổi ý định. Lầu Năm Góc tuyên bố ngừng hợp tác quân sự với Nga, nhưng nói rằng sẽ không gửi quân đến Ucraine.
Dù Liên Xô đã sụp đổ nhưng Nga vẫn là một siêu cường. Với vũ khí hạt nhân, Moscow có thể đặt ra một mối đe dọa hiện hữu với bất kẻ thù nào. Chỉ có một quốc gia không thể bị khuất phục dù các tàu sân bay đột ngột xuất hiện trước mặt thì đó chính là Nga.
Trong khi chỉ trích Nga thậm tệ, Mỹ cũng bị cáo buộc "xâm lược" nhiều quốc gia khác. |
Nếu muốn thuyết phục Nga thu hồi quân đội từ Crimea thì điều cần phải làm ngay hiện nay là tìm hiểu lý do khiến Putin tức giận. Khi Ucraine nổi lên như một nhà nước có chủ quyền sau khi Liên Xô tan rã, Kiev đã đồng ý cho Hải quân Nga duy trì căn cứ của họ tại bán đảo Crimea. Sau khi chính quyền thân Nga của Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ bởi lực lượng thân phương Tây, dĩ nhiên điện Kremlin không thể đứng nhìn mà không lo lắng.
Các nhà lãnh đạo Nga không có lý do gì để lo sợ từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể cả khi Moscow bị truất quyền phủ quyết. Việc "đá" Nga ra khỏi G8 có thể giáng một đòn mạnh vào uy tín của Moscow, nhưng sẽ không khiến Putin mất ngủ nhiều.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga mà Mỹ đang kêu gọi có lẽ chỉ mang tính chất đe dọa nhiều hơn là hiện thực. Nhiều nước Liên minh châu Âu đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga. Nhiều nước EU đã thể hiện sự không nhiệt tình. Đức kêu gọi giải pháp ngoại giao hơn là trừng phạt, Hà Lan bác bỏ xử phạt Moscow, còn Thủ tướng Anh cho biết sẽ không ủng hộ biện pháp trừng phạt thương mại hoặc đóng băng tài khoản của Nga tại nước này.
Nếu không có sự ủng hộ của châu Âu, các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Moscow mà Mỹ áp dụng sẽ không đủ mạnh để thuyết phục ông Putin đảo ngược tiến trình hành động hiện nay ở Crimea. Mỹ không phải là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Kinh ngạch xuất khẩu và nhập khẩu giữa Mỹ và Nga chỉ đạt 40 tỷ USD mỗi năm, trong khi con số này ở châu Âu là 460 tỷ USD.
Nếu Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga, chính các doanh nghiệp nước này sẽ lên tiếng phản đối đầu tiên. Nga hiện là thị trường lớn thứ 2 thế giới của Pepsi và là thị trường quan trọng mà Boeing, General Motors, John Deere và Procter & Gamble đang tìm cách tiếp cận.
Nguyễn Hường