Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về các yêu cầu quá khích của Thời báo Hoàn Cầu và giới truyền thông Trung Quốc đòi chính phủ phải "mạnh tay" với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 28/12 dẫn lời giới phân tích nhận định, hiện nay Trung Quốc chỉ có thể lên án, chỉ trích Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Aeb và đẩy mạnh cái gọi là hoạt động tuần tra xung quanh nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư.
Trung Quốc sẽ kiềm chế không đưa ra bất kỳ phản ứng cụ thể nào về chuyến thăm đền Yasukuni của ông Shinzo Abe sau khi đánh giá tác động về mối quan hệ giữa Tokyo với láng giềng và Washington.
Phấn chấn vì thấy Mỹ chỉ trích mạnh mẽ chuyến thăm của ông Shinzo Abe, Trung Quốc không thể làm gì nhiều hơn ngoài việc tiếp tục chờ đợi và khai thác tối đa bất kỳ mâu thuẫn nào giữa Mỹ và Nhật Bản. Đại sứ quán Mỹ tại Nhật Bản hôm thứ 5 tuyên bố Washington thất vọng vì chuyện Thủ tướng Nhật viếng đền Yasukuni và điều này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng.
Trương Bảo Huy, một chuyên gia an ninh từ đại học Lĩnh Nam nhận định, trong khi liên minh Tokyo và Washington còn mạnh, Trung Quốc sẽ không có hành động khiêu khích để tránh thúc đẩy Mỹ càng ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Tokyo.
Truyền thông Nhật Bản cho rằng Mỹ đã nhiều lần vận động ngăn cản ông Shinzo Abe viếng đền Yasukuni nhưng không thành. |
"Washington thận trọng hơn với Shinzo Abe vì ông có vẻ như đang vượt tầm kiểm soát", Hạ Khánh Quốc, một chuyên gia về quan hệ quốc tế đại học Bắc Kinh nhận xét, trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục tấn công ông Shinzo Abe.
Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi giới chức Bắc Kinh liệt Shinzo Abe vào danh sách những chính khách Trung Quốc không muốn chào đón nhất, nhưng Bộ Ngoại giao nước này từ chối bình luận về yêu cầu của các phương tiện truyền thông.
Giới truyền thông tiếng Trung Quốc tại Nhật Bản suy đoán rằng, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định viếng đền Yasukuni sau khi đề nghị của Nhật Bản bố trí một chuyến thăm cho ông tới Trung Quốc và Hàn Quốc đã bị Bắc Kinh, Seoul từ chối hồi tuần trước với lý do thời gian chưa thích hợp.
Một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã kiềm chế bất cứ hành động phản ứng khiêu khích, thái quá nào với Nhật Bản. Một nhóm hoạt động "bảo vệ Điếu Ngư" đã bị cảnh sát Trung Quốc chặn lại khi họ có ý định biểu tình phản đối tại đại sứ quán và lãnh sự quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, Thượng Hải.
Trong khi đó một vụ kiện Nhật Bản đòi "bồi thường thiệt hại" do tàu cá của họ đổ bộ lên Senkaku tháng 8 năm ngoái thì bị phía Tokyo ngăn chặn của nhóm "bảo vệ Điếu Ngư" từ Hồng Kông đã bị tòa án tối cao Trung Quốc bác bỏ.