Trời lạnh buốt, chiếc cầu dựng tạm bằng tre và ván gỗ chòng chành, lắc lư bởi bước chân người qua sông nhưng không cản nổi những bước chân người tiến về bãi bồi ven sông Thiều, nhất là đám học sinh, thanh niên, ở đấy - nơi chợ Chuộng nổi tiếng họp vào mùng 6 Tết hàng năm.
Phiên chợ chúc phước cầu may bằng cách đánh nhau túi bụi, với hình thức kỳ lạ này phiên chợ thu hút sự quan tâm và tò mò không chỉ người dân ba huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn mà còn cả xứ Thanh về xem. Phong tục đã đi vào câu ca dao “Sống bỏ con bỏ cháu. Chết không bỏ mồng 6 chợ Chuộng”.
Phiên chợ chúc phước cầu may bằng cách đánh nhau túi bụi, với hình thức kỳ lạ này phiên chợ thu hút sự quan tâm và tò mò không chỉ người dân ba huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn mà còn cả xứ Thanh về xem. Phong tục đã đi vào câu ca dao “Sống bỏ con bỏ cháu. Chết không bỏ mồng 6 chợ Chuộng”.
Những em học sinh cấp 2 mua cà chua, thậm chí cả trứng thối để ném vào người đi chợ. Ảnh Trung Sơn |
Cầu may rồi “thanh toán” nợ nần ngay chợ
Khác với những phiên chợ đầu năm khác, ở chợ Chuộng, không những người dân đi chợ mua may, bán rủi mà chợ còn có phong tục kỳ lạ đánh nhau, ném nhau để cầu may mắn. Phong tục này bắt nguồn từ xa xưa, tương truyền một vị vua nhà Lê đi đánh giặc qua vùng này vào mùng 6 Tết thì bị giặc vây bắt. Khi đó, vua nhờ dân làng giả vờ họp chợ, vũ khí cất giấu trong những ghánh hàng, khi quân giặc đến thì nhất tề vùng dậy. Đánh nhau trở thành phong tục không thể thiếu từ đó. Ý nghĩa tốt đẹp của nó là cầu cho mùa màng tươi tốt, người được an, vật được thịnh. Song qua thời gian, phong tục này ngày càng biến đổi. Mọi ân oán, thù hận giữa thanh niên làng này với làng kia, giữa học sinh với nhau, giữa bên này sông với bên kia sông… cũng chờ đến ngày họp chợ để… thanh toán.
Cụ Lê Văn Động ( xã Thiệu Lý, Thiệu Hóa) cho hay “Già này giờ đi xem chợ chỉ dám đứng trên bờ, không dám xuống bãi cháu ạ”. Mà cũng đúng, người đi chợ Chuộng bây giờ ít dám xuống giữa chợ, chỉ dám đứng trên bờ đê. Đám thanh niên, học sinh mới dám xuống giữa chợ để còn…ném nhau. Ở đây, mỗi cân cà chua giá chỉ từ 3.000 đến 5.000 đồng nên được mua nhiều nhất, sử dụng với mục đích duy nhất là…ném người đi chợ. Bất kể già, trẻ, trai, gái, hễ xuống dưới chợ là bị ném.
Có khi người vừa mua xong quay lại ném người bán hàng ngay lập tức. Theo lời cụ Động, thời niên thiếu các cụ đi xem chợ, người đi chợ ném nhau, đánh nhau nhẹ nhàng lắm, chỉ là cho có để cầu may mắn đầu năm. Nhưng giờ lớp trẻ đi chợ, bạ đâu ném đó, mà không chỉ có cà chua, chúng còn dùng cả táo xanh, trứng thối, thậm chí cả…gạch để choảng nhau. Đánh nhau thì toác đầu mẻ trán, đi cấp cứu là chuyện bình thường.
Người đi chợ “hãi hùng” nhất là bị ném trứng thối, có khi còn có cả… gạch. Những lò gạch mọc lên san sát gần khu vực chợ khiến người đi chợ mỗi dịp này lại lo nơm nớp vì sợ “gạch lạc” từ đâu bay đến. Các đối tượng chủ yếu là thanh niên, học sinh thì bắt chước nhau cũng a dua theo, nhiều người khuyên ngăn nhưng cũng bất lực.
Trò Tôm-Cua-Cá thu hút đông đảo trẻ em tham gia, nhiều em dùng tiền mừng tuổi để "nướng cá". Ảnh Trung Sơn |
Lời kể của chị Thu, một chủ đò đưa khách sang sông tại khu vực gần chợ cho biết, năm trước sông Thiều dâng cao chảy xiết và trời lạnh nên chưa thấy ai bị xô xuống sông, chứ mọi năm thì nhiều. Có năm trai Dân Quyền ( Triệu Sơn) đánh trai bên Đông Hoàng ( Đông Sơn), cả đám xô nhau xuống sông, có người lóp ngóp bò được lên bờ thì lại bị kéo xuống sông. Lực lượng công an xã đông nhưng chỉ có thể can thiệp khi có đánh nhau xảy ra chứ không quản lý hết được.
Đứng cạnh chúng tôi, gã thanh niên có mái tóc nhuộm vàng rực, ước chừng chỉ là học sinh cấp III, đeo khuyên tai rút điện thoại ra gọi cho bạn: “Bảo bọn nó tập trung lại đi. Tí nữa chờ chúng nó đến là “bụp” thôi”. Xung quanh có vài ba thanh niên dáng vẻ bặm trợn, tay cầm chiếc túi xách đen. Đoán chừng trong túi có vũ khí và lát nữa thôi sẽ có đánh nhau to, chúng tôi đứng lùi về phía sau, lặng lẽ quan sát. Tuy nhiên, biết trước sự việc, công an xã Đông Hoàng nhanh chóng giải tán nhóm thanh niên trên nên không để lại hậu quả gì đáng tiếc.
Ông Lê Huy Hiệu, Phó Công an xã Đông Hoàng (huyện Đông Sơn) cho biết, “Mấy năm gần đây, công an hai xã Đông Hoàng (Đông Sơn) và Dân Quyền (Triệu Sơn) phối hợp với nhau thắt chặt an ninh trong mỗi phiên chợ nên không có những trận đánh nhau lớn xảy ra, tuy nhiên vẫn diễn ra những trận đánh nhau lẻ tẻ và thường tổ chức nhỏ lẻ nên cũng khó dẹp, nhất là học sinh và thanh niên, tuổi mới lớn nên rất khó bảo” ông Hiệu lắc đầu.
Dùng tiền mừng tuổi “nướng” Tôm –Cua -Cá
Chợ Chuộng giờ đây không chỉ thu hút người đi xem bởi phong tục đánh nhau, ném nhau mà còn “hấp dẫn” bởi những trò đỏ đen “ tôm – cua – cá” diễn ra ngay giữa chợ mà không ai quản lý. Đặc biệt hơn, trong những sới đỏ đen “hút” thanh niên choai choai, chủ yếu là học sinh cấp 2, cấp 3 còn đang khoác áo đồng phục, trong đó có cả những em gái.
Chợ Chuộng hàng năm họp vào ngày mùng 6 Tết, năm nào cũng thu hút rất đông người dân tới xem và mua sắm. Ảnh Trung Sơn |
Em Lê Văn Hưng, một học sinh lớp 7 ( Thiệu Hóa) “lăn lộn” từ đầu phiên chợ cho tới trưa thua mất …600.000đ tiền chơi trò “tôm – cua – cá”. Khi đồng tiền cuối cùng rơi vào tay người chủ trò, Hưng mếu máo đứng dậy, tiếc ngẩn ngơ. Toàn bộ số tiền mừng tuổi định ra năm đóng học và mua sách vở đã “đốt” nhẵn túi trong chốc lát. Xung quanh những học sinh đang dán mắt vào trò đỏ đen, các cô bé reo hò, cổ vũ. Có em gái đứng ngoài “ngứa ngáy” tay chân không chịu được cũng nhảy vào “ đặt cửa”. Dưới chiếu, không chỉ có những tờ 5.000, 10.000 mà còn có những tờ 100.000đ. Mua may bán rủi ra sao chưa biết, chỉ thấy những những học sinh, thanh niên đốt tiền cho những trò cá cược may rủi, mất tiền đầu năm.
Một phiên chợ với những thói quen mang tính truyền thống giờ không còn, thay vào đó chợ bày bán những mặt hàng đồ chơi bán chạy, những khẩu súng bắn đạn nhựa, những con dao bấm. Điều nguy hại, những mặt hàng này ngang nhiên bán mà không ai cấm. Tuy chỉ là một phiên chợ quê nhưng những hiểm họa đó sẽ len lủi tới các ngõ ngách làng xóm.
Đối tượng “sở hữu” hàng nóng này thường là học sinh và thanh niên, những khẩu súng được bán với giá từ 60.000-80.000đ.
Em Trần Thị Thu Thủy, học sinh trường THPT Đông Sơn chỉ tôi xem hai vết bầm tím trên cánh tay, hậu quả của hai viên đạn nhựa để lại do đám thanh niên bắn còn đỏ ửng nói: “Các bạn khác thì bị ném cà chua còn em thì bị bắn hai viên đạn nhựa vào tay, đau quá”. Cô học trò rưng rưng vì đau.
Với những phong tục dân gian ở chợ Chuộng đang ngày một phai nhạt, thế vào đó là những biến tướng, những tệ nạn ngày một nhiều. Nghiêm trọng hơn, những đối tượng tham gia vào các tệ nạn trên lại là những em đang trong độ tuổi tới trường, những trò chơi đầy may rủi, kích thích tính tò mò và huy nghiểm.
Có thể bạn quan tâm |
|
Trung Sơn