Nhiều kết quả tích cực sau năm học đặc biệt
Sáng ngày 25/8, phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình báo cáo một số kết quả nổi bật trong năm học 2021-2022 của ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn quận.
Đáng chú ý, ngành giáo dục chú trọng xây dựng trường học trực tuyến, tập huấn về dạy học trực tuyến và chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo, quản lý hồ sơ công việc trên nền tảng Google Drive; tập huấn về chương trình, sách giáo khoa, xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đổi mới, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin ở tất các các môn học cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên.
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình báo cáo kết quả năm học 2021-2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022-2023. (Ảnh: Ngân Chi). |
Theo đó, ngay từ đầu năm học, phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã hướng dẫn các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp và kế hoạch dạy học trực tuyến, khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp các nhà trường không bị động và cũng không làm ảnh hưởng tới kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học và chất lượng dạy học của nhà trường. Giao các tổ chuyên môn ghi hình bài dạy và chia sẻ, live trên fanpage giúp học sinh nghiên cứu, học tập tốt hơn đặc biệt môn Thể dục, môn Âm nhạc và các giờ học thực hành thí nghiệm để đảm bảo trang bị đầy đủ kiến thức trọng tâm cho học sinh.
Đồng thời, các trường hoàn thành tốt nhiệm vụ là điểm test Covid-19 cho nhân dân phường; điểm tiêm phòng vắc-xin cho học sinh tuổi 12,13,14; cán bộ, giáo viên, nhân viên của các nhà trường tích cực tham gia công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 ở phường trên địa bàn quận Ba Đình; Ngoài ra, một số trường trung học cơ sở: Ba Đình, Giảng Võ, Nguyễn Tri Phương cũng rất nhiệt tình tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Trải qua một năm học đặc biệt với ảnh hưởng của dịch Covid-19, song, các cấp học đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Đặc biệt, kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%; 95% học sinh tham gia thi vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022-2023.
Có trường ngoài công lập không duy trì được hợp đồng giáo viên, không có kinh phí chi trả
Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Lê Đức Thuận cũng đề cập đến một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch năm học: “Việc dạy, học trực tuyến kéo dài, nhất là đối với học sinh lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này. Thời gian dạy học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh các điều kiện thực hiện còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh; sau khi trở lại trường học, trình độ, kiến thức của các em cũng có sự khác nhau. Công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc quản lý, duy trì nền nếp, thời gian tham gia học tập trực tuyến, trực tiếp của các em gặp nhiều khó khăn.
Tổ chức quản lý, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều cơ sở có nguy cơ phải đóng cửa vì không duy trì được hợp đồng giáo viên, không có kinh phí chi trả cho giáo viên.
Việc triển khai các chuyên đề dạy học đặc biệt đối với dạy học các bộ sách giáo khoa lớp 1, 2 và lớp 6 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa đạt được tối đa theo yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa phát huy được hết yêu cầu đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải chuyển sang dạy học trực tuyến; công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng, phòng, chống bạo lực cho học sinh khi học tập trực tuyến và sử dụng môi trường mạng còn nhiều hạn chế”.
Giờ học tại Trường Tiểu học Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh: Ngân Chi). |
Chú trọng nâng chuẩn giáo viên
Để triển khai năm học 2022-2023 hiệu quả, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cũng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý nhà nước: Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tăng cường đổi mới sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học; tập trung triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch, nhiệm vụ của đảm bảo tính hiệu quả, khả thi để thực hiện các chỉ tiêu giao.
Về chất lượng học sinh trung học cơ sở thi chuyển cấp, tuyệt đối không được “ép” học sinh chuyển trường như những thông tin từng được báo chí phản ánh, nhưng cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng.
Thứ hai, chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn, an ninh trường học:
Tiếp tục chỉ đạo xây dựng thực hiện kế hoạch thích ứng với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.
Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.
Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống: Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, gắn bó.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ: Tăng cường công tác quản lý, thực hiện rà soát quy hoạch phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Xây dựng chính sách tuyển dụng, điều chuyển giáo viên, nhân viên phù hợp đáp ứng nhu cầu sử dụng của mỗi nhà trường.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ; chú trọng triển khai bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đặc biệt rà soát nhu cầu đảm bảo đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và môn Tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3.
Hiện tại, trên địa bàn quận, đối với giáo dục tiểu học, còn khoảng 0,4% giáo viên cần nâng chuẩn; còn đối với mầm non và trung học cơ sở thì tỉ lệ cao hơn.
Thứ năm, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông:
Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới và triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đào tạo bồi dưỡng.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin: Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Đảm bảo 100% giáo viên dạy môn Tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình Tin học quốc tế theo cấp học; 35% học sinh trung học cơ sở đạt chuẩn kỹ năng sử dụng Tin học quốc tế IC3. Tổ chức dạy đại trà chương trình Tin học quốc tế ở các trường trung học cơ sở theo đề án của quận.
Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với thực hiện, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; kiểm tra các cơ sở giáo dục liên kết; kiểm tra công tác tuyển sinh; công tác quản lý tài chính; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trường học.
Thứ tám, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế trong giáo dục: hội thảo, chuyên đề, cử cán bộ quản lý được tham gia các khoá bồi dưỡng, trao đổi, giao lưu với các nước trong nhóm ASEAN và các quốc gia phát triển; mở rộng, nâng cao chất lượng các kỳ thi học sinh giỏi, sân chơi quốc tế tạo cơ hội cho nhiều học sinh tham gia và đạt giải cao. Đáp ứng kỷ nguyên 4.0.
Thứ chín, đẩy mạnh công tác truyền thông về nội dung, lộ trình, giải pháp gắn liền đổi mới giáo dục.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành giáo dục và đào tạo quận Ba Đình nói riêng và trên toàn thành phố nói chung: “Một năm học đặc biệt với 7 tháng học trực tuyến với tiểu học và trung học cơ sở; 8 tháng không đến trường của trẻ mầm non.. nhưng hai kỳ thi quan trọng (kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển đại học, cao đẳng) diễn ra an toàn tuyệt đối, tỉ lệ đỗ cao.
Bà Trần Lưu Hoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá cao những kết quả năm học 2021-2022 của ngành giáo dục và đào tạo Ba Đình. (Ảnh: Ngân Chi). |
Có lẽ, đây cũng là năm học rất hiếm hoi khi tỉ lệ học sinh đỗ vào trường trung học phổ thông công lập rất cao; rất nhiều trường không hạ điểm chuẩn, rất ít trường phải xét tuyển nguyện vọng 3. Chưa bao giờ, các thầy cô giáo lại tích cực, chủ động đổi mới phương pháp dạy học của mình như vậy. Ngành giáo dục và đào tạo đồng thời tích cực tổ chức nhiều hoạt động, phong trào”.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Trần Lưu Hoa cũng yêu cầu, trong năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo quận Ba Đình chủ động rà soát đội ngũ, chuẩn bị đội ngũ, đặc biệt với giáo viên môn Ngoại ngữ và Tin học, để kịp thời tham mưu biện pháp đảm bảo tiết học, có giáo viên dạy học và vẫn chất lượng. Đặc biệt, với nội dung bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, cần nghiên cứu để triển khai hiệu quả nhất.
Trên địa bàn quận hiện nay có 66 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Trong đó, mầm non gồm 32 trường (20 trường công lập, 02 trường tự quản, 10 trường tư thục); tiểu học gồm 20 trường (17 trường công lập, 03 trường ngoài công lập); trung học cơ sở gồm 14 trường (12 trường công lập, 02 trường ngoài công lập); 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Tính đến hết năm 2021, toàn quận có 40/49 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 82%. Trong đó, cấp trung học cơ sở có 10/12 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 83,3%; cấp tiểu học có 15/17 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 88,2% (trong đó có 04 trường tiểu học: Hoàng Diệu, Kim Đồng, Thành công B, Hoàng Hoa Thám đạt chuẩn quốc gia mức độ 2); cấp mầm non có 15/20 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 75% (trong đó có Trường Mẫu giáo số 10 đạt chuẩn quốc gia mức độ 2). Kế hoạch năm 2022 công nhận mới 01 trường, công nhận lại 04 trường.